Thứ 4 Tuần 12 Thường Niên – Ngày 24/06/2020 – Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

Lời Chúa: Lc 1,57-66.80

Khi đến ngày sinh, bà Ê-li-sa-bét hạ sinh một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng : “Không được, nó sẽ gọi tên là Gio-an”.

Họ bảo bà rằng : “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết “Tên nó là Gio-an”. Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa.

Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giu-đê-a, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào. Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”. Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng ; nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Ít-ra-en.

 


Suy niệm

Ý NGHĨA CỦA TÊN GỌI

“Tên nó là Gio-an” (Lc 1,63).

Trong Phụng vụ của Giáo Hội, ngoại trừ Chúa Giêsu và Đức Maria, chỉ có thánh Gioan Tẩy Giả là vị thánh được mừng sinh nhật, ngày sinh ra trong trần thế. Điều đó nói lên tầm quan trọng của ngài trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Gioan là Đấng Tiền Hô của Chúa Giêsu. Ngài được sinh ra không bởi vì ngài, nhưng để chuẩn bị cho Đấng Kitô, Con Thiên Chúa làm người.

Trình thuật Gioan Tẩy Giả sinh ra nhấn mạnh đặc biệt vào việc đặt tên cho ngài. Kinh nghiệm đời sống cho thấy rằng tên gọi không chỉ nhằm phân biệt người này với người khác, nó còn gắn liền với những kỷ niệm trong quá khứ của cha mẹ hay thể hiện những ước vọng tương lai của cha mẹ nơi con cái. Hơn nữa, Thiên Chúa gọi từng người bằng tên của họ. Do đó, tên gọi của mỗi người là thánh thiêng. Tên là hình ảnh của nhân vị. Nó đòi hỏi được tôn trọng, như dấu chỉ phẩm giá của người mang tên đó (x. GLHTCG 2158). Vì thế, “cho biết tên gọi của mình là cho người khác nhận biết mình, một cách nào đó là tự trao mình, để người ta có thể tiếp xúc với mình, có thể hiểu biết mình cách thân mật hơn, và thật sự có thể gọi mình một cách cá vị” (GLHTCG 203).

“Gioan” là một cái tên đặc biệt, bởi trong họ hàng mẹ của ngài chẳng ai có tên như vậy (x. Lc 1,61), nhưng nó lại là dấu chỉ hiệp nhất khi cha mẹ ngài đều nhất trí đặt cho con mình, dù ông Dacaria bị câm. Hơn nữa, “Gioan”, nghĩa là “Chúa thương”, là tên mà sứ thần của Thiên Chúa bảo phải đặt cho ngài (x. Lc 1,13). Điều đó minh chứng sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa trong việc sinh hạ Gioan: ngài là kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ trong bụng mẹ, để trở thành ngôn sứ loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

Trong Kinh Thánh, việc Thiên Chúa đặt tên cho một ai đó thường đi kèm với việc trao một sứ mạng. Chẳng hạn, Abram thành Abraham (Cha của một dân tộc), Giacop thành Israel (người chiến thắng), Simon thành Phêrô (đá tảng Hội Thánh), Saolô thành Phaolô (Tông đồ dân ngoại)… Với Gioan Tẩy Giả, điều này cũng không ngoại lệ. Thật vậy, Gioan là tên Thiên Chúa đặt qua miệng sứ thần (x. Lc 1,13) với sứ mạng làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế: “Ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,15-17). Suốt cuộc đời của mình, thánh Gioan Tẩy Giả đã chu toàn tốt đẹp sứ mạng đó khi mạnh mẽ làm chứng cho sự thật, dù chịu lao tù và bị giết hại.

Nhờ Bí tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu nhận được một tên riêng trong Hội Thánh. Tên này có thể là tên của một vị Thánh nào đó, nghĩa là, của một môn đệ đã sống đời trung thành mẫu mực với Chúa hoặc tên này cũng có thể diễn tả một mầu nhiệm hay một nhân đức Kitô giáo (x. GLHTCG 2156). Với tên gọi mới này, Thiên Chúa cũng trao cho từng người sứ mạng trở nên chứng nhân của Ngài cho thế giới bằng việc rao giảng Tin Mừng và chứng tá đời sống, giữa đời thường hay trong đời tận hiến. Noi gương thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta nỗ lực chu toàn sứ mạng Chúa trao hết mức có thể, hầu Nước Chúa được rộng mở và nhân loại được cứu độ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức về tầm quan trọng của danh Kitô hữu và sứ vụ cao cả Chúa trao vào ngày lãnh Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, hầu chúng con nỗ lực sống trọn vẹn ơn gọi của mình và trở nên những chứng nhân sống động của Chúa giữa lòng thế giới, như thánh Gioan Tẩy Giả năm xưa.


Comments are closed.