THÁNH THẦN CỦA CHA VÀ CON
(L’esprit du Père et du Fils, Durrwell, Paris 1989)
I. THÁNH THẦN, HOẠT ĐỘNG CỦA THIÊN CHÚA.
Kinh Thánh thường xuyên nối kết hai từ “Thánh Thần Thiên Chúa” và “Quyền Năng Thiên Chúa”. Thánh Thần và Sức Mạnh là hai từ ngữ tương đương, thường đi đôi với nhau.
Trong Cựu Ước, Thánh Thần là Quyền Năng sáng tạo và ban sự sống của Thiên Chúa (St 1, 2; Is 32, 25; 44, 3 …; Tv 104, 30). Thánh Thần ban sức mạnh cho các vị lãnh đạo Israel (Tl 3, 10; 6, 43; 13, 25 , 11, 19; 14, 6. 19), ban ơn khôn ngoan (Ds 24, 2; 2Sm 23, 2; Is 9, 5; 11, 2), sai các tiên tri là những “con người của Thánh Thần” (Hs 9, 7), cho họ có thể rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ (Is 61, 1).
Tân Ước đồng hóa Thánh Thần với Quyền Năng Thiên Chúa. Trong biến cố Nhập Thể, Thánh Thần xuống trên Đức Maria (Quyền Năng Đấng Tối Cao trên Người rợp bóng) minh chứng rằng đối với Thiên Chúa, không có gì là không làm được (Lc 1, 35-37).Đức Giêsu người Nazareth, Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần và Quyền Năng (Cv 10, 38). Ngài khai trương sứ vụ trong Quyền Năng của Thánh Thần (Lc 4, 14. 18). Ngài chống lại quyền lực thần dữ bằng sức mạnh của Thiên Chúa (Lc 11, 20), mà Matthêu coi là Thánh Thần Thiên Chúa (Mt 12, 28).
Trong biến cố Phục Sinh, tất cả Quyền Năng của Thiên Chúa được xử dụng (Ep 1, 18-20). Có thể nói rằng Thiên Chúa đã dùng tất cả Quyền Năng của Người trong việc Phục Sinh Chúa Giêsu, Người không thể làm gì lớn hơn nữa (Cl 2, 9; Pl 2, 9-11). Mọi Quyền Năng đều được ban cho Đức Kitô Phục Sinh (Mt 28, 18).
Quyền Năng Phục Sinh Đức Kitô không gì khác hơn là Thánh Thần (Pl 3, 10). Ngài đã chịu đóng đinh thập giá vì sự yếu đuối, nhưng được sống lại bởi Quyền Năng Thiên Chúa (2Cr 13, 4). Thân xác Ngài đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí Ngài đã được Phục Sinh (1Pr 3, 18). Phaolô coi Thánh Thần như Quyền Năng Phục Sinh đối với Đức Kitô và đối với các tín hữu (Rm 8, 11).
Còn một từ ngữ khác là Vinh Quang, cũng được sách Tân Ước coi tương đương với từ Quyền Năng, vì Vinh Quang biểu lộ sự uy hùng của Thiên Chúa. Đức Kitô được sống lại từ cõi chết nhờ bởi Vinh Quang của Thiên Chúa (Rm 6, 4). Thánh Thần, Quyền Năng, Vinh Quang của Thiên Chúa là nguyên nhân sự Phục Sinh của Đức Giêsu, cũng là nguyên nhân sự Phục Sinh của tất cả loài người chúng ta (1Cr 15, 42-44). Thánh Thần được hứa ban cũng được gọi là Quyền Năng hay Sức Mạnh từ trên (Lc 24,49; Cv 1, 8). Việc rao giảng Tin Mừng cũng lan rộng nhờ Thánh Thần và Quyền Năng (1Cr 2, 4)
Quan niệm của Cyrille d’Alexandrie về Chúa Thánh Thần rất sát với Kinh Thánh: “Thánh Thần là quyền năng và hoạt động của bản thể thần linh. Người làm nên tất cả mọi công trình của Thiên Chúa” (Thesaurus: PG 75, 580. 609).
Thánh Thần không bao giờ được coi như là hậu quả hoạt động của Thiên Chúa, mà là chính hoạt động ấy. Trong biến cố Phục Sinh, nơi mà mầu nhiệm Ba Ngôi được mạc khải và thể hiện cách trọn vẹn nhất, chính Chúa Cha là tác giả của hành vi phục sinh Đức Giêsu, hành vi phục sinh hay Quyền Năng Phục Sinh là Thánh Thần (Rm 8, 11). Thánh Thần không là tác giả sự vinh hiển (glorificateur), cũng không phải là Đấng được làm cho vinh hiển (le grorifie), mà là chính việc làm cho vinh hiển(grorification). Trong biến cố Nhập Thể, mầu nhiệm Ba Ngôi cũng đã được mạc khải và thể hiện: Chúa Cha vẫn là Đấng Sinh Hạ (le Géniteur), Chúa Con là Đấng được sinh ra (l’Engendré), Chúa Thánh Thần là hành vi quyền năng và lạ lùng của Chúa Cha (Engendrement). Khi Tạo Dựng, Chúa Cha sáng tạo trong Chúa Kitô và vì Chúa Kitô (Cl 1, 16), nhưng Quyền Năng Tạo Dựng là Thánh Thần. Trong Mạc Khải, Chúa Cha tự biểu lộ nơi Con Yêu Dấu là Hình Ảnh trọn hảo của Người, nhưng Thánh Thần chính là hành vi Mạc Khải. Chúa Cha là Đấng hiến thánh Con Một của Người (Ga 10, 36) và đối với tất cả chúng ta, Thánh Thần chính là việc Thánh Hóa (la sanctification). Thánh Irênê viết: “Chúa Cha là Đấng xức dầu, Chúa Con là Đấng được xức dầu, Chúa Thánh Thần là việc xức dầu (l’onction)” (Adv. Haer. 3, 18, 3).
Thiên Chúa chỉ có một Hành Vi Quyền Năng, cho nên chỉ có một Thánh Thần, thể hiện rất đa dạng, bằng rất nhiều cách. Cả Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều bởi Chúa Cha, Chúa Con được Chúa Cha sinh ra, Chúa Thánh Thần là Hành Vi Sinh Hạ của Chúa Cha. Trong nhiều đoạn Kinh Thánh, tư cách làm Con Thiên Chúa của Đức Giêsu gắn liền với sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Ngài là Con Thiên Chúa trong Thánh Thần. Trong đoạn “Truyền tin”, Thánh Thần không đóng vai trò người nam đối với Đức Maria, chính Chúa Cha, chứ không phải Thánh Thần là Cha của con trẻ. Thánh Thần giống như Cung Lòng của Thiên Chúa, mà Cung Lòng của Đức Maria là một tương đương trên bình diện con người; Thánh Thần là Năng Lực Sinh Hạ của Thiên Chúa. Trong các đoạn tường thuật về phép rửa của Đức Giêsu, đặc biệt là đoạn Ga 1, 32-34, Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì người đó là Con Thiên Chúa. Sự Phục Sinh Đức Giêsu là công trình của Chúa Cha, Đấng sinh ra Ngài làm Con cách trọn vẹn: Khi Người cho Đức Giêsu sống lại như đã viết trong Tv 2 “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Thánh Thần là hành vi phục sinh của Chúa Cha, thì cũng là hành vi sinh hạ.
Trên một bình diện khác, Chúa Thánh Thần cũng thực hiện vai trò này đối với các con cái của Thiên Chúa. Các kitô-hữu sinh ra bởi Nước và Thần Khí (Ga 3, 5), nhờ phép rửa tái sinh và sự canh tân đổi mới của Thánh Thần (Thánh Thần 3, 5). Họ sinh ra bởi nước là biểu tượng âm tính, cũng là biểu tượng cho Thánh Thần giống như môi trường thần linh.
“Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con của Người … ngõ hầu ta được nhận lấy ơn nghĩa tử … Thiên Chúa đã sai Thần Khí Con của Người đến trong lòng anh em, Thần Khí kêu lên Abba, lạy Cha” (Gl 4, 4-6). Chúa Cha phục sinh Đức Giêsu trong Thánh Thần (Rm 8, 11), cũng là sinh hạ Ngài cách viên mãn (Rm 1, 4), Người cũng phục sinh các kitô-hữu cùng với Đức Kitô (Cl 12, 12) bằng Quyền Năng Phục Sinh của Người (Pl 3, 10, 21). “Trong Thần Khí độc nhất, hết thảy ta nhờ thanh tẩy mà nhập vào Thân Mình Độc Nhất” (1Cr 12, 13). Tóm lại, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa trong Thánh Thần, làm một với Con Thiên Chúa, Đấng cũng được sinh ra trong Thánh Thần.
Thánh Thần nhiệm xuất không thể tách rời với Chúa Con, Đấng là Con trong Thánh Thần, cũng không tách rời Cha, Đấng là Cha của Con Một trong Thánh Thần. Chúa Cha và Chúa Con giống như hai cực của vận hành Ba Ngôi, và chính Thánh Thần là vận hành ấy, nên được gọi là Ngôi Ba sau hai Ngôi Vị kia. Thánh Thần không phải là cực thứ ba và cuối cùng. Thánh Thần không phải là Đầu (Chúa Cha), cũng không phải là Cuối (Chúa Con), nhưng Ngài vừa ở đầu, vưà ở cuối, vì trong Ngài Chúa Cha sinh ra Chúa Con, trong Ngài Chúa Con được sinh ra. Ngài chính là sự phong nhiêu của Thiên Chúa. Trong truyền thống cũng như trong phụng vụ, ngoài lược đồ “Cha – Con – Thánh Thần”, còn có lược đồ “Cha – Thánh Thần – Con”.
Lược đồ thông thường để Thánh Thần sau cùng, không nhằm chối bỏ Ngài là vận hành, Ngài ở đầu cũng như ở cuối. Ngài là “Hành Vi Sinh Hạ của Thiên Chúa” (divin engendrement).
II. THÁNH THẦN, TÌNH YÊU THẦN LINH.
Tân Ước còn thường xuyên nối kết hai từ ngữ Thánh Thần và Tình Yêu, mặc dù đây không phải là gia tài của Cựu Ước. Tương quan này, tuy không hiển nhiên trong nhiều đoạn Kinh Thánh, nhưng chắc chắn có, vì phát xuất từ kinh nghiệm của đời sống Kitô-giáo.
Đoạn minh nhiên hơn cả là Rm 5, 5: “Thiên Chúa đã đổ Tình Yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho ta”. Tuôn đổ là một từ ngữ của Kinh Thánh thường được dùng để chỉ ân sủng hay Thánh Thần được ban cho một cách tràn trề. Nhờ Thánh Thần Thiên Chúa cũng là Tình Yêu của Thiên Chúa được ban cho chúng ta làm chúng ta không bao giờ phải thất vọng. Sự hiện diện của Thánh Thần bảo đảm ơn cứu độ, mà hiện sủng chỉ là khai ân.
Nhiều đoạn khác, tuy không minh nhiên bằng, nhưng cũng cho thấy rằng Tình Yêu là một sắc thái đặc biệt của Ngôi Vị Thánh Thần. tín hữu Colossê được Phaolô khen ngợi vì lòng mến của họ trong Thánh Thần (Cl 1, 8). Gần như có một sự tương đương ý nghĩa giữa hai thành ngữ “trong Thánh Thần” và “trong Lòng Mến”. Các tín hữu sống trong Thánh Thần và trong Lòng Mến, hành động và nên thánh trong Thánh Thần và trong Lòng Mến (Rm 8, 4. 14 và Ep 5, 2; Rm 5, 16 và Ep 1, 4). Giáo Hội được xây dựng trong Thánh Thần và trong Lòng Mến (Ep 2, 22; 4, 16; Cl 2, 2). Giáo Hội nên một với Chúa Kitô nhờ Thánh Thần (Rm 8, 9), nên một Thân Mình duy nhất với Ngài (1Cr 12, 13-27). Thánh Thần còn là sức mạnh tạo ra sự hiệp thông giữa các kitô-hữu (2Cr 13, 13).
Tất cả những gì thuộc lãnh vực bác ái là do Thánh Thần. Thánh Thần không chỉ đối lập với xác thịt như sức mạnh đối ngược với sự yếu đuối, mà còn là Tình Yêu, là sự cởi mở vô hạn đối lập với sự ích kỷ và hận thù (Gl 5, 17-23). Qua cái chết vì xác thịt yếu đuối (Rm 8, 3), Đức Kitô đã trở nên Thần Khí Tác Sinh (1Cr 15, 45), một hữu thể tự hiến và là Nguồn sự sống; Thánh Thần đã làm cho Ngài trở nên như thế. Theo H. Schier, trong Thiên Chúa, Thánh Thần là Sức Mạnh khai mở và tự hiến, là sự Toàn Năng của một tình yêu tràn trề. Thần học gọi Ngài là Ngôi Vị Yêu Thương, là Quyền Năng Chủ Vị.
Nếu nơi Thiên Chúa, Thánh Thần là Hoạt Động và là Tình Yêu, thì Chúa Cha, khi yêu thương, vì yêu thương, bằng yêu thương, trong yêu thương, sinh ra Chúa Con. Trong Thiên Chúa Yêu Thương là Sinh Hạ. Trong Thiên Chúa, có Đấng Sinh Hạ, Đấng được sinh ra và có hành vi sinh hạ; nói theo kiểu thánh Augustinô, đó là Đấng Yêu Thương, Đấng được yêu thương và Tình Yêu (De trinitate 8, 14).
Thần học kinh viện cho rằng Chúa Cha sinh ra Chúa Con không bằng con đường Tình Yêu mà bằng con đường Trí Tuệ. Điều đó rất xa với Kinh Thánh. Nếu muốn nói theo Tân Ước, phải nói rằng Đức Kitô là “Con của Tình Yêu của Thiên Chúa” (Filius Dilectionis, Cl 1, 13), là Con được sinh ra trong Tình Yêu. Chúa Cha là Cha trong Tình Yêu là Chúa Thánh Thần; Chúa Con là Con trong Tình Yêu là Chúa Thánh Thần , là Con trong Cung Lòng Cha (Ga 1, 18). Ngài sinh ra và sống trong sự âu yếm của Chúa Cha. Ở đây chúng ta có thể nhắc lại, Thánh Thần không là Đầu cũng không là Cuối, mà có ở đầu cũng như ở cuối. Ngài là Môi Trường Tình Yêu trong đó mọi sự được hoàn thành.
III. THÁNH THẦN VÀ BẢN TÍNH THẦN LINH.
Thần học phân biệt giữa các ngôi vị và bản tính. Kinh Thánh không dùng loại ngôn ngữ ấy dù cho phép phân biệt. Điều mà lý trí nói về bản tính thần linh, Kinh Thánh đặc biệt gán cho Thánh Thần. dĩ nhiên điều mà Thần học tín lý gọi là bản tính không đồng hóa với một Ngôi Vị Thiên Chúa. Nhưng tất cả những gì mà ý niệm bản tính thần linh chứa đựng được ngôi vị hóa trong Thánh Thần.
Tính siêu việt (sự Thánh Thiện theo kiểu nói của Kinh Thánh) của Thiên Chúa, đó chính là Thần Khí đối diện với thực tại trần gian. Đức Giêsu gọi Thánh Thần là “Sức Mạnh bởi trên” (Cv 1, 8). Sinh bởi Thần Khí, con cái Thiên Chúa sinh bởi trên (Ga 3, 3. 5-7) giống như Đức Giêsu cũng thuộc bên trên (Ga 8, 23). Từ trên, Thánh Thần xuống và hoạt động trong thế gian. Người xuống trên trinh nữ Maria (lc 1, 35). Người đến từ trời và đậu lại trên Đức Giêsu (Mc 1, 10). Người được sai đến trên các môn đệ (Lc 24, 29).
Truyền thống đối lập Thánh Thần và xác thịt, đó là đối lập giữa quyền năng, sự viên mãn, sự thánh thiện với sự yếu đuối, chóng qua, sự nghiêng chiều về tội. Đức Giêsu loan báo một thứ phượng tự mới trong Thần Khí và Sự Thật. Những lời nói của Đức Giêsu là Thần Khí và là Sự Sống (Ga 6, 63)
Vì chúng bởi trên mà có.
Trong Phaolô, còn có thêm sự đối lập giữa Thánh Thần và chữ viết. Cựu Ước, với mặt ngoài của nó, chỉ là hình ảnh chóng qua của thực tại, còn Thần Khí mới là chiều sâu và là sự viên mãn (2Cr3, 5-17). Chúa Kitô là Thần Khí (2Cr 3, 17), là thực tại viên mãn, vì Người là Thần Khí tác sinh, là con người thiên thai sánh với Ađam là con người trần ai (1Cr 15, 45-47).
Trong một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ Kinh Thánh, người ta nói Đức Kitô là Thiên Chúa vì người có bản tính thần linh. Còn Kinh Thánh thì lại nói Đức Kitô là Người của Thánh Thần, được sinh ra bởi Thiên Chúa trong Thánh Thần, do đó mà Người được coi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa (Lc 1, 35). Tư cách làm Con ấy đạt tới mức trọn hảo nhất, khi Đức Kitô được phục sinh trong Thánh Thần, trở nên Thần Khí tác sinh. Thành ngữ “Thần tính viên mãn” trong Cl 2, 9 tương đương với từ ngữ Thần Khí. Còn đối với các tín hữu, Kinh Thánh nói rằng họ trở nên con cái Thiên Chúa, không phải nhờ thông phần bản tính thần linh, nhưng nhờ Thần Khí trong đó họ sinh ra và lớn lên.
Theo như một truyền thống thần học đã có từ những thế kỷ đầu, từ ngữ Thần Khí chỉ bộ mặt thiên thai, thần linh của Chúa Giêsu, điều mà chúng ta gọi là thần tính. Truyền thống ấy nại đến ngôn ngữ biểu tượng của Gioan: Khi người lính cầm đòng đâm cạnh sườn, từ đó có máu và nước chảy ra (Ga 19, 34). Đức Giêsu là xác phàm (Ga 1, 14), máu đổ ra làm chứng Ngài là con người thực. Nhưng Ngài thuộc bên trên (Ga 8, 23), nước chảy ra là bằng chứng, vì nước là biểu tượng của thực tại Thiên Quốc. Và Gioan viết Tin Mừng là để anh em tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (Ga 20, 31). Điều “bên trên” được biểu tượng bằng nước, có khi được đồng hóa với Thần Khí (Ga 3, 5). Đức Giêsu loan báo Thánh Thần như dòng nước chảy ra từ cạnh sườn Ngài, khi Ngài được siêu tôn (Ga 7, 37-39). Như vây biểu tượng “Nước” có nhiều nghĩa, khi thì chỉ Thánh Thần, khi khác lại chỉ khía cạnh thần linh của mầu nhiệm Đức Giêsu.
Thần học kể ra rất nhiều ưu phẩm của Thiên Chúa diễn tả thần tính của Người. Các ưu phẩm ấy không những có trong Thánh Thần, mà còn thuộc về Ngài một cách đặc biệt, như được ngôi vị hóa nơi Ngài. Thiên Chúa là “Thánh” và là “Thần” (Esprit), đó là hai ưu phẩm quan trọng nhất của Thiên Chúa. Hai ưu phẩm ấy kết hợp lại làm nên Danh Xưng “Thánh Thần”. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Thánh Thần chính là sự Toàn Năng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, Thánh Thần chính là Thần Khí và là Sự Sống của Thiên Chúa (Rm 8, 2; 1Cr 15, 45). Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4, 8), Thánh Thần chính là Tình Yêu của Thiên Chúa được Ngôi Vị hóa.
Sự Duy Nhất là một ưu phẩm khác của Thiên Chúa, nhưng Kinh Thánh không nói đến một bản tính thần linh duy nhất cho cả Ba Ngôi, mà nói đến “sự Hiệp Thông của Chúa Thánh Thần” (2Cr 13, 13). Các vinh tụng ca trong phụng vụ thườngtung hô “Chúa Cha và Chúa Con trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần”. Các thánh giáo phụ và các nhà thần học đều coi Thánh Thần như một mối dây hiệp nhất. Loài người, dù có chung một bản tính, vẫn phân tán ra nhiều, chỉ có Chúa Cha và Chúa Con là Duy Nhất trong sự Duy Nhất tuyệt đối của một Ngôi Vị chung cho cả hai, đó là Ngôi Ba hay là Thánh Thần của Cha và của Con. Chỉ có một Thánh Thần Duy Nhất, trong đó Chúa Cha là Cha và Chúa Con là Con. Nói theo kiểu thần học, đó là sự duy nhất giữa nguyên nhân (Chúa Cha), kết quả (Chúa Con) và hoạt động (Chúa Thánh Thần),
Thánh Augustinô có đề cập đến một tư tưởng gốc Hylạp về Chúa Thánh Thần: “Có người mạnh dạn nghĩ rằng sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con, hay là “thần tính” mà người Hylạp gọi là théotès, là Chúa Thánh Thần … Thần tính mà họ còn muốn hiểu là Tình Yêu giữa các ngôi vị, được họ gọi là Chúa Thánh Thần”. phải chăng đó là lý do làm cho Chúa Thánh Thần xem ra có ít nét chủ vị hơn hết trong các ngôi vị, và Kinh Thánh thường dùng những hình ảnh vô chủ vị để mô tả Ngài: khí, nước, lửa ? Nhưng thực sự, chính trong Ngài là Chúa Cha là Ngôi Vị Cha, và Chúa Con là Ngôi Vị Con. Chính nơi Ngài mà Chúa Cha thể hiện bản tính thần linh của mình (là Cha tự bản chất), và Chúa Con thể hiện bản tính thần linh của mình (là Chúa Con tự bản chất). Nơi Thiên Chúa, mọi sự đều mang tính chủ vị, ngay cả điều mà thần học diễn tả bằng từ ngữ “bản tính thần linh”.
IV. THÁNH THẦN CỦA CHÚA CHA.
Nếu Thánh Thần là hành vi sinh hạ, là Tình Yêu của Thiên Chúa với tư cách là Cha, đương nhiên Thánh Thần tiên vàn bởi Cha (Ga 15, 26). Thành ngữ thông dụng nhất trong Kinh Thánh là “Thần Khí của Thiên Chúa”. Chữ Thiên Chúa trong Tân Ước chỉ Chúa Cha (1Cr 8, 6).
Có thể nghĩ rằng Thánh Thần là biểu đạt của bản tính Thiên Chúa Cha. Chính trong hành vi sinh hạ, nghĩa là trong Thánh Thần mà Chúa Cha là Ngôi Một, nghĩa là Ngôi Cha. Bản chất của Thiên Chúa Cha là sinh hạ. Nhà thần nhiệm Eckhart cho rằng“khát vọng lớn nhất của Thiên Chúa là sinh hạ”. Hữu thể thần linh của Thiên Chúa chỉ được diễn tả trọn vẹn trong khả năng yêu thương vô hạn. Tình yêu vô hạn ấy làm cho Người ra khỏi mình trong Chúa Con. Ngài là Cha tự bản chất, là Cha và là Thiên Chúa, là Thiên Chúa và là Cha. Thánh Thần không thể tách rời khỏi hữu thể làm Cha của Chúa Cha.
Thánh Thần là hành vi sinh hạ phát xuất từ Chúa Cha không giống như Đấng được sinh ra là Chúa Con. Chúng ta hiểu được một phần nào sự phát xuất của Chúa Thánh Thần. ngài là hành động, là Tình Yêu. Hành động thì không bao giờ tách rời khỏi chủ thể hành động. Tình yêu vẫn nằm trong trái tim của Người Yêu, dù làm cho người ấy ra khỏi chính mình. Trong khi Chúa Con ra khỏi Chúa Cha, đối diện với Ngài như một ngôi vị hoàn toàn khác biệt, và đi đến mức nhập thể trở thành tạo vật, Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha mà không rời bỏ Ngài, Thánh Thần không bao giờ giống một người con được sinh ra, không bao giờ đối diện với Chúa Cha. Ngài nội tại trong Chúa Cha, là Thần Khí Thiên Chúa làm cho Chúa Cha là Cha. Ngài cũng không phân biệt với Chúa Cha như linh hồn của một con người phân biệt với con người ấy. Ngài là riêng của Cha, bản chất của Cha, làm cho Chúa Cha là Chúa Cha.
Vì Chúa Thánh Thần là hành vi sinh hạ, nên không thể hình dung Ba Ngôi bằng hình tam giác. Không những mỗi Ngôi Vị hoàn toàn khác các Ngôi Vị kia, mà chì có hai “cực”. Chúa Cha chỉ có một Con Duy Nhất, hoa quả duy nhất của hành vi sinh hạ.Không có Ngôi Vị nào khác có thể sinh từ Chúa Cha, mà tất cả mầu nhiệm nằm trong sự sinh hạ duy nhất. Nhưng Thánh Thần cũng bởi Chúa Cha. Mặc dù Thánh Thần không phải là Con, toàn diện Chúa Cha có liên hệ tới sự phát xuất của Chúa Thánh Thần, cũng như sự sinh ra của Chúa Con. Chính vì thế mà Thánh Thần ngang bằng với Chúa Cha và Chúa Con, cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. Dù không là Chúa Con, Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha trong tư cách là Cha, vì Ngôi Vị của Ngài chính là hành vi sinh hạ. Thiên Chúa Ba Ngôi-Duy Nhất gồm có Chúa Cha và Chúa Con, cùng với vận hành vĩnh cửu giữa Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần. Chính vì thế mà Giáo Hội Đông phương thích nói “Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần”.
Thần học Hylạp đề cao tư cách khởi nguyên của Chúa Cha, nơi Người mọi sự khởi đầu và hoàn tất. Thánh Thần phát xuất từ Cha, nhưng không thấp hơn Cha, vì chính trong Thánh Thần mà Chúa Cha sinh ra Chúa Con, chính trong Thánh Thần mà Ngài có Ngôi Vị là Cha. Mọi sự đều bắt nguồn từ Chúa Cha, và không có ngôi vị nào phát xuất từ Chúa Thánh Thần, dù Thánh Thần không thấp hơn Chúa Cha, cũng không cằn cỗi. Trong Đấng Thiên Chúa là Nguồn, Chúa Thánh Thần chính là “sự trào vọt ra”, là sự phong nhiêu của Thiên Chúa. Ngài không phải là Đầu, cũng không phải là Cuối, nhưng vừa ở đầu, vừa ở cuối. Ngài là vận hành từ Cha qua Con, và do đó, Ngài cũng là Thánh Thần của Chúa Con.
V. THÁNH THẦN CỦA CHA VÀ CON.
Thánh Thần Thiên Chúa còn được gọi là Thánh Thần của Chúa Con (Gl 4, 6), Thánh Thần của Đức Kitô (Rm 8, 9), Thánh Thần của Chúa (2Cr 3, 17).
Nếu Thánh Thần là hành vi sinh hạ, là tình yêu trong đó Chúa Con sinh ra, không thể nói đến sự phát xuất của Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha mà không có liên hệ gì đến Chúa Con. Bất cứ ý kiến nào tách rời sự nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần với sự sinh ra của Chúa Con đều là sai lạc.
Thánh Thần thuộc về Chúa Con cũng như thuộc về Chúa Cha. Nếu Chúa Con không sở hữu Thánh Thần như Chúa Cha, thì sự viên mãn thần tính sẽ không đậu lại nơi Ngài, vì Thánh Thần là sự thánh thiện được ngôi vị hóa, là sự toán năng được ngôi vị hóa, là thần tính được ngôi vị hóa. Nếu không sở hữu viên mãn Thánh Thần, Chúa Con không thể nói “Tất cả những gì của Cha là của Con” (Ga 17, 10). Các tín hữu là những đồng thừa tự với Đức Kitô (Rm 8, 17) vì được thông phần Thần Khí của Người (Gl 4, 6).
Chúa Con sở hữu Thánh Thần khác với Chúa Cha. Chúa Cha là Nguồn, Chúa Con lãnh nhận, vì Chúa Con được sinh ra trong Thánh Thần. ngôi Hai là Con, Chúa Con là Thiên Chúa nhờ đón nhận.
Nhưng Chúa Con cũng không lãnh nhận Thánh Thần cách thụ động. Thánh Thần không để cho mình được sở hữu cách thụ động, vì Ngài là hành vi yêu thương thần linh, làm cho Thiên Chúa xuất ra khỏi chính mình. Ngài làm cho Chúa Cha cũng như Chúa Con luôn luôn tự hiến, đó là bản chất thần linh của các Ngài. Chúa Cha là Chúa nhờ tự hiến cho Con, Chúa Con là Thiên Chúa nhờ hướng về Cha, Cha và Con là Thiên Chúa trong Tình Yêu hỗ tương là Thánh Thần. Thánh Thần được ví như dòng nước trào ra. Ngài phát xuất từ Cha mà không rời bỏ Cha, từ Con mà không rời bỏ Con, vì Ngài là Tình Yêu tự hiến giữa hai bên. Nhưng Ngài như thế tiên vàn nơi Chúa Cha, vì Ngài là Tình Yêu của Cha, rồi mới nơi Con như là Tình Yêu, là Thánh Thần của Con.
Đón nhận Quà Tặng là để cho Người tặng có thể tặng. Sự đón nhận không thuần túy tự động; đó cũng là một thứ nguyên nhân. Khi hai người yêu nhau, mỗi người làm cho người kia yêu. Khi đón nhận, Chúa Con thông phần vào chính sự sinh ra của mình, sự trào vọt của Thánh Thần. chúa Cha tự bản chất sinh ra Chúa Con, nhưng cũng là một đáp trả yêu thương cho sự đón nhận của Con. Chúa Con sinh ra và đón nhận sự sinh ra của mình với tư cách là Con và trong tự do. Trong Tình Yêu vô hạn, không có sự đối chọi giữa tất yếu và tự do.
Đức Giêsu tại thế mạc khải tương quan giữa Ngài với tư cách là Con đối với Chúa Cha. Chúa Cha sinh ra Ngài, nhưng Ngài như đồng tình với sự sinh ra ấy. Con người, các hành vi và lời nói của Người là bởi Cha. Tất cả những gì Cha ban cho Con, thì ban cho Ngài nhờ sinh hạ (Augustinô). Trong sách Tân Ước, sự thuận tình của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được gọi là vâng phục. Thánh Gioan trình bày sự vâng phục như một nhân đức riêng của Con, biểu đạt tư cách làm Con. Sự vâng phục của Đức Giêsu là thuận tình với tư cách làm Cha của Thiên Chúa, với việc Chúa Cha sinh ra mình, cho tới ngày thuận tình cách vô hạn trong sự vâng phục cho đến chết (Pl 2, 8). Đáp lại là việc Chúa Cha sinh ra Ngài cách trọn vẹn trong chính sự Phục Sinh (Cv 13, 33). Chúa Cha phục sinh Đức Giêsu trong Thánh Thần, sinh ra Đức Giêsu trong sự viên mãn của Vinh Quang. Qua cái chết, Đức Giêsu khơi dậy hành vi của Quyền Năng Sinh Hạ của Cha là chính Thánh Thần.
Mọi sự đều bởi Cha; Cha phục sinh Đức Kitô, sinh ra Ngài cách viên mãn. Nhưng Chúa Con cũng có vai trò tích cực trong sự Phục Sinh: “Sở dĩ Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại” (Ga 10, 17). Phần của Chúa Con trong hành vi phục sinh là gì ? Đó là sự đón nhận của Người Con: trong cái chết, Ngài đồng tình với Cha sinh ra Ngài. Vâng phục cho đến chết Ngài khơi dậy hành vi tôn vinh của Cha (Pl 2, 8). Chính Cha ban Thánh Thần trong đó Đức Giêsu Phục Sinh; nhưng Đức Giêsu khơi dậy sự ban tặng ấy. Điều này mạc khải một chân lý thẳm sâu là Chúa Con thông phần vào sự nhiệm xuất vĩnh hằng của Thánh Thần với tư cách là Con (Dt 9, 14).
Cũng có thể kết luận như trên khi chúng ta dùng phạm trù yêu thương thay cho từ ngữ vâng phục. Tình yêu khơi dậy tình yêu. Theo Ga 14, 31 , Đức Giêsu yêu mến Chúa Cha, và vì yêu thương, sẵn sàng chịu chết. Chúa Cha là Đấng yêu thương trước (Ga 17, 24. 26), nhưng tình yêu của Ngài cũng được khơi dậy bởi sự quảng đại của Chúa Giêsu trong cái chết. Thánh Thần Thiên Chúa là Tình Yêu được Ngôi Vị hóa. Trong Ba Ngôi, Tình Yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là một sự khơi dậy vĩnh hằng.Thánh Thần là Tình Yêu phát xuất từ Cha, đáp trả sự khơi dậy của Con. Như vậy là Con có phần trong sự nhiệm xuất của Thánh Thần.
Khi đón nhận tất cả, Chúa Con để cho Chúa Cha là tất cả, làm Cha sinh ra Con trong Thánh Thần.
Thánh Thần của Tình Yêu Sinh Hạ là Thánh Thần của Cha và của Con, hiệp nhất với nhau trong sự bất khả phân của một Ngôi Vị. Đồng thời Thánh Thần cũng làm nên sự khác biệt không thể giản lược giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chỉ có một Thánh Thần Duy Nhất, nhưng trong Chúa Cha, thì đó là Tình Cha, trong Chúa Con, đó là Tình Con. Cùng một Tình Yêu Duy Nhất vừa là cho đi (Chúa Cha), vừa là đón nhận (Chúa Con). Tiên vàn trong Chúa Cha, yêu thương là cho đi chính mình, trong Chúa Con, yêu thương là đón nhận. Nhưng rồi Con lại dâng hiến, và đến lượt Cha đón nhận.
Câu Ga 15, 26 hết sức quan trọng để cho chúng ta hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi, nhưng thường chưa được khai triển đúng mức: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí Sự Thật phát xuất từ Chúa Cha …”. Thần học Latinh coi câu này là bằng chứng cho quan điểm “và Con” (Filioque) của họ. Nhưng thần học Hylạp thì lại cho rằng chỗ nói Chúa Con sai Thánh Thần từ nơi Cha thuộc về bình diện lịch sử cứu độ. Thực ra không thể nào tách rời lịch sự cứu độ (économie) với thần học (théologie) trong Tin Mừng Gioan. Trong Gioan, Đức Giêsu là bộ mặt hữu hình của mầu nhiệm Ngôi Lời, Ngài là Chúa Con nhập thể, Đấng đạt tới chóp đỉnh sự hiến thánh trong mầu nhiệm Vượt Qua, đạt tới sự viên mãn của Vinh Quang làm Con (Ga 17, 5). Trong sự viên mãn ấy, Đức Giêsu vừa là Chúa Con phải được tôn thờ, vừa là Nguồn Suối ban Thánh Thần cho nhân loại (Ga 20, 28). Hơi Thở của Chúa Cha cũng là Hơi Thở của Đức Kitô Phục Sinh (Ga 20, 22).
Trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, Thần học trở nên Nhiệm Cục, mầu nhiệm vĩnh hằng được hoàn thành cho chúng ta. Trong khi thần học đề cập đến Ba Ngôi tự tại, mầu nhiệm này trở nên cho chúng ta nhờ Đức Giêsu Kitô. Trong mầu nhiệm cứu độ, Chúa Cha sinh ra Chúa Con cho chúng ta, Đức Kitô là Con Thiên Chúa cho chúng ta, Chúa Thánh Thần đối với chúng ta là sự sinh hạ thần linh, nhờ đó chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa trong Con Duy Nhất của Người.