Đã nhiều lần có những người từng yêu nhau say đắm rồi chia tay nhau trong dửng dưng hay trong oán hận. Tình cảm ban đầu của hai người hẳn là mãnh liệt và ngây ngất như nhau. Thế rồi hiện ra sự khác biệt về trình độ, khiến cho một người, qua nhiều cố gắng, trở nên mệt mỏi, xa cách và khinh bỉ, và khiến cho người kia cảm thấy lo âu, ghen tức và giận dữ.
Không gì chua xót hơn những cuộc xung đột giữa những người khám phá rằng mình xa lạ với nhau – dù vẫn còn liên kết trong nhừng thói quen hằng ngày. Họ mong chờ điều Vô Biên nơi nhau, say đắm trong hình ảnh vinh quang của chính mình qua ánh mắt của người kia, và việc chiếm hữu đã giết chết tình yêu của họ. Tâm hồn, qua một phản ứng khủng khiếp, đã cắt đứt những mối ràng buộc mà sự thu hút xác thịt đã kết lên, và tâm hồn ấy lại đi tìm một lối thoát mới mà hẳn là một sự cầm tù nghiệt ngã hơn, ngày nào lòng ham muốn chiếm hữu vẫn còn đến làm vẩn đục nguồn mạch của tình cảm.
Ta chỉ có thể thực sự hiệp nhất với một người khác khi nào ta cứu người ấy khỏi các giới hạn của họ và của chúng ta, mở ra một khoảng không gian vô tận cho một tình yêu đòi buộc người ấy phải không ngừng vượt qua bản thân mình, cùng như ta không thể tìm thấy chính mình nếu không xóa mình trong sự Hiện Diện huyền nhiệm là ánh sáng của tâm hồn.
Tinh thần chiếm hữu làm cho mọi sự trở nên mù mờ, và những ân huệ tốt đẹp nhất không thể sáng lên trong một con người tự nhốt kín chính mình. Dường như sự sống chỉ thực sự tuôn trào dưới dạng vị tha, trong một tình cảm được đổi mới từng giây từng phút, và trong mỗi người, mức độ cởi mở cũng tương ứng với nhân cách của mình.
Đấy là điều mà tín lý Kitô giáo đã minh họa một cách thật cảm động. Tín lý ấy khẳng định sự hiện hữu của Một Chúa Ba Ngôi gắn bó với nhau – xuất phát từ bản chất Thiên Chúa như những cực nhiệm mầu trong một cuộc trao đổi đời đời – và qua từng Ngôi Vị, sự sống Thiên Chúa chỉ tồn tại trong tương quan với hai Ngôi Kia, trong một tình thương biến toàn bộ Ngôi Vị ấy thành một tương quan sống động trong sự cởi mở vô biên của một sự hoà nhập vĩnh cửu: giống như một con chim, theo lời một thi sĩ, giờ đây chỉ còn là một đường bay.
Sự hiểu biết và tình yêu – mà thiếu chúng thì không thể nào có được đời sống thiêng liêng – đã đạt được nơi đây sự trong suốt tuyệt đỉnh với một sự phong phú vô song, thông biết mọi sự, Ta có thể rnói rằng hành động của mỗi Ngôi Vị mang một tinh thần vị tha hai mặt.
‘Biết’ đối với Chúa Cha là sự tác sinh vĩnh cửu ra Chúa Con, và đối với Chúa Con là việc tỏ bày Ngôi Cha cho đến muôn đời.
“Yêu” đối với Chúa Cha và Chúa Con là hơi thở sống động của Chúa Thánh Thần, và đối với Chúa Thánh Thần là một sự hiệp nất vô cùng với Chúa Cha và Chúa Con mà Người xuất thân nhưng vẫn không tách biệt.
Làm sao tìm được một sự ích kỷ cỏn con nào khi mà tất cả những gì làm nên cái tôi chỉ là một sức vươn đến tha nhân, khi mà mỗi Ngôi Vị là tương quan thuần túy và là tinh thần vị tha sống động ? Chẳng phải đấy là tình trạng hoàn toàn đối lập với thái độ chiếm hữu khiến cho tình yêu nhân loại phải khắc khoải và xen lẫn bao nhiêu bóng tối vào những tìm kiếm của tinh thần sao? Chẳng phải là chúng ta đang ở ngay cội nguồn của sự Nghèo Khó mà Phúc Âm từng chúc phúc sao ?
Vần đề đặt ra ở đây – chỉ cần nói thoáng qua thôi – không phải là tôn vinh và kéo dài sự bần cùng mà con người, vì ích kỷ, đã áp đặt một cách tàn nhẫn lên đồng loại mình, nhưng là khơi dậy trong tâm hồn, trĩu nặng vì những ham muốn, sự Nghèo Khó nội tâm, nhờ đấy con người tự ý truất hữu chính bản thân mình, hầu biến toàn con người mình thành một món quà sống động; sự Nghèo Khó theo Thần Khí mà thánh François d’Assise đả chọn làm hôn thê của mình, sự Nghèo Khó đồng nghĩa với Tình Yêu.
Sự hăng say từng thúc đẩy Người Nghèo kia đòi hỏi anh em mình và bản thân mình phải từ bỏ của cải vật chất; sự hăng say ấy chỉ là cách thể hiện biểu trưng cho tình yêu say đắm của Thiên Chúa đang đốt cháy trong tim ngài, khiến ngài yêu mến vị hôn thê nhiệm mầu mà ngài đã nhận lãnh từ tay của Đức Kitô trên thập giá. Sự Nghèo Khó thật sống động dưới mắt ngài, và sở dĩ ngài phó mình một cách tuyệt đối cho Nghèo Khó, ấy hẳn là vì sự Nghèo Khó đó mang gương mặt của Thiên Chúa.
Mạc khải trong sách Xuất hành ‘Ta chính là Ta” được hoàn tất trong mạc khải của Phúc Âm, mà Thư thánh Gioan đá tóm lược như sau:
“Phần chúng tôi, chúng tôi đã biết Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng tôi, và chúng tôi đã tin vào tình yêu đó: vì Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Sự thánh thiện vô cùng của Thiên Chúa tỏa rạng từ trung tâm vị tha có ba mặt, và đó là nơi mà sức sống của Thiên Chúa dựa vào và tồn tại.
Sự giàu sang khôn tả của Người là giàu bác ái, giàu ân sủng, và sự giàu sang đó chỉ tồn tại trong sự truất hữu muôn đời, nơi mà tương quan giữa các ngôi vị Thiên Chúa là một mầu nhiệm, giống như một kho tàng của sự khó nghèo. Cái khó nghèo mà ta nhìn thấy được nét huy hoàng vô tận khi ta hiểu rằng tình yêu đích thực thì không thể nào tách rời với tinh thần nghèo khó.
Chắc hẳn không phải tình cờ mà Đức Kitô đã bắt đầu bài giảng trên núi với Mối Phúc này: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”, bởi vì chúng ta chỉ có thể xây dựng triều đại của tình yêu mà Người đến thiết lập bằng cách tự ý truất hữu toàn bộ con người nội tâm và tự do của mình.
Chắc chán chúng ta không bao giờ đạt đến mức độ từ bỏ như trong mầu nhiệm Sự Sống Ba Ngôi, không bao giờ đạt đến ánh sáng muôn đời tồn tại trong Chúa Con, Ngài là hào quang của Chúa Cha, và Ngài chỉ là sự hào quang đó.
Nhân vị chúng ta là một tự thân, mà cần phải có một kỷ luật sống để giúp nó lớn lên từng ngày, nhưng sẽ không bao giờ đạt đến tinh thần vị tha hoàn hảo, trở thành một sức vươn tới thuần túy hướng đến tha nhân, và tha nhân ấy chính là toàn thể các Ngôi Vị Thiên Chúa: bởi lẽ các Ngôi Vị Thiên Chúa tuy khác biệt nhau nhưng có cùng một bản thể tuyệt đối của một hữu thể duy nhất và sống cùng một sự sống duy nhất.
Có lẽ vì sự qui tụ đó, vì cái mù mờ đó, – nghĩa là vì tất cả những điều ta không thể chiếm hữu được – nên chúng ta mãi mãi không thể nào hiểu được cho đến cùng sự trong suốt vô biên của Đấng Hiện Hữu, mà trong Người, sự sống từng Ngôi Vị chỉ là tình yêu trọn vẹn, sự vui thoả hoàn hảo và sự trao ban tinh ròng.
Tuy nhiên, sự sống ấy đã là của chúng ta, trong tầm mức mà lòng mình đáp trả những tiếng gọi thinh lặng của Vị Chủ chí ái của tâm hồn, và sự cao cả tuyệt đỉnh của chúng ta là được tham gia vào sự hiệp thông của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô nói:
“Anh em không biết ràng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí Chúa đang ngự trong anh em sao?”
Mầu nhiệm Ba Ngôi chính là Sự Sống hoàn hảo của Thần Khí, Đấng luôn luôn tác động. Dù vượt quá sức chúng ta, mầu nhiệm ấy cũng vẫn đang thể hiện nơi linh hồn chúng ta, cho phép chúng ta đón nhận sự Hiện Diện của Người hầu trở nên một trung tâm giống như Người, và giúp chúng ta trở nên như thể ở bên trong nhau.
Tình yêu đã được cứu, và hứa hẹn đưa đến với Đấng Vô Cùng và hướng về vĩnh cửu. Những người mà ta yêu thương, ở bên kia bức màn, những người đã nghỉ ngơi trong giấc ngủ an bình, trong sự ngay thẳng của một lương tâm mở rộng cho ánh sáng, những người ấy sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong chúng ta. Linh hồn của họ không thể nào ít gần gũi chúng ta hơn những linh hồn người sống. Cuộc trò chuyện với họ có thể kéo dài cho đến muôn đời, trong Ngôi Lời duy nhất, mà trong Người là Sự Sống.
Trong ánh sáng đó, có thể còn một người nào xa lạ với chúng ta chăng? Chúng ta có dám nói về người khác như thể họ ở bên ngoài chúng ta chăng? Khi mà Chúa Kitô đã cầu xin Chúa Cha trong lời kinh cuối cùng của Người:
“Xin cho họ nên một, như Cha và Con là một?”
Thánh Phaolô viết cho tín hữu Galat:
“Không còn Do Thái, Hy Lạp, nô lệ, tự do, không còn nam hay nữ, vì tất cả anh chị em là một trong Đức Kitô Giêsu”.
Chính trong sự hiệp nhất này mà đức ái có được ý nghĩa đích thực. Đức ái đó không phải là thứ bác ái khiến người ta ném cho kẻ nghèo một mảnh vụn dư thừa, hoặc nghiêng mình xuống ‘giai cấp bất hạnh’ trong khi vẫn chấp nhận một hiện trạng xã hội khiến cho giai cấp ấy vẫn tồn tại mãi; tuy cần thiết phải đem đến một giải pháp cấp cứu, dù cho tạm thời, cho những khổ đau mà hành động của một cá nhân không thể xóa bỏ căn nguyên. Đức ái đó phải là một đức ái khiến mình trở nên đồng hình đồng dạng với mọi con người trong Thiên Chúa, Đấng yêu thương họ và cư ngụ trong họ; trở nên đồng hình đồng với từng người một, mà đức tin dạy cho ta biết rằng họ là chi thể của Chúa Kitô và được trao phó để chúng ta yêu mến như thể họ là một Chúa Kitô khác.
Gia đình của chúng ta là thế giới, theo đúng nghĩa của chữ ‘công giáo’, nghĩa là ‘phổ quát’.
Một vị tử đạo đã nói:
“Trong mọi tỉnh thành, tôi đều có những đứa con trong Thiên Chúa”.
Ít ra chúng ta cũng phải thực hiện một điều gì đó trong sự phong phú tuyệt vời kia, bằng cách thanh luyện trái tìm mình nơi ngọn lửa của sự Nghèo Khó Thiên Chúa, trong tinh thần vị tha muôn đời của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Maurice Zundel