Thứ 3 Tuần 23 Thường Niên – Ngày 11/09/2018

Lời Chúa: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Đó là Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.

Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.

 


Suy niệm

ƠN GỌI VÀ SỨ MẠNG NGƯỜI TÔNG ĐỒ

“Người kêu họ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6, 13)

Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần, kể lại hai sự kiện: một là việc Chúa Giêsu chọn gọi mười hai Tông Đồ, hai là việc Người giảng dạy và chữa lành cho dân chúng. Bên cạnh Chúa Giêsu, hình ảnh xuyên suốt hai câu chuyện này là các Tông Đồ. Quả thế, phần thứ nhất nói lên ơn gọi của các Tông Đồ và phần thứ hai nói về sứ mạng tông đồ của các ông.

Nơi phần thứ nhất, qua việc chọn gọi các Tông Đồ, Chúa Giêsu cho thấy ơn gọi khởi xuất từ tình yêu Thiên Chúa, bởi vì “Không phải các con đã chọn Thầy mà chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16). Sau khi đã thức suốt đêm để cầu nguyện, sáng ra, Chúa Giêsu đến, gọi các ông lại và chọn đích danh từng người một (x. Lc 6,12-13) . Hành động thức cả đêm, miệt mài cầu nguyện cho thấy tầm quan trọng và sự cao quý của ơn gọi Tông đồ. Ơn gọi Tông đồ cao quý và quan trọng, bởi vì nó vừa là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, vừa là một sứ mạng cao cả đòi hỏi sự đáp trả dấn thân. Sự dấn thân đáp trả này được nói đến ở phần thứ hai của bài Tin Mừng.

Mở đầu phần thứ hai, ta bắt gặp ngay hình ảnh các Tông Đồ. Cụm từ “cùng với các ông” (Lc 6, 17) cho thấy: sau khi tuyển chọn các Tông Đồ, Chúa Giêsu mời gọi họ tham dự ngay vào sứ mạng của Ngài và sứ mạng ấy cũng chính là sứ mạng của chính họ mai sau. Sứ mạng đó là: Dầu một đêm không ngủ, nhưng khi thấy đoàn lũ dân chúng khắp nơi kéo đến, Chúa Giêsu chạnh lòng thương, quy tụ, dạy dỗ và chữa lành họ. Chúa trở nên nguồn năng lực thần thiêng để dân chúng tìm cách sờ đến, múc lấy và được chữa lành bệnh tật cũng như tội lỗi, phần xác cũng như phần hồn (x. Lc 6, 18-19).

Các thánh Tông Đồ đã ý thức đầy đủ tầm quan trọng và sự cao quý về ơn gọi của mình. Các ngài đã chu toàn sứ mạng Chúa trao phó, đã kéo dài sự hiện diện hữu hình của Chúa Giêsu nơi trần thế. Điều này đã được minh chứng trong sách Tông Đồ Công Vụ và hoa quả là đức tin của chúng ta ngày hôm nay. Còn mỗi người Kitô hữu chúng ta, Thiên Chúa cũng yêu thương chọn gọi chúng ta làm Tông Đồ cho Chúa. Chúa muốn chúng ta thực hiện sứ mạng Tông Đồ trong cuộc sống thường ngày. Thế giới hôm nay vẫn còn biết bao người đau khổ, bệnh tật, nghèo đói cần chúng ta mở rộng đôi tay, mở rộng tâm hồn giúp đỡ họ. Giúp đỡ họ bằng những hành động cụ thể, như lời kinh Thương Người có mười bốn Mối mà ta vẫn thường đọc: chia cơm xẻ áo cho những người đói rách, cưu mang những ai không cửa không nhà, thăm viếng những ai bị cuộc đời hắt hủi và hy sinh cầu nguyện thật nhiều cho họ.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết ý thức về ơn gọi và sứ mạng Tông Đồ của chúng con. Xin Chúa giúp sức để chúng con cùng nhau mang Chúa đến với những người đau khổ, bệnh tật và nghèo đói. Amen.


Comments are closed.