Để hiểu được bài Tin mừng hôm nay, cần phải trở lại mạch văn đi trước. Chúa Giêsu vừa chữa những bệnh nhân và hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông. Đó là những thành công nhất định. Nhưng Chúa Giêsu không tìm cách làm hài lòng quần chúng. Ngài không đến trần gian để tìm điều đó. Thế nên Ngài rút lui vào nơi thanh vắng, dành thời gian cầu nguyện. Ngài không muốn quay lưng lại với sứ mạng đích thực của mình.
Sau đó, trong lúc trò chuyện thân mật với các môn đệ, Ngài hỏi họ: “Người ta bảo Thầy là ai? Họ nghĩ thế nào về sứ mạng của Ngài? Ngài biết rõ họ không thực sự hiểu mình. Họ chỉ bị thu hút bởi các phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện. Trước lúc chuẩn bị lên đường đi Giêrusalem để chịu khổ hình, Chúa Giêsu muốn thử niềm tin của các môn đệ nhằm mời gọi họ tiến thêm một bước nữa.
Dù được Chúa Giêsu ân cần chỉ dạy, Nhóm Mười hai cũng không hiểu biết gì hơn các thầy kí lục. Khi khẳng định rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế, họ nói lên một chân lí, nhưng điều họ nghĩ còn rất xa với ý nghĩa đích thực. Ngài không phải là Đấng Cứu thế theo cách mọi người quan niệm. Ngài không muốn đề cập đến những ngóc ngách tế nhị của lề luật hay muôn ngàn vấn đề mà các thầy Rápbi đặt ra. Ngài cũng không phải là người đứng lên hô hào dân chúng kháng chiến chống lại sự áp bức của người La mã.
Ông Phêrô tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế, nhưng không thể nói gì hơn về niềm tin của mình. Chính Chúa Giêsu sẽ giúp ông hiểu rõ hơn qua các lời loan báo cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Tạm thời, Ngài phải giữ im lặng. Ngài muốn tránh cho đám đông không sa vào những con đường lầm lạc. Chỉ có cuộc thử thách vượt qua mới dứt khoát giúp cho mọi người hiểu rõ con đường cứu thế mà Thiên Chúa Cha đã chọn lựa cho Ngài.
Và ngày nay, Chúa Giêsu cũng đặt câu hỏi ấy cho tất cả mọi người chúng ta: đối với chúng ta, Chúa Giêsu là ai? Vấn đề không phải là nói lên những gì chúng ta biết về Ngài, nhưng là tự hỏi: đâu là chỗ đứng của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Một câu trả lời lý thuyết suông thì chưa đủ. Câu trả lời đúng phải tìm trong cuộc sống thực tế của chúng ta. Điều quan trọng là xem chúng ta có sống nhờ Ngài và theo sứ điệp của Ngài không. Một số người coi Ngài như là một nhà tư tưởng lớn đã làm đảo lộn cả lịch sử thế giới. Nhưng đối với chúng ta, điều cốt yếu là tương quan giữa Ngài với chúng ta. Ngài có phải là một đấng quan trọng trong cuộc đời chúng ta không?
Ngày hôm nay, lời Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ cũng dành cho từng người chúng ta: “Ai muốn đi theo Thầy, hãy vác thập giá mình mỗi ngày!”. Đi theo Chúa Giêsu là dấn thân trên con đường sứ mạng để loan báo Nước Thiên Chúa. Đó là một điều thiết yếu không thể thay đổi được. Đi theo Chúa Giêsu, chính là để cho Ngài dùng Lời hướng dẫn chúng ta. Ngài là Con đường, là Sự thật và là Sự Sống. Chính nhờ Ngài mà chúng ta đến cùng Cha. Ngài sẽ dẫn chúng ta ngang qua các con đường mà chúng ta không thấy trước. Nhưng một điều chắc chắn là không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài.
Chứng từ tuyệt vời của anh Charles de Foucauld có thể minh họa cho lời mời gọi ấy. Về cuộc đời tội lỗi quá khứ trước khi được ơn trở lại, anh nói: “Tôi đã sống không có đức tin. Tôi đã sống mười hai năm mà không từ chối cũng như không chấp nhận tin tưởng điều gì cả, vì tôi thất vọng về sự thật”. Thế rồi sau khi đã khám phá Thiên Chúa, anh hiểu rằng mình chỉ có thể sống nhờ Người mà thôi. Anh đã quyết định vào nhà dòng khổ tu Đức Mẹ Tuyết ở Ardèche. Sau đó, anh sang Pa-lét-ti-na, Si-ri và An-giê-ri. Sau khi thụ phong linh mục, anh sống đời ẩn tu ở sa mạc Sa-ha-ra, chăm sóc bệnh nhân, chia sẻ cuộc sống với những người nghèo khổ. Anh muốn theo gương Chúa Giêsu trong đời sống nghèo hèn và ẩn dật.
Chứng từ ấy cho chúng ta thấy Tin mừng mà Đức Kitô loan báo hôm nay đã được thể hiện như thế nào. Nó nhắc cho chúng ta nhớ rằng một khi đã trở thành Kitô hữu, chúng ta đã quyết định đi theo Đức Kitô và gắn bó với Ngài suốt đời. Và cần phải tỏ rõ quyết tâm đó. Khi đã để Chúa Giêsu xâm chiếm cuộc đời thì không thể tiếp tục cuộc sống quá khứ nữa, nhưng phải hoàn toàn thay đổi theo đòi hỏi của Ngài.
“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ cứu lấy nó”. Một kitô hữu trước tiên không tìm sự thành công cá nhân mình, sự cứu độ cá nhân, sự bảo đảm cho cá nhân mình. Ngày nay, trong khi mọi người cố tìm mọi cách để bảo đảm cho cuộc sống, thì Kitô hữu là người liều mất tất cả. Một khi đã dành ưu tiên cho chính Chúa Giêsu Kitô, cho Nước Trời, thì người ấy chấp nhận hi sinh tất cả những điều còn lại.
Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng, từ bỏ chính mình, một cách nào đó có nghĩa là không còn coi bản thân mình là tất cả, nhưng là chấp nhận một người khác ở trung tâm cuộc sống chúng ta, là thay đổi cách nhìn của chúng ta về Thiên Chúa, về người khác và về thế gian.
Ngày chủ nhật, chúng ta qui tụ chung quanh Chúa Giêsu để lắng nghe lời Ngài, để cho Ngài chất vấn chúng ta, và để dâng Thánh lễ. Ngài là Tình yêu tự hiến của Thiên Chúa Cha. Chúng ta phải truyền tình yêu đó như một kho tàng quí giá cho tất cả những người chung quanh. Chúng ta hãy sống bí tích Thánh Thể như một thời điểm quan trọng giúp chúng ta tái qui chiếu cuộc sống chúng ta với Ngài.
Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc