Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa – Ngày 01/01/2020

Lời Chúa: Lc 2,16-21

Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.

 


Suy niệm

THINH LẶNG THÁNH

“Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).

Dân gian có câu “thinh lặng là vàng”, nghĩa là không phải nói nhiều là tốt, nhưng đôi khi biết thinh lặng đúng nơi, đúng lúc sẽ tốt hơn. Thế nhưng còn có một thứ thinh lặng khác quý hơn vàng gấp bội. Đó không phải là việc thinh lặng để tránh né sự ồn ào của cuộc sống, cũng không phải để nhún nhường một ai đó, nhưng là để suy gẫm lời Chúa – thinh lặng thánh. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết được sự thinh lặng này qua mẫu gương Mẹ Maria. Mẹ đã thực hành sự thinh lặng thánh một cách hoàn hảo, không chỉ một hay hai ngày, nhưng trong suốt cuộc đời của Mẹ.

Sự thinh lặng thánh của Mẹ bắt đầu ngay khi Mẹ thưa tiếng “xin vâng” với chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và kéo dài suốt cả cuộc đời. Những ngày đầu thưa tiếng “xin vâng”, với việc Mẹ mang thai khi chưa kết hôn, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những lời xì xầm, gièm pha của người khác, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng Mẹ vẫn thinh lặng. Đến khi hạ sinh Con Thiên Chúa, không phải trong một cung điện sang trọng mà trong nơi bần cùng nhất, một nơi dành cho súc vật, Mẹ vẫn thinh lặng. Chưa dừng lại ở đó, những lúc ôm Con Thiên Chúa trốn chạy khỏi bàn tay bạo tàn của vua Hêrôđê, Mẹ cũng thinh lặng. Khi tìm thấy con trẻ bị thất lạc trong đền thờ và câu nói khó hiểu của con, Mẹ vẫn thinh lặng. Và cuối cùng khi chứng kiến người con duy nhất chết trên thập giá, người con mà mới ngày nào thiên thần loan báo là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng cứu độ nhân loại, mà nay lại chết một cách nhục nhã như một tên gian phi, Mẹ vẫn thinh lặng. Mẹ thinh lặng không phải để cam chịu cho số phận nhỏ bé, hẩm hiu của mình, cũng không phải vì sự bất lực trước những sự ác đang xảy đến với Mẹ, nhưng thinh lặng để suy niệm Lời Chúa, để cho thánh ý Chúa được thể hiện trong cuộc đời của Mẹ. Và cuối cùng, nhờ sự thinh lặng ấy Mẹ đã vượt qua tất cả những nỗi khổ đau, những nghịch lý trong cuộc sống, và chu toàn một cách tuyệt hảo lời thưa “xin vâng” với Thiên Chúa. Vì vậy, Mẹ đã được Thiên Chúa tôn vinh giữa các người phụ nữ, và càng vinh hiển hơn khi Mẹ được mang tước hiệu là “Mẹ Thiên Chúa”.

Ngày nay trước những ồn ào, vội vã của nhịp sống hiện đại, những lo toan mưu sinh, cũng như trước những lời mời mọc của một xã hội hưởng thụ, chúng ta không còn thời gian và không có lý do để thinh lặng suy niệm Lời Chúa. Điều này làm cho đức tin không bén rễ sâu trong cuộc đời chúng ta. Do đó, chúng ta dễ dàng vấp ngã trước những khó khăn trong cuộc sống. Trước thực trạng này, chúng ta hãy tìm đến với Lời Chúa, hãy dành thời gian để thinh lặng suy niệm Lời Chúa, để khám phá và cảm nghiệm tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, như Mẹ Maria đã làm trong suốt cuộc đời của Mẹ. Có như vậy chúng ta mới đứng vững trước những khó khăn, thử thách, mới tìm được hướng đi đúng đắn cho cuộc đời mình. Vì Lời Chúa là ngọn đèn, là ánh sáng dẫn lối cho chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết bớt chút thời gian để thinh lặng và suy niệm Lời Chúa, để cảm nhận sự dịu ngọt của Lời Chúa, và để tìm được chỗ tựa nương vững chắc cho cuộc đời chúng con. Xin Mẹ Maria – Mẹ Thiên Chúa – thêm lời cầu bầu cho tất cả chúng con trên đường lữ hành tiến về Quê Trời. Amen.


Comments are closed.