Thứ 6 Tuần 34 Thường Niên – Ngày 29/11/2019

Lời Chúa: Lc 21,29-33

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: “Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”.

 


Suy niệm

DẤU CHỈ NƯỚC THIÊN CHÚA

“Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến”(Lc 21,31).

Trong những ngày cuối năm phụng vụ như hôm nay, Giáo hội cho ta một cái nhìn về Nước Thiên Chúa đã gần đến ngang qua các dấu chỉ. Khi đâm chồi, thân cây sần sùi phải tự tách mình ra để mầm non cố gắng uốn mình vươn ra, và sự sống mới xuất hiện nơi lá non hứa hẹn về một ngày sinh hoa kết trái. Cách tương tự, khi mang thai, người đàn bà nặng nhọc và đau đớn khi sinh. Nhưng khi sinh con rồi, bà quên đi những gian nan bởi chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra (x. Ga 16,21) chất chứa một điều tốt đẹp và đầy hy vọng cho thế giới. Cách riêng qua ngòi bút của thánh sử Luca, Chúa Giêsu nói: “Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến” (Lc 21,31).

Dấu chỉ là một thực tại khả giác, tự nhiên hay quy ước, hướng tới một thực tại khác. Cũng như ở Palestin, khi cây cối đâm chồi là dấu chỉ báo hiệu mùa hè. Còn ở Việt Nam lúc cây cối nẩy lộc là dấu chỉ báo hiệu mùa xuân. “Những sự ấy xảy ra” là dấu chỉ được thánh Luca mô tả với cái nhìn của văn chương khải huyền là những sự kiện như: lừa gạt, bách hại, chiến tranh loạn lạc, xáo trộn kinh hoàng. Nhưng trước tiên là dấu chỉ nơi sự kiện bách hại ngược đãi mà các môn đệ của Chúa phải chịu. Thiên Chúa nuôi dưỡng đức tin cho Dân Chúa bằng cách nhắc lại dấu chỉ trong quá khứ, ban dấu chỉ hiện tại, khơi dậy niềm hy vọng qua việc báo trước dấu chỉ tương lai. Dấu chỉ vĩ đại cuối cùng là chính Chúa Giêsu, chứng cớ cao cả về tình yêu Chúa Cha dành cho con người. Dấu chỉ bách hại cách đặc biệt mà Chúa Giêsu phải chịu trên con đường thập giá với cái chết khổ đau, nhất là lúc Chúa Giêsu tắt thở cũng là lúc màn trong đền thờ xé ra làm hai (x. Mc 15,37-38; Mt 27,50-54; Lc 22,45) đã khai mở một thực tại mới, thực tại của vương quốc vinh quang. Trong một thị kiến, Đaniel đã thấy những vương quốc hùng mạnh nổi dậy và đã qua đi, nhưng chỉ có vương quốc không bao giờ bị phá hủy mà vị bô lão trao cho Con Người là vương quốc vĩnh cửu (x. Đn 7,2-14), đó là Nước Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu, Nước Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người. Thánh Têphanô trong cảnh bị bách hại cùng cực đứng trước cái chết đã nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7,56). Còn thánh Phaolô qua những gian nan đã có kinh nghiệm được đưa lên tầng trời thứ ba (x. 2Cr 12,2). Quả thật như Chúa Giêsu nói: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 21,33) và Nước Thiên Chúa cũng vô tận.

Như thế, mọi người và đặc biệt người Kitô hữu được mời gọi nhận ra và nói về Nước Thiên Chúa khi sống theo dấu chỉ Lời Chúa nói không chỉ trong Kinh Thánh, mà còn qua các tạo vật, qua các biến cố đã xảy ra trong quá khứ, qua niềm vui, nỗi buồn trong hiện tại, qua viễn cảnh tương lai và ngay cả những lỗi lầm của chính mình. Từ đó, người Kitô hữu có thể nhận ra những dấu chỉ đươc Chúa gởi đến trong đời mình bằng sự nội tâm hóa mọi sự với đôi mắt đức tin.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con nhận ra tiếng Chúa nói qua các dấu chỉ trong các bí tích, nơi những sự kiện, hiện tượng bên ngoài và khát vọng sâu thẳm bên trong lòng mình và thế giới. Từ đó, chúng con không ngại đáp lời mời gọi góp phần làm cho Nước Thiên Chúa đến ngang qua những công việc và những sinh hoạt đời sống hằng ngày với cả tấm lòng. Amen.


Comments are closed.