Thứ 3 Tuần Thánh – Ngày 27/03/2018

Lời Chúa: Ga 13,21-33.36-38

Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: “Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: “Hỏi xem Thầy nói về ai đó”. Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, ai vậy?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó”. Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: “Con tính làm gì thì làm mau đi”. Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển. Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: ‘Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được’, nay Thầy cũng nói với các con như vậy”.

Simon Phêrô hỏi Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy”.

Phêrô thưa lại: “Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần”.

 


Suy niệm

THÁI ĐỘ TRƯỚC CUỘC KHỔ NẠN

“Đức Giêsu đáp: ‘Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (Ga 13,38).

Để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, Chúa Giêsu luôn luôn tự ý đón nhận cuộc khổ nạn như Chúa Cha muốn với tình yêu nồng nàn: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,50). Trong khi đó, trước cuộc khổ nạn của Chúa, mỗi người môn đệ lại có những thái độ khác nhau, chẳng hạn, Giuđa Iscariốt và Phêrô. Giuđa đã để cho lòng nhiệt thành thuở ban đầu trở thành sự phẫn uất, vì Chúa Giêsu không thực hiện một điều gì đó vĩ đại theo suy nghĩ của ông. Ông thất vọng với đường lối của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Giêsu, và cách mà Chúa Giêsu biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa. Và ông đã đi tìm các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ để thoả thuận về việc nộp Đức Giêsu (x. Lc 22,3-6). Với hành động này, ông hy vọng Chúa Giêsu sẽ phải tỏ lộ quyền lực chính trị, để lập ra một vương quốc. Còn đối với Phêrô, ông tin rằng Thầy Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (x. Mt 16,16), bởi chính tay ông đã kéo mẻ cá lạ lùng khi thả lưới theo lời Thầy (x. Lc 5,4-11). Do đó, ông thề sẽ sống chết với Thầy: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” (Ga 13,37). Thật nhiệt thành nhưng cũng rất nông nổi, vì khi Thầy chịu khổ nạn, chính ông đã chối không biết Thầy tới 3 lần trước khi gà gáy (x. Ga 18,15-18). Vậy, lòng nhiệt thành chưa đủ để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, cần phải tin vào Người (x. Ga 20,31) và làm theo lời Người nữa.

Đứng trước đau khổ, người bi quan tìm cách đổ trách nhiệm cho một ai hay một việc gì đó, hờn trách hay thậm chí tuyệt vọng. Người bàng quan thì thờ ơ, không quan tâm đến vấn đề, ai muốn giải quyết thì giải quyết. Người lạc quan thì nhìn vấn đề theo chiều hướng tích cực, theo kiểu “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, hay xem như một cơ hội để trưởng thành.

Thập giá là một hình phạt khủng khiếp mà con người nghĩ ra dành cho những tử tội. Hình phạt đó được con người trao cho Chúa Giêsu. Theo ý Chúa Cha, Chúa Giêsu tự ý đón nhận thập giá này với tất cả tình yêu mến, để đem lại ơn cứu độ cho con người. Chính tình yêu tự hiến này của Chúa Con mới đem lại ơn cứu độ, chứ không phải là hình phạt thập giá kia: “Cái chết của Chúa Giêsu không phải là giá phải trả. Chết tự nó không phải là một tài sản có thể dâng hiến. Đức Kitô trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu (x. Hr 5,9), không phải nhờ cái chết hy sinh của Người, nhưng nhờ việc hiến dâng thân mình, nhờ cái chết hướng về Cha (x. Hr 9,14)”. Chúa Giêsu hành động còn hơn cả những người lạc quan nữa, bởi vì nơi Chúa tràn đầy tình yêu mến và vâng phục.

Lạy Chúa Giêsu, con cảm thấy hãi hùng trước cuộc khổ nạn của Chúa. Con cũng sợ hãi khi phải đối diện với những thử thách trong cuộc đời con. Xin Chúa củng cố niềm tin cho con. Amen.


Comments are closed.