Thứ 5 Tuần 34 Thường Niên – Ngày 28/11/2019

Lời Chúa: Lc 21, 20-28

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.

Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt.

Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.

 


Suy niệm

NIỀM HY VỌNG ĐƯỢC CỨU ĐỘ

“Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21,28).

Con người qua mọi thời đại luôn tìm câu trả lời cho câu hỏi: Sau khi chết, tôi sẽ đi về đâu? Câu hỏi này bao hàm nhiều câu trả lời, và từ những câu trả lời ấy sẽ mở ra cho mỗi người những thái độ sống khác nhau. Đối với người Kitô hữu, câu hỏi trên còn mở ra cho mỗi người niềm vui và hy vọng lớn lao về cuộc sống mai hậu trên Thiên Quốc.

Việc Đức Kitô Phục Sinh là nền tảng của toàn bộ đức tin Kitô giáo. Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của Giáo Hội qua mọi hời đại sẽ trở nên trống rỗng, và cả đức tin của mọi Kitô hữu cũng trống rỗng. (x. 1 Cr 15,14 – 15). Bên cạnh niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, người tín hữu còn tin tưởng vào ngày Đức Kitô trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Trong đức tin, người tín hữu không còn lo sợ ngày tận thế, nhưng hy vọng được cứu độ, được sống đời đời. Niềm trông chờ Đức Kitô trở lại trong vinh quang được Thánh Phaolô diễn tả bằng lời kêu cầu “Ma-ra-na tha” “Lạy Chúa! Xin hãy đến” (1 Cr 16,22). Lời cầu “Lạy Chúa! Xin hãy đến” là tiếng kêu đầy hy vọng của người tín hữu, là niềm xác tín chính Đức Kitô sẽ trở lại giải thoát con người khỏi sự kìm toả và tàn phá của sự dữ, đồng thời ban ơn cứu độ cho con người. Vì Đức Kitô đã hứa “Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21,28).

Niềm tin vào ngày trở lại của Đức Kitô giúp chúng ta sống tỉnh thức. Đời sống tỉnh thức thúc đẩy chúng ta hướng về Thiên Chúa, để thi hành thánh ý Ngài. Sống tỉnh thức có nghĩa là sống theo chân lý và làm điều thiện theo định hướng của đức tin. Khi sống trong tỉnh thức, chúng ta không bao giờ nao núng trước cái chết cũng như ngày tận thế. Nhờ đó, trong cuộc sống hiện tại, chúng ta ý thức kết hiệp với Đức Kitô, nhất là thông phần vào sự đau khổ của Ngài. Vì chúng ta tin chắc rằng Đức Kitô ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20) và Ngài ở đâu chúng ta cũng sẽ được ở đấy với Ngài (x. Ga 14,3).

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã ban cho con hồng ân cứu độ. Xin Chúa ban thêm sức mạnh và lòng can đảm giúp con luôn sống tỉnh thức mà sẵn sàng làm theo ý Chúa, để được đón nhận ơn cứu độ Chúa hứa ban. Amen.


Comments are closed.