Thứ 2 Tuần 1 Mùa Vọng – Ngày 03/12/2018

Lời Chúa: Mc 16,15-20

Chúa Giêsu nói với Nhóm Mười Một : “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

 


Suy niệm

LOAN BÁO TIN MỪNG- ĐỘNG LỰC TÌNH YÊU

“Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”
(Mc 16,15).

Tình yêu thì trừu tượng, nhưng người ta có thể nhận biết tình yêu khi nó được thể hiện. Trong ngày lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo, nhìn lại cuộc đời ngài, chúng ta thấy tình yêu Đức Kitô và các linh hồn nơi ngài, được biểu lộ qua việc dấn thân loan báo Tin Mừng cách hết sức nhiệt thành. Thánh nhân đã tận tâm, tận lực cho công cuộc loan báo Tin Mừng, với lý do duy nhất là để đáp lại nhu cầu của tình yêu.

Nơi đoạn kết Tin Mừng theo thánh Marcô, trước khi về trời, Chúa Giêsu gửi gắm những lời cuối cùng cho những môn đệ yêu quý nhất. Chúa muốn họ tiếp nối sứ mạng của Ngài: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Tin Mừng mà Chúa muốn các Tông đồ rao giảng là gì ? Tin Mừng ấy là Thiên Chúa yêu thế gian nên đã can thiệp trực tiếp vào lịch sử con người : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tin Mừng ấy là chính Đức Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, chịu nạn chịu chết và đã phục sinh. Tin Mừng đó dành cho những ai tin vào Đức Kitô và chịu phép rửa sẽ được cứu độ. Sau khi Chúa Giêsu về trời, các Tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng khắp nơi. Dù gặp muôn vàn khó khăn thử thách, nhưng bởi tình yêu sâu đậm đã có với Thầy, các ngài đón nhận và vượt qua tất cả. Thậm chí, các ngài sẵn sàng chấp nhận cái chết miễn là Tin Mừng được rao giảng, miễn là Lời Thầy được thực thi. Như thế, nền tảng trước tiên và cốt lõi của việc loan báo Tin Mừng là mối tương quan giữa Đấng sai đi và kẻ được sai đi. Tình yêu giữa Đấng sai đi và kẻ được sai đi là yếu tố không thể thiếu, và quyết định cho việc dấn thân loan báo Tin Mừng.

Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo số 2 của Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo. Điều này có nghĩa là sự hiện diện và tồn tại của Giáo Hội trong thế giới này gắn liền với sứ mạng loan báo Tin Mừng. Như thế, Giáo Hội nói chung cũng như các Kitô hữu phần tử của Giáo Hội nói riêng, có nghĩa vụ và bổn phận phải loan báo Tin Mừng. Việc loan báo Tin Mừng như thánh Phaolô nói “là một điều cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Tại sao thánh Tông đồ lại nói như thế ? Bởi vì ngài đã nhận được tình yêu quá lớn của Đức Kitô nơi biến cố Đamas. Và vì tình yêu Đức Kitô thúc bách, mà ngài đã tự nguyện trở nên tất cả cho mọi người để loan báo Tin Mừng. Còn với thánh Phanxicô Xaviê, sau khi được ơn Chúa giúp, đã hiểu ra sự cao trọng của vinh quang Nước Trời, đã nhận ra mọi sự thế gian đều không thể sánh được với hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Đàng, mà Thiên Chúa ban cho con người. Từ đó, thánh nhân cảm nhận sâu xa tình yêu Thiên Chúa dành cho ngài và cho nhân loại. Và cũng được tình yêu Đức Kitô thúc bách như thánh Phaolô, thánh Phanxicô Xaviê đã hăng say dấn thân loan báo Tin Mừng, để mọi người nhận biết tình yêu Thiên Chúa, và được hưởng ơn cứu độ. Các thánh thì như thế, còn việc loan báo Tin Mừng nơi các Kitô hữu thì sao? Với bổn phận loan báo Tin Mừng, có lẽ chúng ta trước tiên thường hay nghĩ mình sẽ phải ra đi, sẽ phải nói về Chúa cho lương dân. Thế nhưng, không ai có thể cho cái mình không có. Nếu không có tương quan với Chúa Giêsu trước, và chưa từng cảm nếm tình yêu của Ngài, chúng ta sẽ ngại loan báo Tin Mừng vì chẳng biết loan báo điều gì. Thiết nghĩ, việc loan báo Tin Mừng nơi chúng ta nên khởi đi từ việc xây dựng mối tương quan cá vị với Chúa Giêsu, và làm mới không ngừng mối tương quan này. Nhờ đó, chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu của Ngài, và một khi lòng đã đầy, con tim tự nó sẽ biết cách lên tiếng để sống và loan báo Tin Mừng trong sự hân hoan vui sướng, trong sự thỏa mãn nhu cầu của tình yêu: tôi được yêu và tôi muốn nói về người yêu tôi cho mọi người, để mọi người cũng được yêu như tôi.

Lạy Chúa, để có những bước chân đẹp đi loan báo Tin Mừng như thánh Phanxicô Xaviê, chúng con cũng cần có một tâm hồn thấm đậm tình Chúa đến mức trào tràn ra bên ngoài như ngài. Muốn thế, chúng con cần sống mối tương quan cá vị với Chúa thật nhiều, để cảm nghiệm tình yêu Chúa nơi cuộc đời mình. Xin Chúa giúp chúng con biết khao khát cầu nguyện luôn, để có thể cảm nếm tình yêu Chúa, hầu có thể ra đi loan báo tình yêu của Ngài cho mọi người. Amen.


Comments are closed.