Lts. Lão Tử trong tập Đạo Đức Kinh, chương 64 viết: ‘Thiên lý chi hành, thỉ ư túc hạ’ nghĩa là ‘đi xa nghìn dặm, khởi đầu một bước chân’. Bước khởi đầu nơi một tâm hồn theo Chúa là điểm tinh tế không dễ mấy ai hiểu…
Trong ý hướng đào sâu kinh nghiệm linh đạo sống và loan báo Phúc Âm, chúng ta muốn tìm hiểu đời sống thiêng liêng của thánh Phanxicô Assisi, nhưng đâu là bước chân khởi đầu của một hành trình nghìn dặm? Cha Cantalamessa, vị giảng thuyết phủ giáo hoàng sẽ giúp ta khám phá điều đó.
1. Cuộc Hoán Cải Của Thánh Phanxicô
Để hiểu đôi điều về hành trình của thánh Phanxicô, cần bắt đầu với cuộc hoán cải của ngài. Các nguồn tài liệu miêu tả khác nhau đáng kể về biến cố này. May phước chúng ta có một nguồn đáng tin cậy bậc nhất mà khỏi cần phải lựa chọn giữa những nguồn khác nhau. Chúng ta có bằng chứng của chính thánh Phanxicô trong di chúc của ngài, là chính tiếng nói của ngài ‘ipsissima vox’, tựa như nói về Lời Chúa Kitô được tường thuật cách chắc chắn trong sách Phúc Âm.
Thánh nhân nói:
‘Chúa nói với tôi, hỡi bạn Phanxicô, hãy bắt đầu làm việc thống hối như thế này: thời gian tôi còn ở trong tội lỗi thì xem ra tôi sợ hãi khi nhìn thấy những người bệnh phong nhưng chính Chúa đã đem tôi đến giữa họ và tôi đã đem lòng thương cảm họ. Chính từ họ mà cái xem ra tôi kinh hãi lại biến đổi thành ngọt ngào cho cả hồn xác tôi. Và sau ít lâu, tôi đã giã từ thế gian’.
Các sử gia dựa trên bản văn này là phải, nhưng có một giới hạn họ không thể vượt qua được. Ngay cả các sử gia đã hết sức chú tâm và tài ba nhất về cõi riêng tư của cuộc đời Phanxicô, như giữa các sử gia người Italia là Raoul Manselli, cũng không thông đạt tới cái lẽ uyên thâm cho cuộc biến đổi tận căn này. Quả nhiên theo phương pháp của họ, khi đề cập tới cái cõi riêng của Phanxicô thì họ như cứ dừng lại ở ngưỡng cửa.
Cái được chứng minh mang tính lịch sử là Phanxicô quyết định thay đổi thân thế xã hội. Từ giai cấp trưởng giả, được dân phố kính nể là quí phái và giàu có, chính Phanxicô đã chọn sang hẳn phía bên kia, sống cùng những người thấp kém nhất, những kẻ chẳng ai coi ra gì, những kẻ ‘hèn mọn’, bị khốn khó bởi đủ kiểu nghèo đói.
Các sử gia nhấn mạnh đúng trên sự kiện ban đầu Phanxicô không chọn cái nghèo hay xa hơn không chọn chủ nghĩa nghèo khó, Ngài chọn người nghèo! Cuộc biến đổi do lệnh truyền: ‘Hãy yêu thương người lân cận như bản thân’, hơn là bởi lời khuyên: ‘Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy về bán tất cả những gì anh có và giúp cả cho người nghèo khó, rồi đến theo tôi’. Đó là niềm cảm thông với dân nghèo hơn là được thúc đẩy đi tìm sự trọn lành riêng tư, lòng mến hơn là sự nghèo khó.
Tất cả những điều ấy là thật, nhưng chưa chạm tới cái nền của sự việc. Nó mới là cái hiệu quả của cuộc biến đổi chứ chưa phải là nguyên nhân. Sự chọn lựa còn căn cội hơn nhiều: không phải là truyện chọn cái giàu hay nghèo, chọn người giàu hay người nghèo, chọn thuộc giai cấp này hay kia, nhưng là chọn mình hay Chúa, giữa cứu mạng sống mình hay mất mạng vì Phúc Âm.
Có một số người (chẳng hạn, gần chúng ta, Simon Weil) đến cùng Chúa Kitô nhờ lòng thương cảm người nghèo hoặc có những người khác đến với người nghèo nhờ lòng mến Chúa Kitô. Phanxicô thuộc trường hợp sau. Động lực sâu thẳm của cuộc hoán cải không mang tính chất xã hội, nhưng mang tính chất Phúc Âm. Chúa Giêsu đã một lần thiết định một luật có giá trị cho mọi người bằng một lời trong những lời long trọng và chắc chắn hết sức đúng nghĩa Phúc Âm:
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16: 24-25)
Phanxicô không đến với người bệnh phong bởi ý muốn bộc phát, do cảm kích bởi lòng thương cảm tôn giáo hay nhân loại. Ngài viết ‘Chúa dẫn đưa tôi tới giữa họ’. Các sử gia không am tường điều đó, cũng không xác định được mà thực sự đó lại là cái gốc của mọi sự. Chúa Giêsu đã chuẩn bị trái tim Phanxicô để ngài tự do đáp lại ân sủng đúng lúc. Việc chuẩn bị đó là giấc mơ tại Spoleto với vấn nạn xem mình thích phục vụ cho đầy tớ hay chủ nhân, là khi ngài lâm bệnh và khi bị giam tù tại Perugia trong băn khoăn lạ kỳ để không bao lâu sau đó ngài tìm thấy niềm vui vẻ lui về nơi thanh tịnh.
Phanxicô chẳng nghĩ gì đến việc Chúa Giêsu hiện thân dưới dạng người bệnh phong ( như sau đó các sử gia làm cho ta nghĩ tới trường hợp tương tự trong đời thánh Martinô thành Tours), mà vào lúc đó, đối với ngài, trong cả ý hướng và mục đích, người bệnh phong là Chúa Giêsu. Ơn hoán cải của Phanxicô cùng một tính chất như nơi Phaolô. Cách nào đó, điều mà trước đó với Phaolô là ‘mối lợi’ nay đổi thành ‘mất mát’, ‘vì Chúa Kitô’ (Phil 3: 5tt) thì đối với Phanxicô cái trước kia là hãi sợ nay là ngọt ngào, cũng ‘vì Chúa Kitô’. Sau giây phút này, cả hai có thể nói: ‘Tôi sống nhưng không còn là tôi, Chúa Kitô sống trong tôi’.
Tất cả những điều đó buộc ta sửa lại chân dung con người Phanxicô được văn chương làm cho trở thành bình dân và thi sĩ Dante đã đưa vào trong thi phẩm ‘Divine Comedy’. Một biểu tượng nổi tiếng về Phanxicô là ‘Cuộc thành hôn của Phanxicô với chị Nghèo Khó’, còn lưu dấu sâu đậm trong nghệ thuật vả thi ca về thánh nhân, có thể là sai lầm. Bạn không thể yêu một nhân đức, ngay cả là nghéo khó, mà là yêu một con người. Cuộc thành hôn của Phanxicô phải là, như bao nhiêu nhà chiêm niệm khác, cuộc thành hôn với Chúa Kitô.
Một chiều nọ, nhìn thấy Phanxicô biến sắc khác thường, các bạn hữu hỏi ngài có ý định cưới vợ không, Phanxicô trẻ trung trả lời: ‘Tôi sẽ cưới một cô dâu xinh đẹp và quý phái nhất các bạn chưa từng thấy’. Câu đáp này thường bị giải thích trật trẹo đi. Mạch sự việc cho thấy rõ cô dâu đây không phải là sự khó nghèo, nhưng là kho tàng ẩn tàng và là viên ngọc quý, là Chúa Kitô. Sử gia Celano lại bình luận ‘cô dâu’ là ‘tôn giáo chân thực mà ngài ôm ấp, là Nước Trời và là kho báu ẩn tàng ngài tìm kiếm’.
Phanxicô không thành hôn với sự khó nghèo hay ngay cả với người nghèo, ngài thành hôn với Chúa Kitô và vì yêu mến Chúa Kitô, ta có thể nói, ngài thành hôn tiếp với chị Nghèo Khó. Sự thánh thiện của tín hữu Kitô luôn luôn là như vậy. Tại nền móng của lòng yêu mến sự khó nghèo hay những người nghèo, đều có lòng mến yêu Chúa Kitô, nếu không, hoặc người nghèo sẽ bị, một cách nào đó, biến thành phương tiện, hay sự nghèo khó sẽ dễ dàng trở thành cuộc tranh luận chống lại Giáo hội, hay thành sự phô trương mình cao hơn trên đường trọn lành trước mắt những người khác trong Giáo hội, như tiếc thay, từng xẩy ra nơi một số người ‘hâm mộ sự khó nghèo’. Sự nghèo khó trở thành cái ‘của cải tồi tệ’, cái chính trực riêng tư.
2. Phanxicô và Cuộc Canh Tân Giáo Hội
Bằng cách nào mà từ sự kiện cá nhân và nội tâm như cuộc hoán cải của một Phanxicô trẻ trung, một trào lưu thầm lặng mà làm biến đổi chân dung Giáo hội thời của ngài và đã tạo hiệu quả mạnh trong lịch sử mãi tới ngày nay?
Cần nhìn vào hoàn cảnh thời đại ấy. Vào thời Phanxicô hầu như mọi người đều nhận thấy nhu cầu canh tân Giáo hội. Thân mình Giáo hội trải nghiệm những giằng co và những xâu xé sâu đậm. Một bên là cơ chế Giáo hội, Đức Giáo hoàng, Giám mục, giáo sĩ, bị suy thoái bởi những xung đột triền miên và bởi những hiệp ước thân cận với đế quốc. Một Giáo hội bị coi là cách xa, giây mình vào những chuyện xa rời lợi ích của dân chúng. Nhưng cũng có những dòng tu lớn, thường phát triển nhờ văn hóa và linh đạo sau nhiều cuộc cải tổ khác nhau trong thế kỷ thứ 11, trong số đó như dòng Cisterciô, nhưng lại bị đồng hóa với các đại điền chủ, các lãnh chúa thời ấy, vừa gần lại vừa xa rời những vấn đề và nhu cầu cuộc sống quần chúng.
Đàng khác, đó là một xã hội người ta bắt đầu di cư từ thôn quê lên thành thị tìm kiếm tự do hơn để thoát khỏi nhiều cảnh nô lệ. Thành phần xã hội này đồng hóa Giáo hội với giai cấp thống trị mà họ cảm thấy nhu cầu phải thoát ra. Vì vậy họ mau mắn liên kết với những ai chỉ trích và chống phá Giáo hội: các lạc giáo, những phong trào ủng hộ người nghèo và cấp tiến, đồng thời có thiện cảm với những giáo sĩ thấp hơn là những người không mang linh đạo cao siêu nhưng gần với dân chúng.
Do đó, có sự căng thẳng gay gắt vì ai cũng khai thác lợi thế cho phe mình. Giáo phẩm giải quyết căng thẳng bằng cải thiện cơ cấu tổ chức và khử trừ những lạm dụng, cả những vấn đề nội bộ (như chống mại thánh và nạn thê thiếp của các linh mục) lẫn xã hội. Những nhóm thù nghịch tìm cách gây bùng nổ những căng thẳng, triệt để chống Giáo phẩm, phát sinh nguy cơ những phong trào ly giáo. Tất cả chống Giáo hội, dựng lên lý tưởng nghèo khó giản dị của Phúc Âm, lấy đó làm võ khí tranh luận hơn là lý tưởng thiêng liêng để sống trong khiêm nhường, đi xa tới mức tranh cãi thực hư bí tích Truyền Chức Thánh của Giáo hội, chức linh mục và tính chất của tác vụ Giáo hoàng.
Chúng ta thường nhìn Phanxicô như con người của Chúa quan phòng, người lãnh lấy những khát mong canh tân của quần chúng, tháo gỡ những cuộc tranh luận, đem mọi người về Giáo hội trong mối hiệp thông sâu xa và tuân phục Giáo hội. Vì vậy Phanxicô như một người làm trung gian giữa phe lạc giáo nổi loạn và Giáo phẩm. Trong một giáo trình nổi tiếng về lịch sử Giáo hội, sứ vụ của Phanxicô được trình bày:
“Quả thực khi của cải và quyền lực trong Giáo hội thường gây nên những tệ hại, và những người lạc giáo thời ấy lấy đó làm luận chứng chống Giáo hội, thì trong một số tâm hồn những người đạo đức, ước muốn cao quý cổ võ đời sống nghèo khó của Chúa Kitô và của Giáo hội sơ khai trỗi dậy, tạo ảnh hưởng hiệu quả hơn trên dân chúng nhờ lời nói và gương lành”.
Dĩ nhiên, cùng với thánh Đaminh, Phanxicô Assisi được xếp hàng đầu trong số những tâm hồn đó. Sử gia phái Tin Lành Paul Sabatier, có công nghiên cứu về Phanxicô, đã đề cao không những giữa người Tin Lành mà cả giữa các sử gia, luận đề theo đó Hồng y Ugolino (tương lai là Giáo hoàng Gregory IX) có ý định đưa Phanxicô vào giáo triều, áp dụng tinh thần phê bình và cải cách của thánh nhân. Thực tế đây là dự tính coi Phanxicô như người tiền hô của Luther, biến Phanxicô thành người cải cách bằng phê phán hơn là bằng sự thánh thiện.
Tôi không rõ liệu ý định này có thể gán cho một trong các người bảo vệ và bạn thân thiết của Phanxicô không. Xem chừng khó có thể gán cho Hồng y Ugolino và càng khó hơn nếu gán cho Đức Innocent III là người được kể đến đã canh tân và nâng đỡ nhiều hình thức thiêng liêng mới trỗi dậy vào thời ấy, kể cả hội dòng ‘Anh Em Hèn Mọn’, ‘Đôminicô’, ‘Những Người Khiêm Hạ Milanô’. Trong bất cứ trường hợp nào, một điều tuyệt nhiên chắc chắn: cái ý định canh tân không bao giờ lướt qua trong trí Phanxicô. Ngài không bao giờ nghĩ tới mình được gọi để canh tân Giáo hội. Phải rất cẩn trọng để khỏi sai lầm trước những lời nổi tiếng ghi nơi tượng Chúa chịu nạn tại nhà thờ thánh Đamianô ‘Hãy đi, Phanxicô và tu bổ lại nhà thờ của Ta, như con thấy đó, nó bị đổ nát’. Chính nguồn tài liệu chứng thực ngài đã hiểu những lời này theo nghĩa khá đơn giản là xây sửa nhà thờ nhỏ thánh Đamianô.
Chính các anh em đệ tử và các nhà viết về cuộc đời ngài giải nghĩa, và đúng thực là những lời đó nói về cơ chế Giáo hội chứ không chỉ là xây sửa nhà thờ. Phần Phanxicô vẫn cứ đinh ninh hiểu nghĩa mặt chữ và thực sự ngài tiếp tục sửa các nhà thờ nhỏ khác đã bị hư hại ở ngoại ô Assisi.
Ngay cả giấc mơ của Đức Innocent III về một người nghèo đưa lưng đỡ thánh đường Lateranô đang xiêu đổ cũng chẳng có nghĩa gì hơn. Giả như đó là biến cố lịch sử (sự việc tương tự cũng được nói tới liên quan đến thánh Đôminicô), thì đó là giấc mơ của Đức Giáo hoàng chứ không phải của Phanxicô! Phanxicô không bao giờ nhìn mình như ngày nay chúng ta nhìn ngài qua những bức tranh của họa sĩ Giotto. Đó là cái thâm thúy hiểu rằng ngài là người canh tân bằng sự thánh thiện mà không cần biết đến!
3. Phanxicô và Cuộc Trở Về Nguồn Phúc Âm.
Nếu Phanxicô không muốn làm một người cải cách, vậy muốn là ai và muốn làm gì? Về vấn đề này, chúng ta cũng rất vui có chứng từ trực tiếp của vị thánh qua di chúc của ngài:
“Sau khi Chúa ban cho tôi các anh em hèn mọn, không ai chỉ cho tôi biết phải làm gì, nhưng chính Đấng Tối Cao tỏ cho tôi rằng tôi phải sống theo lối sống của Phúc Âm. Tôi đã viết ra điều đó vắn gọn và đơn thành, Đức Giáo hoàng xác nhận”.
Thánh nhân gợi tới giây phút, đang trong thánh lễ, ngài nghe đoạn Phúc Âm Chúa Giêsu sai các tông đồ: ‘Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: ‘Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thưc, tiền bạc, cũng đừng có hai áo’ (Lk 9: 2.3). Đây là mạc khải chói ngời định hướng cả đời. Từ hôm ấy trở đi sứ mệnh của ngài rõ ràng: trở về triệt để và chân thành với Phúc Âm, đúng như Phúc Âm Chúa Giêsu đã truyền giảng. Cần phục hồi trong thế giới con đường và lối sống của Chúa Giêsu và của các Tông đồ được các sách Phúc Âm miêu tả. Khi viết quy luật cho anh em, ngài khởi sự: ‘Quy luật và đời sống của anh em hèn mọn là tuân giữ Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô’.
Phanxicô không biến thành lý thuyết điều ngài khám phá để biến thành chương trình canh tân Giáo hội. Ngài chu toàn cuộc canh tân nơi bản thân và biểu lộ cách nhẹ nhàng thầm lặng cho Giáo hội con đường duy nhất vượt qua những khủng hoảng: bám sát lại vào Phúc Âm, vào con người và cách đặc biệt vào những người thấp kém và nghèo nàn.
Cuộc trở về với Phúc Âm trước tiên phản ánh trong mọi lời Phanxicô rao giảng. Điều gây ngạc nhiên mọi người đều ghi nhận là Phanxicô hèn mọn hầu như luôn luôn nói về ‘việc sám hối’. Do đó, sử gia Celano tường thuật ngài bắt đầu giảng dạy sự sám hối rất hăng hái và phấn khởi, với ngôn từ đơn sơ và tâm hồn rạng rỡ. Đi đến bất cứ đâu Phanxicô nói năng, khuyên nhủ, xin người ta sám hối.
Có phải điều Phanxicô nói là điều ngài ấp ủ trong lòng? Về vấn đề này chúng ta lại rơi vào sai lầm (ít nhất là tôi đã sai lầm rất lâu). Chúng ta giản lược sứ điệp của Phanxicô vào sự khích lệ luân lý đơn giản, vào sự đấm ngực ăn năn, hãm mình ép xác để đền tội, trong khi hành động của Phanxicô lớn rộng bát ngát và mang hơi thở của Phúc Âm Chúa Kitô. Phanxicô không khích lệ chúng ta làm những việc sám hối nhưng sám hối theo tinh thần của ngài mà chúng ta sẽ thấy nó hoàn toàn khác.
Ngoại trừ ít trường hợp ‘người anh em hèn mọn’ viết bằng tiếng latinh. Chúng ta gặp bản văn tiếng latinh trong di chúc của ngài khi ngài viết: ‘Thiên Chúa đã ban cho tôi, người anh em hèn mọn Phanxicô, khởi sự bằng sám hối như thế ? Chúng ta gặp thấy thuật ngữ ‘poenitentiam agere’. Ta sẽ thấy ngài rất thích diễn tả các vấn đề bằng chính lời Chúa Giêsu. Và thuật ngữ ‘sám hối’ là lời Chúa Giêsu dùng khi bắt đầu rao giảng và Chúa đã lặp lại nơi mỗi thành thị hay làng mạc Ngài đến:
“Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê, rao giảng Phúc Âm của Thiên Chúa. Người nói: ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1: 14.15)
Ngày nay từ này được dịch là ‘hoán cải’ hay ‘ăn năn’, ‘người anh em hèn mọn’ đã dùng từ trong văn bản ‘Phổ Thông’ ‘poenitemini’ và trong Cv 2: 37 ‘poenitentiam agite’, nghĩa là sám hối. Phanxicô không làm gì khác hơn là lại tung ra lời vang gọi hoán cải Chúa Giêsu dùng khai mở Phúc Âm và lời các Tông đồ trong ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Phanxicô không cần giải thích ý nghĩa của hoán cải vì cả đời ngài biểu lộ điều ấy.
Phanxicô đã làm trong thời đại của ngài điều được ấp ủ trong thời gian Công đồng Vatican II với phương ngôn: ‘hãy giải hạ các thành lũy’: hãy phá đi sự cô lập của Giáo hội và đưa về với dân chúng. Một trong những yếu tố làm lu mờ Phúc Âm là biến quyền bính hiểu là sự phục vụ thành quyền lực, gây ra vô số những xung đột bên trong và bên ngoài Giáo hội. Phanxicô giải quyết vấn đề nơi bản thân theo nghĩa Phúc Âm. Trong Dòng của ngài, một điều hết sức mới mẻ, các Bề Trên được gọi là ‘người phục vụ’, nghĩa là ‘đầy tớ’, và tất cả các anh em khác là ‘anh em’.
Một bức tường phân cách khác giữa Giáo hội và dân chúng là kiến thức và văn hoá nơi giáo sĩ và đan sĩ, thực tế như là độc quyền. Phanxicô biết điều ấy nên ngài giữ một lập trường rất quyết liệt như ta sẽ thấy. Ngài không xem thường ‘cái biết-tri thức’ nhưng quan tâm tới ‘cái biết-ra oai’ qua đó người này ‘biết đọc’ lấn lướt người kia ‘không biết đọc’ và tự cho mình lên giọng kẻ cả: ‘hãy mang lại đây cho tôi cuốn sách nguyện!’. Trong một hội nghị nổi tiếng bàn về ‘những mớ cỏ sậy’, ngài trả lời cho một số anh em muốn thúc đẩy ngài thích nghi vào thái độ phong cách các dòng ‘có học’ thời đó, bằng những lời bừng lửa làm cho anh em hãi sợ:
“Thưa anh em, anh em của tôi, Chúa đã gọi tôi bước đi trên con đường đơn sơ và Chúa đã tỏ con đường ấy cho tôi. Do đó tôi không muốn anh em tác động tôi nghiêng sang các Quy Luật khác, dù là của thánh Augustinô, thánh Bênađô hay thánh Biển Đức. Chúa tỏ cho tôi ý muốn của Người là tôi cần làm người điên dại trong thế gian: đó là ‘cái biết’ Chúa muốn chúng ta cung hiến chính mình! Chúa sẽ làm anh em bẽ mặt qua chính cái biết và cái học của anh em”.
Phanxicô sống nhất quán với điếu đó. Ngài muốn chính mình và anh em hèn mọn của ngài sống nghèo thực sự, nhưng trong quy luật, ngài khuyến khích họ ‘không tỏ ra coi thường và phê phán những người trong trang phục lụa là và dùng những thực phẩm ‘cao lương mỹ vị’, tốt hơn mỗi người tự phê phán và xem nhẹ mình’. Chọn làm một người ít học nhưng không khinh thường kiến thức. Một lần kia ngài quả quyết kiến thức không dập tắt ‘tinh thần nguyện cầu và lòng đạo đức’, chính ngài cho phép thầy Antôn (sẽ là thánh Antôn Pađua) dành trọn đời dạy thần học và thánh Bonaventura không nghĩ mình làm trái tinh thần đấng sáng lập khi mở rộng nhà dòng cho anh em đi học trong các đại học danh tiếng.
Nhà thần học Yves Congar nhìn nhận đó là một trong các điều thiết yếu cho ‘cuộc canh tân thật sự’ trong Giáo hội, cuộc canh tân mang tới kết quả là vẫn một Giáo hội chứ không phải ly giáo: nói khác, đó là khả năng khước từ tuyệt đối hóa một trực giác, bền bỉ hiệp thông với toàn thể là Giáo hội. Niềm xác tín như Đức Giáo hoàng Phanxicô trong tông huấn mới đây ‘Evangelii Gaudium’, gọi là ‘cái toàn thể lớn hơn cái một phần’.
4. Theo Gương Thánh Phanxicô
Kinh nghiệm của Phanxicô nói gì cho chúng ta hôm nay? Điều gì tất cả chúng ta có thể làm ngay bây giờ? Hãy trở thành những người Chúa gọi canh tân Giáo hội bằng sống thánh thiện, dù cảm thấy được gọi canh tân bằng phê bình, hay bằng chức vụ đảm trách. Cùng một hành trình thiêng liêng của Phanxicô: Trước hết, cuộc hoán cải từ ‘tôi’ tới Chúa, từ bỏ bản thân. Đây là cách sinh ra những người đổi mới thật sự, những người ‘khử trừ’ cái tôi là những người góp phần thay đổi trong Giáo hội. Những người nghiêm chỉnh quyết định khử trừ ‘cái tôi’ sẽ tiếp tục việc đó suốt đời và ngay cả xa hơn nữa, như lời thánh Têrêsa Avila nói đùa rằng tánh tự ái chỉ chết sau khi chúng ta chết hai mươi phút.
Một đan sĩ thánh thiện thuộc Giáo hội Chính Thống, Silvanus ở núi Athos, nói: ‘Để được tự do đích thực, trước tiên cần trói mình lại’. Những con người như thế, tự do trong tự do của Thánh Thần, không có gì chặn họ lại được và chẳng có gì làm họ sợ hải. Họ trở thành những người làm mới Giáo hội bằng sống thánh thiện và không chỉ dựa vào chức vụ.
Nhưng sự từ bỏ Chúa Giêsu đề nghị có nghĩa gì? Còn có thể đề nghị cho một thế giới chỉ đề cao thể hiện chính minh, khẳng định chính mình không? Sự từ bỏ không là lý tưởng hay mục đích nơi chính nó. Nội dung quan trọng nhất của từ bỏ rất tích cực: ‘Nếu ai muốn theo Tôi’, đó là việc theo Chúa Giêsu Kitô để đón nhận Chúa. Nói bỏ mình chỉ là phương tiện, thưa vâng với Chúa Kitô là mục đích. Thánh Phaolô trình bày điều ấy như luật của Thánh Thần: ‘Nếu nhờ Thánh Thần anh em diệt trừ những hành vi của xác thịt, thì anh em sẽ được sống’ (Rm 8: 13). Chúng ta thấy, đó là chết để sống, ngược lại nhãn quan triết lý theo đó đời sống con người ‘sống để mà chết’ (Heidegger).
Ta đang bàn tới nền tảng ta đặt vào hiện sinh của chúng ta: ‘cái tôi’ hay ‘Chúa Kitô’ (x. 2 Co 5: 15; Rm 14: 7.8). Theo cách nói của Phaolô, sống ‘cho mình’ nghĩa là sống tìm tiện nghi, danh tiếng, thăng quan tiến chức; sống ‘cho Chúa’ nghĩa là luôn đặt ưu tiên từ trong ý hướng vinh quang của Chúa Kitô, lợi ích Nước Trời và Giáo hội. Mỗi ‘cái không’ lớn hay nhỏ đều xuất phát từ tình yêu là lời thưa ‘vâng’ cho Chúa Kitô.
Chúng ta phải tránh lừa dối mình. Không phải là tìm biết cặn kẽ về sự từ bỏ của Kitô hữu, vẻ đẹp và sự cần thiết của nó, vấn đề là hành động, thực hành nó. Một bậc thầy đàng thiêng liêng xưa nói: ‘Có thể bẻ gẫy mười lần ý muốn của một người trong khoảnh khắc. Tôi sẽ nói cho bạn nó thế nào. Một người đi dạo và thấy vài ba sự việc, có ý tưởng nói cho người ấy: ‘xem kìa’, nhưng người ấy đáp: ‘không, tôi không xem’, vậy là người ấy bẻ gẫy ước muốn của mình. Sau đó người ấy gặp nhóm người đang nói xấu kẻ khác và có ý tưởng nói thanh minh cho kẻ ấy: ‘phần bạn, hãy nói điều bạn biết’ và người ấy bẻ gẫy ý muốn của mình bằng im lặng’.
Vị giáo phụ này cho chúng ta thấy những tỉ dụ trong đời sống đan viện. Ta có thể dễ dàng gặp những việc ấy ngay trong cuộc sống hôm nay của mỗi người dù là giáo sĩ hay giáo dân. Bạn có thể gặp, nếu không phải một người bệnh phong như Phanxicô đã gặp, một người nghèo bạn biết sẽ xin bạn điều gì đó. ‘Con người cũ’ sẽ đẩy bạn sang phía lề đường bên kia, nhưng thay vì vậy, bạn buộc mình gặp người ấy, ít nhất bạn chào hỏi hay mỉm cười… Bạn rơi vào cơ hội có một lợi lộc trái lẽ, bạn nói ‘không’ trước việc ấy là bạn đang bỏ mình… Có người phản đối, làm tổn thương lòng tự hào của bạn, bạn muốn đốp chát lại nhưng hãy thinh lặng và đợi chờ: có nguy cơ ta bẻ gẫy chính mình… Bạn nghĩ mình bị xử tệ hay bị chỉ định một chức vụ không xứng với công cán của mình: bạn muốn mọi người phải thấy điều ấy, bạn thầm trách mắng. Nhưng bạn nói ‘không’, bạn phá bỏ cái lặng thầm trách mắng để mỉm cười và mở ra cơ hội đối thoại. Bạn đang từ bỏ chính mình và bảo tồn bác ái… Còn bao việc tương tự như thế…
Dấu hiệu một người trong ưu thế phấn đấu chống lại cái ‘tôi’ là khả năng hay ít nhất là sự cố gắng biết vui khi làm việc lành và biết coi như của mình cái hay của người khác.
Phanxicô đã viết lời khuyên:
‘Người tôi tớ không tự phụ về những ơn lành mà Chúa nói và hành động qua mình thì có phúc hơn là nhận được những ơn lành Chúa nói và hành động qua người khác’.
Có một mục tiêu khó khăn, chắc chắn tôi không nói như kẻ đã đạt được, nhưng cuộc đời Phanxicô đã tỏ cho ta điều ấy sẽ đến khi một người đáp lại ân sủng Chúa mà từ bỏ chính mình. Mục tiêu tối hậu là làm sao có thể đạt được như Phaolô và như ngài: ‘Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà Chúa Kitô sống trong tôi’. Đó là nguồn mạch chan hòa niềm vui và an bình, ngay tại trần gian này. Với ‘hạnh phúc tuyệt hào’, Phanxicô là chứng nhân sống động của ‘niềm vui Phúc Âm’, ‘Evangelii Gaudium’.
Linh mục Gioan chuyển ngữ
Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc