Thứ 3 Sau Lễ Thánh Gia – Ngày 31/12/2019

Lời Chúa: Ga 1,1-18

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Gio-an làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”.

Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban lề luật qua Mô-sê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giê-su Ki-tô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

 


Suy niệm

THIÊN CHÚA – ĐẤNG THẬT GẦN

” Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người” (Ga 1,10).

Không ai nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ (Ga 1,18), thế nhưng, lịch sử dân Israel cho chúng ta biết có một vị Thiên Chúa luôn ở cùng họ. Ngài không là vị Thiên Chúa khép kín và ở trong cõi thinh lặng. Ngài không vô danh, xa cách hay khiến người ta sợ hãi, nhưng là vị Thiên Chúa ngỏ lời với họ và cho họ biết các ý định và ý muốn của Ngài. Lịch sử dân Do Thái là một kinh nghiệm cho thấy Thiên Chúa đã ngỏ lời với họ, để khuyên nhủ, khuyến cáo và hứa ban.

Thánh Gioan trong lời tựa Tin mừng của mình đã cho chúng ta thấy Lời Thiên Chúa đã có trước lúc khởi đầu của toàn thể tạo thành. Chính bằng Lời quyền năng, Thiên Chúa đã gọi mọi sự ra hiện hữu. Sự hiện hữu khởi đi trong tương quan với Lời Thiên Chúa. Nhờ Lời này, Thiên Chúa giao tiếp với các thụ tạo. Ngài tự mặc khải ra cho họ và cho họ được thông dự vào cả dự phóng yêu thương của Ngài. Điều đó được Thiên Chúa thực hiện qua Ngôi Lời. Lời mang đến sự hiện hữu và sự sống nơi muôn loài. Chính trong Lời này mà Thiên Chúa mặc khải cách trọn vẹn chính Ngài cho con người.

Lời đó không phải ở đâu xa xôi nhưng là ở trong chính Đức Giêsu Kitô. Nơi Ngài, Thiên Chúa cho con người nhận ra được sự gần gũi. Điều mà tự thuở ban đầu cho thấy Người đã gắn bó với thụ tạo qua chính Lời Tạo Thành. Đó là một sự gắn bó mật thiết của một tương quan thân mật, một thể hiện tình yêu gần gũi Thiên Chúa dành cho con người. Sự gần gũi đó nay được thể hiện tròn đầy trong việc Ngôi Lời nhập thể. Ngài đã đến để cho con người cảm nhận tình yêu mà Người dành cho họ. Một Thiên Chúa thánh thiện đến với con người đã bị tội lỗi làm cho hư hỏng. Ngài đến phục hồi mối tương quan loài người đã bị đánh mất do tội nguyên tổ. Người trở nên thật gần gũi với con người trong chính cuộc sống của phận người. Sự hiện diện đầy khiêm hạ của Đấng là ánh sáng thật. Ánh sáng chiếu soi cho mọi người (x. Ga 1,9). Đấng Vô Hạn lại trở nên giới hạn trong bản tính con người hữu hạn. Người đã đến nhà mình với trọn tình thân, nhưng người nhà lại không chịu nhận biết và tiếp rước (x. Ga 1,11). Đó là một sự thờ ơ của thụ tạo dành cho Đấng tạo nên mình. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho người nhà lại không được họ đón nhận. Bởi vì, họ không chịu tin vào Đấng Người đã sai đến. Còn những ai đón nhận nhờ đức tin thì họ trở nên con cái Thiên Chúa và cảm nếm tình yêu của Người.

Thiên Chúa vẫn luôn luôn ở với chúng ta. Người đã đến và đang sống với chúng ta. Những đau khổ của chúng ta Người mang lấy vào mình mà dâng lên Chúa Cha trong hy tế thập giá trên bàn thờ mỗi ngày. Qua bí tích Thánh Thể, Người trở nên thật gần gũi khi chúng ta đón rước Người. Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta có ý thức và sống mối tương quan thân thiết này hay không? Thật vậy, Chúa vẫn ở đó để chờ chúng ta đón tiếp Người. Người muốn bước đến để giúp đỡ người thân yêu, nhưng chúng ta cứ đóng chặt cánh cửa tâm hồn mình thì Người không thể tiến vào bởi Người tôn trọng tự do của chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi chúng ta nhận ra được sự gần gũi mà Thiên Chúa vẫn luôn dành cho từng người. Một sự gần gũi đến độ Chúa đã chết cho chính những yếu đuối và đau khổ để cứu độ chúng ta. Từ đó, chúng ta hãy luôn biết mở lòng để đón Chúa vào cuộc đời của mình bằng một đời sống tin yêu và phó thác nơi Chúa. Amen.


Comments are closed.