Thứ 5 Tuần 5 Phục Sinh – Ngày 14/05/2020 – Lễ Kính Thánh Matthia Tông Đồ

Lời Chúa: Ga 15,9-17

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

 


Suy niệm

ĐỨC GIÊSU – KHUÔN MẪU CỦA TÌNH YÊU

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Quả vậy, vốn là Thiên Chúa nhưng Người đã bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để đến trong trần gian vì tình yêu nhân loại (x. Pl 2,6-7). Từ đó Đức Giêsu trở nên khuôn mẫu của tình yêu cho đời sống mỗi người.

Trong thời Cựu Ước yêu thương đã là một lề luật: “Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình ngươi” (Lv 19,1-37; Đnl 6,4-13). Bước sang Tân Ước, Đức Giêsu đã kiện toàn lề luật và mở rộng tình yêu thương đến tất cả mọi người. Điều đó được diễn tả cách rõ nét trong cuộc đời của chính Đức Giêsu. Suốt những năm tháng công khai rao giảng, Người đã trao ban tình yêu cho muôn người. Bàn tay Người xoa dịu vết thương đau khi chữa lành và nâng dạy bao cuộc đời bế tắc. Trái tim Người thổn thức vì yêu con người, đến độ quên đi chính mình cho người mình yêu. Như thế, cuộc đời của Đức Giêsu tóm gọn trong chữ “yêu”. Đây cũng là di chúc Người tha thiết mời gọi các môn đệ: “Hãy ở lại trong tình yêu … hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,9.12). Như vậy, ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu để được thanh luyện và biến đổi. Ở lại trong tình yêu là tuân giữ lời của Người. Ở lại trong tình yêu là lúc mỗi người biết đáp trả lời mời gọi “Hãy yêu như Thầy đã yêu”. Yêu như Thầy là biết vượt qua ranh giới người thân cận, ra vùng ngoại biên, dẹp bỏ hết rào cản ngăn cách do chủng tộc, văn hóa (x.Gl 3,28), và yêu thương cả thù địch của mình nữa (x.Mt 5,43-47). Yêu như Chúa là một tình yêu biết từ bỏ, dám hy sinh cả tính mạng cho người khác theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu đã làm. Yêu như Chúa là biết tha thứ: tha thứ cho tội nhân không chỉ bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy, và tha luôn cho kẻ giết hại Người (x.Lc 23,34). Yêu như Chúa là một tình yêu sẵn sàng phục vụ: phục vụ như một người tôi tớ, cúi mình xuống rửa chân và nhắn nhủ môn đệ cũng phải rửa chân cho nhau (x.Ga 13,14).

Đây là bản di chúc thiêng liêng, là những gì cao quý nhất Đức Giêsu muốn để lại cho các môn đệ và cho chính mỗi người chúng ta. Ngài không để lại một tài sản vật chất nhưng là lệnh truyền: “Hãy yêu như Thầy đã yêu” (x.Ga 15,12). Càng sống yêu thương, ta càng nên giống Chúa, và nên bạn hữu của Chúa (x.Ga 15,15), để mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu (x.Ga 13,35). Từ đó ta hân hoan đem yêu thương đi về muôn nẻo đường cuộc sống, loan báo Tin Mừng cứu độ cho hoa trái yêu thương trổ sinh và tồn tại mãi. Vì Thánh Phaolô khẳng định: khi có tình yêu thì làm được mọi sự, tình yêu là điều cao trọng nhất, và chỉ tình yêu tồn tại mãi mãi (x.1Cr 13,1-13)

Lạy Chúa, tình Chúa thương con cả một trời bao la, nhưng tình con yêu Chúa thì đếm ngắn đếm dài. Xin cho chúng con biết yêu như Chúa yêu, đừng khép lại chính mình nhưng biết mặc lấy tâm tình bao dung và hướng đến với người khác bằng nụ cười, ánh nhìn cảm thông, bao dung tha thứ, những cử chỉ ân cần giúp đỡ với trọn tình vẹn nghĩa. Amen.


Comments are closed.