Thánh Phanxicô Assisi: Khiêm Nhường Thể Hiện Trong Sự Thật Và Phục Vụ

Lts. Đức Thánh Cha Bênêđictô từng xác tín một phương cách loan Tin Mừng là đưa người ta gặp các thánh và cái đẹp. Thánh Phanxicô và cái đẹp ẩn tàng trong cuộc đời của ngài đã tạo âm hưởng và cảm hứng đặc biệt không những nơi vị Cha chung, Đức Thánh Cha Phanxicô mả còn nơi mỗi chúng ta. TTLM số trước đã giới thiệu thánh Phanxicô loan Tin Mừng bằng sống thánh thiện, TTLM tháng này xin được giới thiệu thánh Phanxicô khiêm nhường qua tư tưởng suy niệm của vị giảng thuyết Phủ Giáo Hoàng, cha R. Cantalamessa.

Sự Khiêm Nhường Khách Quan Và Chủ Quan

Chúng ta đã từng biết thánh Phanxicô Assisi là mẫu gương sống động về phương thức tốt nhất canh tân Giáo hội là sống thánh thiện, hệ tại sự can đảm trở về Tin Mừng và phải bắt đầu từ chính mình. Trong bài suy niệm này tôi muốn suy tư thêm về một phương diện trở về Tin Mừng, về một nhân đức của thánh Phanxicô. Theo Dante Alighieri, tất cả vinh quang của thánh Phanxicô tùy thuộc việc ‘Ngài hạ mình nên bé nhỏ’[1], chính là khiêm nhường. Nhưng sự khiêm nhường của thánh Phanxicô hệ tại điều gì?

Trong các ngôn ngữ Thánh Kinh như Do thái, Hy lạp, La tinh và Anh văn, ‘khiêm nhường’ có hai ý nghĩa nền tảng: nghĩa khách quan cho thấy sự hạ mình, bé nhỏ hay nghèo nàn và nghĩa chủ quan cho thấy sự cảm nhận tình trạng bé nhỏ của mình. Chúng ta hiểu nhân đức khiêm nhường theo nghĩa chủ quan.

Trong lời Magnificat Đức Mẹ Maria nói: ‘Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới’, Mẹ thưa sự khiêm nhường theo nghĩa khách quan, chứ không theo nghĩa chủ quan. Do đó rất thích hợp từ ngữ được dùng trong nhiều ngôn ngữ là ‘phận hèn mọn’, chứ không là khiêm nhường. Hơn nữa ai cũng thấy rằng một khi Đức Maria ca ngợi sự khiêm nhường của mình và cho rằng Thiên Chúa chọn mình thì chính việc ấy tiêu hủy sự khiêm nhường của Mẹ. Và tạm thời giả như Đức Maria không nhìn nhận nơi mình nhân đức nào khác ngoài sự khiêm nhường như thể Mẹ đề cao mình thì chính việc ấy lại không phải là sai lầm trầm trọng về nhân đức ấy sao?

Nhân đức khiêm nhường có sắc thái đặc biệt: nó có nơi người nghĩ mình không có, và không có nơi người nghĩ mình có. Chỉ một mình Chúa Giêsu có thể công bố mình ‘có lòng khiêm nhường’ và thật sự là như vậy. Chúng ta sẽ thấy đó là đặc tính duy nhất của đức khiêm nhường nơi Thiên Chúa – làm Người. Vậy Đức Maria không có đức khiêm nhường sao? Mẹ chắc chắn là người khiêm nhường, khiêm nhường sâu thẳm, nhưng chỉ Thiên Chúa biết, còn Mẹ thì không biết. Thực sự rõ ràng điều ấy làm nên giá trị tuyệt vời của đức khiêm nhường: đó là hương thơm đức khiêm nhường chỉ được đón nhận từ Chúa, chứ không từ người đang tỏa lan hương thơm ấy. Thánh Bênađô viết: ‘Người khiêm nhường thật muốn mình được coi là thấp hèn, chứ không muốn được tuyên bố là khiêm nhường’[2].

Lòng khiêm nhường của thánh Phanxicô thuộc hướng ấy. Trong nhãn quan này, tập Những Bông Hoa Nhỏ đề cập tới một giai đoạn có ý nghĩa và trong cốt lõi của nó, thực sự mang tính lịch sử.

“Một lần kia khi thánh Phanxicô trở về từ cánh rừng sau khi cầu nguyện, trên đường, người anh em Masseo muốn thử xem ngài khiêm nhường thế nào, nên vừa gặp ngài, Masseo hỏi giọng như khiêu khích: ‘Tại sao theo, tại sao theo, tại sao theo?’ Thánh Phanxicô đáp: ‘Bạn muốn nói gì vậy?’ Masseo nói: ‘Con nói tại sao cả thế giới theo thầy, và xem chừng ai cũng muốn trông thấy thầy, nghe thầy, và vâng theo thầy? Thầy không phải là người có thân hình đẹp đẽ, không giỏi giang, không quyền quí, vậy tại sao ai cũng muốn theo thầy?’ Nghe vậy, thánh Phanxicô quay sang Masseo, rất vui tươi nói: ‘Bạn muốn biết tại sao, muốn biết tại sao, muốn biết tại sao cả thế giới theo thầy? Điều ấy dạy tôi rằng ánh mắt cực thánh của Chúa không nhìn thấy giữa các tội nhân một ai thấp hèn, khốn khó hay tội lỗi nặng nề hơn tôi’[3].

Khiêm Nhường Trong Sự Thật.

Lòng khiêm nhường của thánh Phanxicô được tỏ lộ từ hai nguồn, từ tính chất thần học và từ tính chất Kitô học. Ta cùng tập trung vào nguồn thứ nhất. Chúng ta nhận thấy trong Kinh Thánh những hành vi khiêm nhường không đến từ con người, từ sự coi mình khốn cùng hay tội lỗi, nhưng duy nhất từ Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người. Tỉ như tiếng Tiên Tri Isaia thốt lên, ‘Tôi là người môi miệng ô uế’ khi bất ngờ chứng kiến sự tỏ hiện vinh quang và thánh thiện của Thiên Chúa trong thánh điện (Is 6:5f); cũng tựa như thánh Phêrô thưa lên Chúa Giêsu sau mẻ cá lạ lùng: ‘Xin Thầy xa con, vì con là kẻ tội lỗi’ (Lk 5:8)

Chúng ta đang đi vào điểm cốt lõi của khiêm nhường, tình trạng mà tạo vật ý thức về mình đứng trước Thiên Chúa đang hiện diện. Khi người ta đo đạc mình với bản thân, với người khác hay với nhân quần xã hội, người ta chẳng bao giờ có được ý tưởng chính xác mình là ai vì thiếu chuẩn mực. Triết gia Kierkegaard viết: ‘Quả là một dấu ấn vô biên khắc ghi trong chủ thể vào lúc người ấy lấy Chúa làm chuẩn mực!’[4] Thánh Phanxicô khiêm nhường trong tính chất này cách đặc biệt. Một lời ngài rất thường lặp lại: ‘Trước Thiên Chúa, con người có là chi, có chăng là có đó và chẳng có gì hơn nữa’[5]

Tập Những Bông Hoa Nhỏ thuật lại một đêm kia thầy Leo muốn quan sát từ xa xem Phanxicô làm gì trong buổi cầu nguyện ban đêm tại rừng Verna và từ xa thầy nghe ngài thầm thĩ vài lời lâu giờ. Hôm sau thánh nhân gọi thầy và sau khi quở trách thầy một cách lịch sự vì đã cản trở cộng đoàn cùa ngài, đã tỏ lộ cho thầy biết nội dung ngài cầu nguyện:

‘Thầy biết không, người anh em hèn mọn, con chiên của Chúa Giêsu Kitô, khi tôi thầm thĩ những lời thầy đã nghe, linh hồn tôi được chiếu soi bằng hai luồng sáng, một cho tôi biết mình là ai, và một cho tôi biết Đấng Tạo Hóa. Khi tôi thưa: Chúa là ai, lạy Chúa dịu ngọt của lòng con? Liền đó tôi ở trong ánh sáng chiêm niệm, trong đó tôi đã thấy biển cả vô tận sự tốt lành, khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Khi tôi thưa: Con là ai? Tôi ở trong ánh sáng chiêm niệm trong đó tôi thấy vực sâu ảm đạm sự thấp hèn và nỗi khốn cùng của tôi’[6]

Đó từng là điều thánh Augustinô thưa cùng Chúa nhờ vậy ngài chiêm ngắm đỉnh cao của mọi khôn ngoan: ‘Noverim me, noverim Te. Xin ban cho con biết con và ban cho con biết Chúa; xin ban cho con biết con để con khiêm nhường và biết Chúa để con mến yêu Chúa’[7]

Giai thoại thầy Lêô chắc chắn là có thêm thắt cho đẹp và cũng vậy trong tác phẩm Những Bông Hoa Nhỏ nhưng nội dung tương hợp đẹp đẽ với ý tưởng thánh Phanxicô ý thức về mình và về Chúa. Bằng chứng là đoạn đầu bài ca tạo vật diễn tả khoảng cách vô biên giữa Thiên Chúa, ‘Đấng Tối Cao, Toàn Năng, Tốt Lành’, mà phải dâng về Người mọi chúc tụng, vinh quang, danh dự và ca ngợi…và với tạo vật khốn cùng phải mai một mà ngay cả ‘nói tới’ cũng chẳng xứng, nghĩa là chẳng xứng được gọi tên.

Trong ánh sáng này, gọi là mang tính chất thần học, khiêm nhường cốt yếu là sự thật. Thánh Têrêsa đã viết ‘Một ngày kia tôi tự hỏi tại sao Chúa yêu quí đức khiêm nhường đến thế và lập tức tôi không cần nghĩ ngợi, tôi nhân thấy ngay vì Chúa là Sự Thật toàn hảo mà khiêm nhường là thật’.[8]

Ánh sáng này không làm lọ lem nhưng ngược lại tạo nên bao là niềm vui và phấn khởi. Thực sự, khiêm nhường không có nghĩa buồn sầu về mình hay là nhận biết nỗi khốn cùng của mình hay ngay cả sự mọn hèn của mình. Đó là nhìn lên Chúa và cảm nhận đại dương cách biệt giữa loài hữu hạn và Đấng vô biên. Một người càng ý thức điều ấy, càng khiêm nhường. Người ấy bắt đầu vui nhận sự hư không của mình vì nhờ vậy họ được hiến dâng lên Chúa, sự bé nhỏ và khốn cùng của họ đã được Chúa Ba Ngôi nặng lòng thương yêu từ muôn thuở.

Angela Foligno mới được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh là đệ tử ruột của ‘Người hèn mọn’, khi gần qua đời đã nói: ‘Ôi cái hư không chẳng hiểu nổi, cái hư không chẳng hiểu nổi. Linh hồn không thể thấy được điều gì trên cõi đời này hơn là chiêm niệm cái hư không của mình và lưu lại đó như trong một nhà tù.’[9] Cái bí quyết của lời than thở này là sự thật kinh nghiệm được nhờ trải nghiệm nó. Một người khám phá nhà tù này thực sự đang có đó, có thể vào đó bất cứ lúc nào. Nó hệ tại tâm tình trầm lắng biết mình là không trước Chúa, nhưng cái không được Chúa yêu thương!

Một người ở trong nhà tù được chiếu sáng này sẽ không còn thấy khuyết điểm của người thân cận hoặc thấy họ trong ánh sáng khác. Một người hiểu rằng nhờ ơn Chúa và sự tập luyện có thể thực hiện điều thánh Tông đồ nói, thoạt nghe có vẻ quá đáng, là ‘hãy nhìn nhận những người khác hơn mình’ x. Phil 2:3), hay ít nhất người ấy hiểu các thánh đều đã có thể làm được điều ấy.

Do đó, giam mình trong nhà tù này hoàn toàn khác giam mình trong bản thân ích kỷ vì đang sống hướng tới những người khác, đang đối nghịch lại một cách khách quan nếp suy nghĩ của những người chống lại tinh thần khiêm nhường Kitô. Đó là cự tuyệt sự ích kỷ. Đó là chiến thắng một trong những thói xấu của tâm lý hiện đại và cũng cho thấy sự tai hại cho con người là chủ nghĩa quá mê mẩn bản thân. Hơn nữa trong nhà tù này kẻ thù không thể vào được. Một ngày kia thánh Antôn Cả thị kiến trong khoảnh khắc kẻ thù giăng vô vàn cạm bẫy khắp mặt đất, ngài vừa thở dài vừa nói: ‘Ai có thể tránh được các cạm bẫy này?’ Và ngài nghe tiếng đáp: ‘Này Antôn, sống khiêm nhường!’[10] Tác giả sách Gương Phúc viết: ‘Khiêm nhường ra không nâng người ta lên vì đã gắn bó với Chúa’[11]

Khiêm Nhường Trong Phục Vụ Tình Yêu

Chúng ta đã đề cập sự khiêm nhường trong sự thật của tạo vật trước Tạo Hóa. Lạ lùng thay điều đổ đầy tâm hồn làm Phanxicô ngưỡng mộ không những sự cao cả của Thiên Chúa mà còn là sự khiêm nhường của Người. Trong thủ bút Lời Ca Ngợi Thiên Chúa Tối Cao còn được lưu giữ tại Assisi, giữa những phẩm chất ‘Chúa là Đấng Thánh, Sức Mạnh, là Duy Nhất và Ba Ngôi, là Tình Yêu, Thương Mến, Khôn Ngoan…’Phanxicô đã thêm một cách bất ngờ: ‘Chúa là Đấng Khiêm Nhường!’ Đây không phải là danh xưng viết lầm nhưng Phanxicô đã thu thập sự thật sâu đậm nhất làm chúng ta ngưỡng mộ ngạc nhiên.

Thiên Chúa khiêm nhường vì là Tình Yêu. Đối với thụ tạo người Thiên Chúa thấy con người thiêu thốn mọi bề, không chỉ là tạo vật hữu han mà còn khư khư lập rào cản quanh mình. Nếu người ta như đã từng, chối từ tình yêu Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn không muốn lấy quyền can thiệp để áp đặt chính Mình cho họ. Thiên Chúa không làm gì được ngoại trừ tôn trọng tự do chọn của con người. Đúng hơn, phương thức bảo vệ chính mình và bảo vệ con người cho thoát khỏi vong thân, sẽ là yêu thương nữa và mãi mãi, đến muôn thuở. Tự bản chất, tình yêu tạo nên sự tủy thuộc và tùy thuộc tạo nên khiêm nhường. Chúa cũng vậy, thật nhiệm mầu.

Tình yêu giúp hiểu sự khiêm nhường của Thiên Chúa: người ta cần một chút quyền lực để tỏ ra ta đây, nhưng người ta cần nhiều quyền lực hơn để đặt mình ra sau, để hủy mình đi. Thiên Chúa có quyền năng vô biên để ẩn mình và như thế Người tỏ mình trong biến cố Nhập Thể. Ta được chứng kiến Chúa biểu lộ sự khiêm nhường bằng chiêm ngắm Chúa Kitô quỳ xuống trước các môn đệ rửa chân cho họ, ta có thể hình dung chân họ đầy bụi bặm, và còn hơn nữa Chúa hủy mình đến tận cùng trên thập tự, Chúa tiếp tục yêu thương và không bao giờ kết tội ai.

Phanxicô cảm nhận rất mật thiết giữa sự khiêm nhượng của Chúa và mầu nhiệm Nhập Thể. Đây là đôi lời bừng lửa của thánh nhân:

‘Hãy xem, Chúa hạ mình mỗi ngày, khi từ thiên tòa Chúa ngự xuống lòng Đức Trinh Nữ. Mỗi ngày Chúa đến với chúng ta trong phong thái khiêm nhường. Mỗi ngày từ lòng Cha, Chúa ngự trên bàn thờ trong tay linh mục’[12] Ôi lòng khiêm nhường tuyệt diệu! Ôi sự tuyệt diệu khiêm nhường đến nỗi Chúa cả trời đất, Chúa và là Con Thiên Chúa, đã khiêm nhường thẳm sâu đến ẩn tàng chính mình dưới hình bánh đơn sơ vì phần rỗi chúng ta! Hỡi anh em, hãy chăm chú vào lòng Chúa khiêm nhường và mở tâm lòng ra đón Người’[13]

Chúng ta vừa khám phá lý do thứ hai làm cho thánh Phanxicô khiêm nhường: gương lành của Chúa Kitô. Cùng một lý do thánh Phaolô chỉ cho dân Philipphê khi Ngài khuyên hãy có những tâm tình giống Chúa Kitô Giêsu, Đấng ‘hạ mình và vâng phục cho đến chết’ (Pl 2:5.8) Đối với thánh Phaolô chính Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ học theo lòng khiêm nhường của Người: ‘Hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường!’ (Mt 11:29) Chúng ta có thể tự hỏi Chúa Giêsu dạy chúng ta bắt chước Người khiêm nhường như thế nào? Chúa Giêsu đã khiêm nhường thế nào? Theo dõi suốt Tin Mừng chúng ta không thể tìm thấy một lỗi nhỏ nào trong lời Chúa nói, khi Chúa trao đổi với mọi người hay khi Chúa thưa truyện cùng Chúa Cha. Điều ấy cách nào đó là một trong những bằng chứng tuy rất kín đáo nhưng lại rất thuyết phục về Thiên Tính của Chúa và sự thống nhất tuyệt đối của ý thức của Chúa. Không vị thánh nào, không một vĩ nhân nào trong lịch sử và không một nhà sáng lập tôn giáo nào có được cõi lòng trong suốt như vậy.

Mọi kiến thức, ít nhiều, đếu có những sai phạm hay có điểm nào đó cần được khoan dung, chỉ trừ kiến thức bởi Chúa. Chẳng hạn, Gandhi ý thức rất sâu sắc trong một số trường hợp đã quyết định sai lầm nên ông lấy làm tiếc. Chúa Giêsu không bao giờ như vậy. Người từng nói với các đối thủ: ‘Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?’ (Jn 8:46) Chúa Giêsu công bố Người ‘là Thầy và là Chúa’ Jn 13:13), trổi vượt Abraham, Môsê, Giôna, Salômon. Vậy ta học điều gì nơi sự khiêm nhường của Chúa Giêsu là Đấng từng nói ‘Hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường!’ (Mt 11:29)?

Ở đây chúng ta khám phá điều quan trọng. Khiêm nhường chủ yếu không hệ tại sự bé nhỏ thấp kém. Người ta có thể bé nhỏ thấp kém mà không khiêm nhường. Khiêm nhường cũng không chủ yếu hệ tại sự cảm nhận mình bé nhỏ thấp kém, vì người ta có thể cảm nhận mình bé nhỏ thấp kém và thực sự là như vậy và khách quan có thể là như vậy nhưng chưa phải là khiêm nhường, chưa kể cảm thức bé nhỏ và vô nghĩa bắt nguồn từ mặc cảm tự ty và dẫn tới co cụm về mình hay thất vọng, hơn là khiêm nhường. Do đó Khiêm nhường, tự thân, chính xác nhất không phải là bé nhỏ thấp kém, cũng không phải là cảm nhận hay tuyên bố mình bé nhỏ thấp kém. Khiêm nhường là làm cho mình nên bé nhỏ thấp kém, không vì bất cứ nhu cầu hay lợi lộc cá nhân, nhưng vì tình yêu mến để ‘nâng cao’ người khác lên.

Đó chính là lòng khiêm nhường của Chúa. Người làm cho mình thật nhỏ bé, thật sự tới mức hủy mình ra không cho chúng ta. Khiêm nhường của Chúa Giêsu là khiêm nhường xuống từ Thiên Chúa nên có mẫu hình trong Thiên Chúa chứ không nơi nhân loại. Ở vị thế của Thiên Chúa, Thiên Chúa không thể ‘nâng cao chính mình’, không thể có mảy may gì trên Chúa. Nếu Thiên Chúa ra bên ngoài Mình và thực hiện điều nào đó bên ngoài Chúa Ba Ngôi, điều ấy không thể là gì hơn là hạ Mình và lảm cho Mình bé nhỏ thấp kém. Nói khác, Người chỉ có thể khiêm nhường, hay theo một số Giáo Phụ Hy Lạp, là synkatabasis, nghĩa là hạ cố xuống.

Thánh Phanxicô coi ‘Chị Nước’ mhư biểu tượng khiêm nhường, mô tả nước ‘hữu dụng, khiêm nhường, cao quý và thanh khiết’. Thực sự, nước chẳng bao giờ nâng mình lên, hay trèo lên, nhưng luôn luôn chảy xuống, cho tới khi tới mức thấp nhất. Hơi nước lại bốc lên cho thấy tại sao là biểu tượng truyền thống cho sự kiêu hãnh và phô trương. Nước chảy xuống, do đó là biểu tượng của khiêm nhường.

Đến đây chúng ta hiểu lời Chúa Giêsu: ‘Hãy học với Tôi vì Tôi khiêm nhường’. Đây là lời mời làm cho mình nên bé nhỏ vì tình yêu, như Chúa đã nói, rửa chân cho anh em. Hơn nữa nơi Chúa Giêsu chúng ta thấy đây là sự chọn lựa nghiêm chỉnh. Thực chất đó không phải là đi xuống và lảm cho mình nên bé nhỏ khi này khi khác, như một vị vua quảng đại hạ mình đến giữa dân chúng và có lẽ cũng phục vụ họ một số việc. Nhưng Chúa Giêsu làm cho mình nên bé nhỏ bằng ‘làm người’, và như vậy triền miên cho đến cùng. Chúa chọn thuộc về loại bé nhỏ và khiêm nhường.

Chân dung mới của khiêm nhường được tóm gọn trong một lời: phục vụ. Chúng ta đọc trong Tin Mừng, một ngày kia các tông đồ tranh luận xem giữa họ ai ‘lớn nhất’. Chúa Giêsu ‘ngồi xuống’ (biểu lộ mạnh mẽ hơn sự quan trọng của bài học Người sắp dạy), gọi nhóm Mười Hai lại với Người và nói cho họ: ‘Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người’ (Mk 9:35) Ai muốn ‘đầu’ phải làm ‘chót’, nghĩa là phải đi xuống, phải hạ mình. Và Chúa giải thích ngay làm chót là gì: phải là ‘người phục vụ’ mọi người. Như thế lòng khiêm nhường Chúa Giêsu tuyên bố là phục vụ. Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, bài học này được củng cố bằng gương lành: ‘Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ , nhưng là để phục vụ’ (Mt 20:28)

Giáo Hội Khiêm Nhường

Chúng ta hãy rút ra một số nhận định thực tiễn về đức khiêm nhường trong những biểu hiện của nó, trong tương quan với Thiên Chúa và tương quan với con người. Chúng ta không nên viển vông nghĩ rằng chúng ta đã đạt sự khiêm nhường chỉ nhờ lời Chúa đã giúp ta khám phá mình là không và đã tỏ cho ta thấy cần thể hiện trong phục vụ huynh đệ. Chúng ta chỉ thực sự đạt khiêm nhường khi biết chuyển từ ta sang người khác, nói rõ hơn, khi không nguyên ta nhận biết khiếm khuyết và lỗi lầm của mình, nhưng cả những người khác cũng nhận biết; khi không chỉ chúng ta nói lên sự thật, mà còn vui vẻ để người khác nói lên nữa.Trước khi chấp nhận cho thầy Matteo coi mình như người xấu nhất, Phanxicô đã chấp nhận một cách vui vẻ và lâu dài bị nhạo cười, bị coi như người vô ơn, như kẻ chẳng bao giờ làm được cài gì tốt trong đời bởi các bạn hữu, thân nhân và cả thành Assisi.

Chúng ta bắt đầu thấy cuộc đấu tranh chống lại tánh phô trương, trong cách ta ứng xử, với người ngoài hay trong lòng, khi ta bị công kích, bị sửa lưng, bị chỉ trích hay bị lãng quên. Âm mưu tiêu diệt thói phô trương của người khác bằng làm người ấy đấu tranh chống lại mình, không cần hỗ trợ từ bên ngoài, tựa như dùng tay của chính người để hại người: người ta không bao giờ hại mình, giống như một bác sỹ không thể tự giải phẫu khối u của mình.

Khi ta tìm khen ngợi từ người khác về những điều ta nói hay làm, thì cũng giống như người ấy muốn tôi khen ngợi vì cách họ lắng nghe hay trả lời. Như thế, ai cũng tìm cái vẻ vang cho mình nên không ai tìm được cả hoặc nếu ngẫu nhiên một người có thì đó chỉ là vinh vang hão nghĩa là trống rỗng, sẽ tiêu tán như mây khói theo với cái chết. Hơn nữa, hậu quả cũng ghê gớm. Chúa Giêsu cho thấy không thể tin được người tìm vinh quang cho mình. Chúa nói với người Pharisêu: ‘Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa, thì làm sao các ông có thể tin được? (Jn 5:44)

Khi chúng ta thấy mình bị sập bẫy muốn và thèm khát vinh quang nhân loại, chúng ta phải tung vào đám tư tưởng hỗn độn ấy những lời tựa như ngọn đuốc cháy bừng mà chính Chúa Giêsu đã dùng và để lại cho ta: ‘Tôi không tìm vinh quang cho mình!’ (Jn 8:50) Cuộc chiến đấu để đạt khiêm nhường trải dài suốt đời và mở rộng tới mọi phương diện. Kiêu hãnh có thể tự sống, dầu tốt hay xấu. Thưc sự, để chống lại các tật xấu, không phải cái xấu mà chính cái tốt là mảnh đất thuận lợi cho thứ ‘virus’ tai hại này phát triển. Triết gia Pascal đã viết những dòng sâu sắc:

‘Cái phù phiếm bám rễ sâu trong lòng người đến nỗi dầu là người lính, một đầy tớ trong quân đội, một người làm bếp, một người khuôn vác…đều phô trương và muốn có những người hâm mộ mình và chính các triết gia cũng vậy. Và những người viết chống lại thói vinh vang lại muốn khoe khoang tài viết, người đọc lại khoe khoang đã đọc họ và tôi đây, kẻ viết những dòng này, có lẽ cũng âm ỉ ước muốn ấy và có lẽ cả những người đang đọc tôi đây.’[14]

Người ta không thể lớn lên trong kiêu hãnh, Thiên Chúa thường cột họ vào cái cọc trên mặt đất, Người đặt bên cạnh họ, như Người đã nói cho Phaolô, ‘một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi’, ‘một cái dằm đâm vào thân xác tôi’ (2Co 12:7) Chúng ta không biết đích xác ‘cái dằm đâm vào thân xác này’ là gì nơi thánh Tông đồ, nhưng chúng ta biết rõ nó là gì nơi chúng ta! Bất cứ ai muốn theo Chúa và phục vụ Giáo hội đều có nó. Đó là những hoàn cảnh về những sự việc đáng xấu hổ của một người mà chúng thường trở lại trong ký ức, đôi khi suốt ngày đêm. Đó có thể là một khuyết điểm, một chứng bệnh, một yếu đuối, một sự bất khả, một hoàn cảnh như Chúa ‘bỏ rơi’ giữa bao lời tha thiết nguyện cầu, những cơn cám dỗ triền miên và gây xấu hổ, có lẽ thực sự, đều là những cám dỗ về kiêu hãnh. Đó là người mà ta buộc phải sống chung và bất chấp đôi bên cùng nghiêm túc, người ấy phơi bày sự mỏng dòn của ta, làm tiêu tan sự kiêu hãnh của ta.

Tuy nhiên, khiêm nhường không phải là một nhân đức dành cho cá nhân. Khiêm nhường cần phải tỏa sáng trong Giáo hội như hiến chương của dân Chúa. Nếu Chúa khiêm nhường, Giáo hội cũng phải khiêm nhường. Nếu Chúa Kitô phục vụ, Giáo hội cũng phải phục vụ và phục vụ vì tình yêu. Giáo hội xét như một toàn thể đã từng lâu đời trình bày trước thế giới sự thật về Chúa Kitô, nhưng có lẽ trình bày chưa đủ về lòng khiêm nhường của Chúa Kitô. Nhờ lòng khiêm nhường hon là thái độ hộ giáo mà những đối kháng và những thành kiến được hòa giải và con đường trở nên bằng phẳng cho việc đón nhận Tin Mừng.

Có một giai thoại của cuộc đời một thầy nhà Manzoni hàm chứa chiều sâu tâm lý và sự thật Tin Mừng. Thầy Christopher, khi vừa xong nhà tập, quyết định xin lỗi công khai cha mẹ của một người trước khi thầy đi tu đã giết chết trong một cuộc thách đấu. Cả gia đình ấy đứng dàn hàng, tựa như cuộc chiến tại Caudine Forks, nhằm làm sỉ nhục thầy bao nhiêu có thể và cho hả dạ nỗi kiêu hãnh của gia đình. Nhưng khi họ nhìn thấy thầy dòng trẻ bước tới cúi đầu, quỳ gối trước người anh em của nạn nhân đã bị chết và xin tha thứ…thì sự kiêu hãnh của gia đình tiêu biến, chính họ là những người cảm thấy lúng túng và lại xin tha thứ…đến nỗi cuói cùng tất cả vây quanh thầy dòng để hôn kính bàn tay thầy và cùng với thầy cầu nguyện.[15] Đó là phép lạ của lòng khiêm nhường.

Trong sách tiên tri Zephaniah Thiên Chúa phán: ‘Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ. Chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa’ (Zeph 3:12) Lời này vẫn mang tính thời sự và có lẽ đem lại thành công cho cuộc loan Tin Mừng và sự dấn thân của Giáo hội cho cuộc loan Tin Mừng phải dựa trên tinh thần ấy.

Giờ đây, trước khi kết thúc chính tôi phải nhắc mình nhớ một lời thân thương của thánh Phanxicô. Ngài thường lặp lai: ‘Hoàng đế Charles, Orlando, Olieviero, tất cả các chiến binh dũng cảm đem về vinh quang lưu danh lừng lẫy…Thế nhưng bây giờ có biết bao người chỉ biết nói tới các thất bại của họ mà lại còn muốn nhận danh dự và vinh quang từ người khác.’[16] Phanxicô dùng thí dụ này để nói rằng các thánh đã thực hành các nhân đức và biết bao người lại tìm vinh quang chỉ bằng kể lại chúng.[17]

Do đó tôi không muốn thuộc số người ‘chỉ kể lại’, tôi muốn cố công thực hành lời khuyên của Giáo Phụ xưa sống trong sa mạc, Isaac Nineveh, nói cho người có bổn phận rao giảng sự thiêng liêng điều mà Ngài chưa đạt được thuở sinh thời: ‘Hãy nói với tư cách một người làm môn đệ và không nói với uy quyền, hãy nói sau khi làm cho tâm hồn khiêm nhường và làm cho mình nhỏ bé hơn bất cứ ai đang nghe’. Với tinh thần ấy, thưa Đức Thánh Cha, quý Cha đáng kính, Anh chị em, con xin được mạo muội nói về lòng khiêm nhường.

Linh mục Raniero Cantalamessa

Linh mục Gioan chuyển ngữ

Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc

——————————————————-
[1] Paradiso, XI, 111
[2] St. Bernard of Clairvaux, Sermons on the Canticle, XVI, 10 (PL 183, 853)
[3] Những Bông Hoa Nhỏ, chương X
[4] S. Kierkegaard, The Moral Sickness, II, Ch. 2, tr. Works, published by C. Fabro, Sansoni, Florence 1972, pp. 662f.
[5] Admonitions, XIX (FF 169); Cf. Also St. Binaventure, Major Legend, VI, 1 (FF 1103).
[6] Considerations of the Sacred Stigmata. III (FF 1916)
[7] St. Augustine, Soliloquies, I. 1, 3; II. 1,1 (PL 32, 870, 885)
[8] St. Teresa of Avila, Interior Castle, VI dim., Chap. 10
[9] The Book of Blessed Angela of Foligno,  Quaracchi, 1985, p. 737
[10] Apophtegmata Patrum, Antonio 7: PG 65, 77
[11] Imitation of  Christ, II, chap. 10
[12] Admonitions I (FF 144).e
[13] Letter to the Whole Order (FF 221)
[14] B. Pascal, Pensées, n. 150 Br
[15] A. Manzoni, The Bethrothed, chap. IV
[16] Admonitions VI (FF 155)
[17] Celano, Second Life, 72 (FF1626)

Comments are closed.