Thứ 5 Tuần 33 Thường Niên – Ngày 23/11/2017

Lời Chúa: Lc 19, 41-44

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”.

 


Suy niệm

NƯỚC MẮT YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU

“Khi đến Giêrusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!” (Lc 19, 41-42)

Với bản tính con người, Chúa Giêsu cũng biết vui, biết buồn, biết tức giận, biết cảm thương, và nhất là biết rơi những giọt nước mắt tiếc nuối, xót xa. Trong trình thuật của riêng thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu đã rơi lệ khi đứng trước thành Giêrusalem. Chúa khóc không phải vì Chúa tiếc công trình vĩ đại của dân Do Thái bị tàn phá, nhưng vì Chúa nhìn thấy cảnh khốn khổ của dân Chúa trong tương lai bị “quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây, công hãm tư bề” (Lc 19, 43) và hơn hết, vì Chúa thương con cái mình đang bị ước vọng về Đấng Cứu Độ oai phong lẫm liệt theo kiểu thế gian che khuất, nên họ đã từ chối chấp nhận Chúa, là Đấng ban ơn cứu độ, là nguồn bình an và hạnh phúc đích thực. Mặc dù dân chúng khước từ đón nhận Chúa, Chúa vẫn biểu lộ tình yêu thẳm sâu mà không một lời than trách, vẫn mong ước quy tụ tất cả mọi người lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, để nâng đỡ chở che (x. Lc 13, 34-35), vẫn tôn trọng tư do của họ cách tuyệt đối. Quả thật, Con Thiên Chúa khóc là một dấu chỉ diễn tả tình thương của Chúa dành cho nhân loại.

Từ những giọt nước mắt của Chúa, chúng ta hãy suy xét về thái độ sống của ta đối với tình yêu của Chúa. Chúa vẫn luôn yêu thương và tiếp tục gõ cửa tâm hồn chúng ta. Chúa vẫn âm thầm mời gọi chúng ta sống yêu thương qua lời Chúa, qua các Bí tích, qua sự hiện diện của anh chị em và nhất là qua những tiếng khóc than của những người đau khổ. Chúng ta chỉ có thể nhận ra và đáp lại tiếng âm thầm của Chúa khi biết sống gắn bó mật thiết với Chúa. Chúng ta cần chân thành đến ở cùng Chúa với thái độ yêu mến hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực để học biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của những người xung quanh. Chúng ta cần khiêm tốn sống cùng anh em bằng tình huynh đệ, mở lòng chấp nhận khác biệt với tấm lòng bao dung, tha thứ và nhiệt tình giúp đỡ nhau trong sinh hoạt hằng ngày. Mỗi ngày chúng ta hãy tự hỏi “tôi có đang làm Chúa buồn và để Chúa khóc vì tôi không?” nhằm tìm ra những thiếu xót, bài trừ tật xấu ngõ hầu luôn sẵn sàng cộng tác, đáp trả lời mời gọi của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Lạy Chúa, thế giới hôm nay vẫn còn những con người đua tranh, ích kỉ, vẫn còn những bạo lực, khủng bố, xung đột và chiến tranh, vẫn còn nhiều người thờ ơ, dửng dưng trước đau khổ của người khác. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết sống yêu thương, không cứng lòng trước lời mời gọi của Chúa, nhưng nhạy bén trước những đau khổ của người anh em. Amen.


Comments are closed.