Thứ 2 sau Lễ Chúa Hiển Linh – Ngày 07/01/2019

Lời Chúa: Mt 4,12-17.23-25

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”. Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.

 


Suy niệm

HỐI CẢI VÌ NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN

“Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến” (Mt 4,17)

Bởi phạm tội, nguyên tổ đã đánh mất cuộc sống hạnh phúc nơi vườn địa đàng và khiến cho nhân loại phải bước đi trên con đường dài phủ đầy bóng tối tội lỗi: bóng tối của tội lỗi huynh đệ tương tàn qua hình ảnh Cain giết em là Aben (x. St 4,1-16), bóng tối của tội lỗi qua hình ảnh của thành Sôđôma phải chịu sự trừng phạt bằng lửa diêm sinh (x. St 19, 1-29), bóng tối của bệnh hoạn tật nguyền qua hình ảnh của ông Gióp (x. G 1-3)… Dù thế giới bị bao phủ bởi bóng tối của sự chết, mất mát và đau thương, nhưng con người vẫn mang trong mình khao khát được trở về tình trạng hạnh phúc ban đầu. Nhưng có lẽ khát khao ấy sẽ không bao giờ được thỏa mãn nếu Thiên Chúa Quan Phòng đã không sai Con Một Ngài là Chúa Giêsu đến thế gian, để đẩy lui bóng tối đang bao phủ nhân loại. Người nâng dậy những ai đang ngồi trong cảnh tối tăm, để giải thoát con người khỏi tội lỗi và đưa vào vương quốc của ánh sáng là Nước Trời.

Vậy phải hiểu Nước Trời mà Chúa Giêsu muốn nói đến là gì? Nước Trời mà Chúa Giêsu loan báo không phải là triều đại mà người Do Thái đương thời đang mong đợi, một triều đại có tính cách trần gian được xây dựng trên sức mạnh quân sự và thể chế chính trị. Nhưng theo sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1024 và 1025, Nước Trời là nơi có Đức Kitô hiện diện. Trong Tin Mừng hôm nay, khi loan báo “Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17) và thực hiện nhiều phép lạ, chữa mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền trong dân, Chúa Giêsu muốn công bố cho mọi người biết Người là hiện thân của Nước Trời nơi trần gian này. Do đó, sống trên Nước Trời là “ở với Đức Kitô”, bởi vì ở đâu có Đức Kitô, “ở đó có Nước Trời”. Để quả quyết điều ấy, chính Chúa Giêsu đã hứa cho người trộm lành được hưởng hạnh phúc Nước Trời khi nói với anh: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

Vậy phải làm sao để con người có thể đạt được Nước Trời ? Chúa Giêsu loan báo rằng “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến” (Mt 4,17). Nước Trời đã “đến gần”, ngay kề bên, nhưng chỉ tâm hồn nào biết hối cải mới thấy và vào được Nước Trời. Quả thật, hối cải là điều kiện tiên quyết để đón nhận tình thương của Thiên Chúa, đón nhận ơn cứu độ. Nhưng có một thực tế là có nhiều người cứ mãi chìm đắm trong sự cao ngạo của mình, không nhận biết mình là tội nhân. Vì thế, Giáo hội muốn con cái mình ý thức về những lỗi phạm của mình, biết khiêm tốn nhìn nhận mình là tội nhân, cần được tha thứ và giục lòng ăn năn hối cải. Từ đó chúng ta chạy đến với lòng thương xót Chúa để được Người thứ tha và vui mừng đón rước chúng ta vào Nước Trời. Như Chúa Giêsu đã từng nói trên trời ai nấy cũng sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn (x. Lc 15,7). Nói cách khác, Nước Trời chính là động lực để chúng ta hối cải. Hối cải đích thực là quyết tâm hướng về những biểu hiện của Nước Trời như sống yêu thương, quảng đại và tha thứ.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì tình thương bao la mà Ngài đã dành cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con biết trở về với Chúa qua hành vi hối cải. Hối cải để ngăn chặn những hành vi xấu vì đam mê xác thịt, vì tham lam lợi lộc thấp hèn, vì tính kiêu căng đố kỵ, như thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Rôma: “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (Rm 6,13).Amen.


Comments are closed.