Thứ 4 Tuần 22 Thường Niên – Ngày 05/09/2018

Lời Chúa: Lc 4, 38-44

Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa”. Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Đức Kitô.

Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.

 


Suy niệm

MỘT NGÀY CỦA CHÚA GIÊSU – MỘT NGÀY CỦA CHÚNG TA

“Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon” (Lc 4,38).

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Đức Kitô là trọng tâm của toàn bộ đời sống Kitô giáo” (số 1618). Vì thế, một ngày sống và hoạt động của Chúa Giêsu trở nên một mẫu hình lý tưởng cho một ngày sống và hoạt động của người Kitô hữu.

Một ngày điển hình ở Caphanaum cho thấy bản tóm lược hoạt động cứu thế của Chúa Giêsu. Theo thói quen, Người vào hội đường Do Thái tham dự cử hành phụng vụ và giảng dạy lời Chúa. Thánh sử Luca ghi chú rằng: “Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền” (Lc 4,32). Một trong những biểu lộ của lời uy quyền là việc Người trục xuất thần ô uế ra khỏi thân xác con người (x. Lc 4, 33-35).

Sau việc chữa lành một người trong nhà cầu nguyện, Người rời khỏi hội đường, đi đến và chữa lành một người đàn bà sốt nặng nơi một tư gia. Chúa Giêsu ngăn đe cơn sốt như chính Người đã ngăn đe thần ô uế. Người đàn bà này chính là nhạc mẫu của ông Phêrô. Sau khi khỏe lại, bà đã trỗi dậy và phục vụ các ngài. Đến chiều tối, các người đau yếu trong thành chạy đến cùng Chúa Giêsu và Người đã đặt tay chữa lành họ.

Sáng sớm hôm sau, Chúa Giêsu đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện. Đám đông tìm kiếm nhằm níu kéo Người ở lại với họ, nhưng Người trả lời họ rằng: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến” (Lc 4,43). Và Người đã tiếp tục ra đi rao giảng Tin Mừng trong các hội đường của miền Giuđê.

Chúa Giêsu đã hoạt động không ngừng, nhắm tới việc tôn vinh Thiên Chúa Cha và cứu độ con người. Người khởi đầu ngày mới trong cầu nguyện và kết thúc một ngày trong cầu nguyện. Thời gian còn lại, Người đến với mọi người, nhất là những ai bệnh tật, khổ đau, bị bỏ rơi để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, chữa lành và giải thoát họ khỏi cảnh cơ cùng.

Noi gương Chúa Giêsu, mỗi Kitô hữu bắt đầu và kết thúc ngày sống trong thinh lặng và cầu nguyện. Trong suốt ngày sống, người Kitô hữu học lấy tâm tình hoạt động của Chúa Giêsu, tất cả vì vinh quang Thiên và công cuộc loan báo Tin Mừng cho nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã đến với chúng con, đã sống kiếp con người như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Đức Kitô là trọng tâm của toàn bộ đời sống Kitô giáo” (số 1618). Vì thế, một ngày sống và hoạt động của Chúa Giêsu trở nên một mẫu hình lý tưởng cho một ngày sống và hoạt động của người Kitô hữu.


Comments are closed.