Thứ 4 Tuần II Thường Niên – Ngày 17/01/2018

Lời Chúa: Mc 3, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.

 


Suy niệm

NGÀY SABAT-NGÀY CỦA TỰ DO

Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” (Mc 3, 4).

Đối với người Do Thái, luật giữ ngày Sabat chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tôn giáo. Nó được coi như một điều răn chính yếu đi liền với điều răn thứ nhất và phải được tuân giữ một cách hết sức nghiêm túc. Tuy nhiên, vào thời Đức Giêsu, việc giữ ngày Sabat đã bị các kinh sư và biệt phái diễn giải theo kiểu quá vụ luật, đến độ quên đi ý nghĩa đích thực của nó. Chính vì lẽ đó mà nhiều lần Chúa Giêsu đã quở mắng và nhắc nhở họ, Người muốn đưa việc tuân giữ ngày Sabat về lại ý nghĩa nguyên tuyền khi xưa.

Ý nghĩa của ngày Sabat gắn liền với lịch sử của dân tộc Israel. Đối với Israel, Thiên Chúa của họ là Thiên Chúa sáng tạo và giải phóng. Vì tình yêu, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ vạn vật. Và cũng vì tình yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người, ban cho con người lý trí, ý chí và tự do để con người thay Chúa mà cai quản muôn loài. Thiên Chúa sáng tạo trời đất trong sáu ngày. Ngày thứ bảy, Người nghỉ ngơi. Người Do Thái cũng nghỉ việc vào ngày này, và gọi đó là ngày Sabat, để nhắc nhớ cho họ về công trình sáng tạo của Thiên Chúa, công trình đã mang đến cho con người sự hiện hữu và tự do. Nhưng trong thời lưu đày ở Ai Cập, sự tự do của Israel đã bị tước đoạt. Họ phải sống trong cảnh nô lệ đầy lầm than và cơ cực. Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu cầu của họ, Ngài đã dùng quyền năng của mình mà đem họ ra khỏi đất Ai Cập và đưa vào miền đất hứa. Vì vậy, ngày Sabat cũng có ý nghĩa nhắc nhớ cho người Do Thái về biến cố xuất hành khỏi Ai Cập- biến cố vĩ đại của Thiên Chúa đã giải thoát dân Người.

Suốt một tuần phải làm việc mệt nhọc, phải chiến đấu với cơm áo gạo tiền, thì ngày Sabat mọi người được nghỉ ngơi, được giải thoát khỏi những lo toan và gánh nặng của cuộc sống. Ngày Sabat nhắc nhở cho ta biết rằng: ta là một thụ tạo được Thiên Chúa tạo dựng và được trao ban sự tự do, nên đừng sống kiếp nô lệ cho của cải vật chất, cho những đam mê và lạc thú của mình. Trong ngày này, con người được mời gọi để phụng thờ Thiên Chúa và thể hiện tình yêu thương lẫn nhau. Chính trong tương quan với Thiên Chúa và anh em, con người mới có sự tự do đích thực.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn sống trong tâm thức là một người tự do, biết thanh thoát khỏi mọi thực tại trần thế, để khối óc và con tim của chúng con luôn biết hướng về Chúa và tha nhân. Amen.


Comments are closed.