Thứ 3 Tuần 5 Thường Niên – Ngày 11/02/2020

Lời Chúa: Mc 7,1-13

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)”, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.

 


Suy niệm

ĐẠO ĐỨC, TÂM TÌNH CỦA CÕI LÒNG

“Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta” (Mc 7,6)

Có thể chúng ta đã từng nhận định ai đó là người đạo đức, hoặc chính mình cũng đã nhận được lời khen này. Nhưng đâu là yếu tố quyết định cho tính chân thực của việc đạo đức? Trong cuộc tranh luận với các biệt phái, Đức Giêsu đã trả lời cho chúng ta rằng, đạo đức phải là tâm tình của cõi lòng.

Quan niệm của người Do Thái nói chung, cách riêng là của các biệt phái, thì đạo đức hệ tại ở việc giữ luật bên ngoài. Thánh Luca đã cho thấy quan niệm đó qua lời kể lể của người biệt phái với Chúa về việc ông ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng cúng một phần mười thu nhập (Lc 18,12). Lối nhìn này khiến họ còn gán cho nhiều tập tục cái mác tôn giáo và đòi buộc giữ cách tỉ mỉ. Cho nên, việc các môn đệ không giữ luật rửa tay trước khi ăn đã làm họ thắc mắc, và điều đó cũng đồng nghĩa rằng các môn đệ không đạo đức. Chính vì quá coi trọng hình thức, nên lối sống của họ đã nhiều lần bị Đức Giêsu lên án là giả hình (x. Mt 23,27), và hôm nay Ngài đã mượn lời của Isaia để vạch trần lối sống giả hình của họ: “dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta”, tức một lối sống mâu thuẫn vì những gì được thể hiện bên ngoài không diễn tả thực sự nội tâm của họ.

Đối với Đức Giêsu, Ngài không hạ giá vai trò của những hành vi đạo đức, nhưng đúng hơn, Ngài kiện toàn nó, vì với Thiên Chúa, lòng nhân được ưu tiên hơn của lễ. Thiên Chúa cần tấm lòng hơn là hình thức. Hình thức bên ngoài nếu có, phải là từ con tim và do lòng mến. Nói khác đi, lòng đạo đức cần phải được thể hiện ra bên ngoài, nhưng cũng không được phép giản lược vào hình thức cách đơn thuần. Đức Giêsu muốn nơi con người một thái độ đạo đức từ trong chiều sâu của cõi lòng, một tâm tình phát xuất từ con tim biết yêu thương. Nếu nội tâm của mỗi người vẫn là lãnh địa bí ẩn đối với người khác, thì với Thiên Chúa, nội tâm đó lại thật rõ ràng, vì đây là cung thánh nơi Ngài ngự. Bởi thế, thái độ của tâm hồn với Chúa sẽ quyết định mức độ thật và chân thành của đời sống đạo đức nơi chúng ta.

Là người kitô hữu, mỗi chúng ta đều có bổn phận phải sống đạo đức hầu nên thánh. Nhưng số lượng và độ dài của mọi việc đạo đức không thể thay thế cho thái độ nội tâm của mình. Nếu không, cái mác đạo đức nơi chúng ta chỉ như lớp sơn lót ngoài sớm bị bong tróc, và chỉ cần một va chạm nhỏ cũng đủ để làm nó tiêu tan. Ngày sống của chúng ta được dệt bởi biết bao việc đạo đức – một hành động làm dấu, một câu kinh ta đọc, một hành vi quỳ gối trước Thánh Thể, hay một cử hành phụng vụ – sẽ nên trọn nghĩa và giúp ta gặp được Chúa, nếu nó đang diễn tả một cảm thức của đức tin, là hành động của sự ý thức trong tình mến, là một biểu lộ đến từ cõi lòng chúng ta.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con nhớ điều Chúa cần và làm điều Chúa muốn trong mỗi việc đạo đức, đó là nối nguồn cõi lòng mình với chính điều chúng con đang thực hiện, để những việc thờ phượng của chúng con thực sự có hồn và thành tâm trước nhan Chúa. Amen.


Comments are closed.