Thứ 3 Tuần 24 Thường Niên – Ngày 17/09/2019

Lời Chúa: Lc 7,11-17

Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”. Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.

 


Suy niệm

ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG QUYỀN NĂNG VÀ THƯƠNG XÓT

“Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: Bà đừng khóc nữa” (Lc 7, 12-13).

Chúa Giêsu là Đấng đầy yêu thương, nhân hậu. Ngài chạnh lòng khi thấy đoàn dân đông đảo bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt. Ngài cũng cảm thông trước nỗi đau của người mẹ khóc thương đứa con độc nhất vĩnh viễn ra đi. Vì thế, Ngài đã làm cho con bà sống lại, đem đến cho bà niềm vui sướng tràn đầy. Qua đó Ngài mạc khải cho chúng ta biết Ngài vừa là Đấng quyền năng vừa là Đấng thương xót.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh Luca cho chúng ta thấy hai đoàn người gặp nhau ở gần cổng thành Nain: một đoàn có vị dẫn đầu là Đức Giêsu và một đoàn là nhóm người tiễn đưa người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng. Người chết là con trai duy nhất của một bà góa. Chúng ta biết rằng, bà goá đã một lần mất đi người thân thiết nhất, đó là người chồng. Giờ đây, bà lại mất thêm người con trai duy nhất của mình. Mất chồng và con trai duy nhất là mất tất cả: mất tương lai, sự nghiệp, tài sản chẳng có ai thừa kế. Đó là lý do đau khổ cùng cực của bà khiến cho đoàn người đông đảo cảm thương đến tiễn đưa con của bà. Có lẽ Chúa Giêsu và các môn đệ đã đứng lại bên đường, chờ đoàn tang đi qua. Chính lúc ấy, Chúa Giêsu đã nhìn thấy người mẹ thật đáng thương, và khi trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương. Các thánh sử thường làm nổi bật phản ứng của Chúa Giêsu trước nỗi đau khổ của con người. Mátthêu miêu tả Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đoàn lũ đông đảo, Ngài chạnh lòng thương vì họ tất tưởi bơ vơ như những đoàn chiên không có người chăn (x. Mt 9, 36). Khi người phong hủi với niềm tin mãnh liệt lớn tiếng kêu nài Chúa cứu giúp, Người đã động lòng thương, giơ tay, và chữa lành cho anh (x. Mt 8, 1-3). Trước một đám đông không có gì ăn, Chúa đã bảo các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông” (Mt 15, 32). Sau đó, Chúa đã làm phép lạ để nuôi sống đoàn dân (x. Mt 15, 33-38). Đáp lại lời kêu nài của hai người mù, Chúa Giêsu đã thương chạm đến mắt họ, và họ được nhìn thấy (x. Mt 20, 33-34).

Như thế, khi phục sinh con trai bà goá thành Nain, Đức Giêsu chứng tỏ mình vừa là Đấng quyền năng, vừa là Đấng thương xót. Ngài có quyền trên sự sống và sự chết. Sự chết phải tháo lui trước sự xuất hiện của Đấng là thủ lãnh sự sống. Con Một Thiên Chúa Nhập Thể làm người để cứu thoát và ban sự sống cho con người. Sự hiện diện của Đức Giêsu giữa lòng nhân loại chính là sự hiện diện của Thiên Chúa cứu độ. Ngài đem đến cho chúng ta sự an ủi, khích lệ. Ngài là Ánh Sáng chiếu soi vào bóng tối, những ai đón nhận và tin vào Ngài thì được quyền trở nên con Thiên Chúa (x. Ga 1,12).

Nhìn vào thế giới hôm nay, tội lỗi, bệnh tật và tính hư tật xấu là gánh nặng vô hình đè nặng tâm hồn và cuộc sống chúng ta. Tự mình, chúng ta không đủ sức vượt thoát khỏi những trói buộc vô hình ấy, chỉ quyền năng của Chúa mới có thể cởi trói và giải thoát chúng ta khỏi ràng buộc của ma quỷ. Chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu để được Ngài nâng đỡ, bổ sức. Đây cũng là điều mà tác giả thư Do Thái mời gọi chúng ta: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4, 15-16).

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Xin cho chúng ta biết chạy đến với Chúa mỗi khi gặp gian nan thử thách. Đồng thời, xin Chúa cho chúng ta có tấm lòng yêu thương nhân hậu của Chúa, để chúng ta biết cảm thông với những gánh nặng của tha nhân. Xin cho chúng ta có trái tim nhạy cảm và yêu thương như Chúa, để chúng ta có thể mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.


Comments are closed.