Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo

I. Vấn đề danh hiệu

Hằng năm Giáo Hội vẫn cử hành lễ kính thiên chức Nữ Vương của Mẹ Maria. Chúng ta xưng tụng Mẹ là Nữ Vương trang sức bằng vàng ròng đứng bên hữu Ngai Thiên Chúa. Phụng vụ nhắc chúng ta nhớ đến truyền thống có từ lâu đời, trước tiên ở Đông phương và sau đó ở Tây phương, ca tụng Mẹ Maria là đấng cao trọng hơn các Thiên thần và Tổng lãnh Thiên thần, bởi vì Mẹ đã mang trong lòng mình Đấng cả thế giới không thể chứa nổi.

Ngày nay rất ít quốc gia có vua nên không lạ gì một số người cho rằng nên bỏ tước hiệu đó đi. Họ nói rằng: “Vương tước là chuyện xưa quá rồi; cũng vậy đem gán cho Đức Maria tước hiệu Nữ Vương để sùng kính Mẹ là một cái gì của thời xa xưa. Tại sao không tập trung chú ý đến sự liên đới của Mẹ với người nghèo? Tại sao không trình bày năng lực và phẩm giá của Mẹ như một phụ nữ hơn là tặng cho Mẹ một tước hiệu mà Mẹ chưa bao giờ yêu cầu cho chính Mẹ”.

Trong bầu khí mà Vương quyền của Mẹ Maria bị đặt thành vấn đề thì không lạ gì nhiều người còn thấy tước hiệu Nữ Vương các thánh tử đạo thậm chí còn đáng nghi ngờ hơn nữa. Họ nói rằng Mẹ Maria đâu có hiến mạng sống mình trên Thánh Giá. Chỉ có Chúa Kitô thôi! Mẹ không chết để làm chứng cho đức tin. Người ta không thấy Mẹ trên pháp trường, trước mặt đao phủ, hay trong tù. Tốt hơn Giáo Hội hãy cứ tuyên xưng Mẹ là Đấng hồn xác lên trời. Họ còn nói: “Chúng ta gán cho Mẹ một tước hiệu mà Mẹ chưa bao giờ thừa nhận cho mình”.

Cũng phải nói thêm rằng các vị tử đạo chưa hẳn là được quý chuộng trong nền văn hóa của chúng ta. Thực vậy chính hạn từ đã bị mất giá. “Chơi trò tử đạo” có nghĩa là thổi phồng những sai lầm người ta làm cho chúng ta để chịu đau khổ, để kéo chú ý về mình và về những nỗi khốn cực của mình. Hiển nhiên là nền văn hóa của chúng ta đã quên mất gốc Hy Lạp của hạn từ đó. Chúng ta quên rằng tử đạo tự bản tính có nghĩa là chứng nhân.

Đáng buồn, phải thừa nhận rằng có quá ít người trong xã hội chúng ta có được cái nhìn đầy đủ về những vị tử đạo thực sự, những vị thư hùng đã hiến mạng sống mình cho Chúa Giêsu. Các vị tử đạo đã được phong hiển hay á thánh của các quốc gia khác nhau phải là niềm vui và là sự an ủi cho các Giáo Hội địa phương của chúng ta. Tuy nhiên, đối với những người đức tin còn yếu kém hoặc chưa có thì tấm gương của các vị tử đạo thường bị bỏ qua, sự hy sinh của các Ngài bị nghi ngờ. Nếu mục đích cuộc đời là tìm kiếm tiền bạc, quyền lực, hoặc các thú vui, thì việc tử đạo chỉ được xem là chuyện điên rồ, là nỗi khổ không đem lại ích lợi gì bên ngoài.

Tước hiệu “Nữ Vương các thánh tử đạo” cắt ngang nền văn hóa trần tục của chúng ta. Dó đó cần thiết phải thấu triệt tước hiệu đó một cách sâu xa hơn, tình thiết hơn.

Do đó chúng ta hãy nêu lên hai câu hỏi: Chúng ta có thể gọi Mẹ Maria là một vị tử đạo theo nghĩa nào? Và tại sao chúng ta xưng tụng Mẹ là vị tử đạo trổi vượt hơn mọi vị tử đạo? Tôi cho rằng cả hai câu hỏi đều được trả lời bên Thập Giá Chúa Giêsu.

II. Cuộc tử đạo của Mẹ Maria

Trải qua bao thế kỷ, nhiều tác giả đã suy tư không chỉ về nỗi sầu khổ Mẹ đã cảm nếm bên Thập Giá nhưng cũng về giá trị của Mẹ nữa. Trong bài giảng khai mạc tôi đã nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Pio IX nhấn mạnh đến sự kiện Mẹ Maria đứng bên Thập Giá: “Như một phụ nữ can trường Mẹ đã trèo lên đỉnh Golgotha… Mẹ rất thánh đã cất cao đầu đứng dưới chân Thánh Giá”.

Chúng ta có thể nói về “sự can trường dịu dàng” của Mẹ trước Thập Giá. Trái tim rách nát nhưng Mẹ vẫn tiếp tục đứng như một chứng nhân cho Đấng chịu đóng đinh. Mẹ tiếp tục làm chứng cho Chúa, Đấng mà xưa kia Mẹ từng ẵm bế trên tay! Thật vậy, thánh Ambrosio nói về Mẹ: “Đức Mẹ đã đứng trước Thập Giá trong khi các nam nhân bỏ trốn”.

Đây là giá trị mà chỉ duy người Mẹ mới có thể có. Có một cái gì đó tương tự mà người ta có thể xem thấy hằng ngày. Các bà mẹ vẫn ở lại bên con mình đang hấp hối bất kể những nỗi khổ khủng khiếp họ phải chịu. Họ tìm thấy sự can đảm để an ủi con cái mình đang chết đói hoặc đang trào máu từ các vết thương hoác miệng. Họ không kể nỗi khổ riêng họ là gì; tất cả vấn đề là họ phải đứng bên đứa con đang đau khổ.

Từ viễn cảnh đó Mẹ Maria đã dự phần vào tính chất can trường đặt biệt của các bà mẹ đối với con cái. Nhưng tại Golgotha có một cái gì đó xảy ra còn sâu xa hơn nữa. Mẹ Maria đã đem lại chứng từ cho chân lý được mạc khải trong cái chết của con Mẹ. Mẹ đứng như một chứng nhân cho tất cả điều Chúa đã nói và đã làm cho sứ mạng Ngài, sứ mạng kết liễu trong hy lễ “xóa tội trần gian”. Mẹ, người đã nghiền ngẫm những ý định và Lời Chúa trong tâm hồn, bây giờ đang làm chứng cho chân lý và quyền năng của thánh ý và Lời Chúa, khi Mẹ chịu đau khổ với Chúa Kitô bên Thánh Giá. Trước bất cứ môn đệ nào Mẹ đã chu toàn Lời Chúa: “Các con sẽ là chứng nhân của Thầy”.

Chúng ta hãy suy xét kĩ lưỡng hơn chứng từ can đảm của Mẹ Maria. Trước hết chúng ta hãy đặt chứng từ của Mẹ đối diện với sự nhút nhát của các tông đồ, là những người, trừ Gioan, đã bỏ trốn khi cái “giờ” của Chúa Giêsu đã đến. Mẹ Maria đã có mặt tại tiệc cưới Cana khi Chúa Giêsu hỏi: “Giờ tôi chưa đến”. Bây giờ giờ của Ngài đã đến, Mẹ lại có mặt không chỉ như một người mẹ bị làm phiền lòng nhưng như một môn đệ, Mẹ là người, hơn bất cứ ai, đã có thể tham dự trọng vẹn vào “giờ” của Chúa Giêsu. Peter John Olivi đã không ngần ngại nói rằng Mẹ Maria đã bị đóng đanh với Chúa Kitô. Mẹ Maria luôn hiện diện bên Chúa Kitô trong tất cả các mầu nhiệm của cuộc đời Ngài nên Mẹ không thể xa cách Ngài trong giờ lâm tử.

Mẹ chia sẻ “giờ” của Ngài với sự hiểu biết nội tâm sâu xa nhất. Mẹ Maria đứng trước Thập Giá với điều mà Thánh Phaolo gọi là “sự hiểu biết các mầu nhiệm”. Sự hiểu biết của Mẹ không phải là một sự hiểu biết theo lý thuyết, một lô những luận đề phân tích khó nhọc nhằm làm khuây khỏa niềm đau. Mẹ đem đến cho Thập Giá một sự hiểu biết trực giác sâu xa, một sự hiểu biết đồng cảm về sự thật và sức mạnh của Thập Giá, sự hiểu biết thực sự đưa đến kết hợp. Đối với Mẹ, kế hoạch bí mật dấu kín của Thiên Chúa đã được khai mở trong sự phong phú lòng lành và sự sung mãn quyền năng. Đối với Mẹ chúng ta có thể nói ngay rằng: “Phúc cho mắt các con vì đã được thấy, phúc cho tai các con vì đã được nghe”.

Hoặc như lời Paul Claudel:

“Tất cả những gì Đức Trinh Nữ đã học được trên lòng thánh nữ Anna tất cả các sách của Môsê và các tiên tri đều tập trung trong trí nhớ của Mẹ, tất cả các thế hệ từ Ađam Mẹ đều cưu mang trong lòng, lời hứa với Abraham và David, sự khôn ngoan của Salomon và Đaniel, khát vọng nóng bỏng của Elia và Gioan Tẩy Giả và tất cả những linh hồn đang cầu nguyện nơi u ngục – tất cả đều đã bắt đầu hô hấp, hiểu, nhìn xem và biết trong Trái Tim Mẹ dưới tia sáng sinh động của ân sủng”.

Như người coi giữ các mầu nhiệm của Thiên Chúa, Mẹ đứng giữa giây phút trọng đại của hai giao ước: mẹ tổng kết, tóm gọn các lời Chúa hứa cho Israel trong con người Mẹ: “Beata quae credidisti”. Như người trinh nữ của niềm tin và như mẫu gương của sự thánh thiện, Mẹ đứng ngay trên ngưỡng của một nhân loại mới đã được chuộc bằng máu của người con thần linh của Mẹ. Như Đức Thánh Cha Phaolo VI nói: “Mẹ đứng đó như biểu tượng thực tế và lý tưởng cho một nhân loại được Chúa Kitô tái sinh”. Mẹ Maria thâu tóm trong Trái Tim Hiền Mẫu Mẹ: “chiều rộng, dài, cao, sâu của tình yêu Chúa Kitô”.

Tôi tin đây là điều thánh Cyrillo thành Alexandria đã giải thích khi ngài sử dụng hạn từ “Martyrion Gnosticon” đối với Đức Maria. Có lẽ chúng ta có thể nói ngay về điều đó như cuộc tử đạo mầu nhiệm trong nội tâm Đức Maria.

Điều quan trọng chúng ta phải nhấn mạnh rằng Mẹ Maria đã thực sự chịu tử đạo. Thánh Bernado quả quyết Mẹ chịu tử đạo và Ngài nói thêm: “Mẹ còn hơn cả một vị tử đạo”. Điều mà Mẹ quý trọng trong trái tim, Mẹ đã tuyên xưng bằng cả cuộc sống. Sự hiểu biết của Mẹ không phải là một sở hữu riêng tư, một bí mật niêm phong, nhưng là một chân lý được khẳng định, được sống, được thực hiện ra bên ngoài. Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ Ngài rao giảng trên mái nhà điều mà họ đã nghe nơi kín đáo. Mẹ Maria còn làm hơn thế nữa. Mẹ không chỉ cao rao điều đó mà qua sự cầu bầu và gương sáng, Mẹ đã làm phát sinh điều đó nơi mỗi người chúng ta; Mẹ đem lại cho chúng ta sự hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Sự hiểu biết rất sâu xa ấy chính là sự kết hợp thực sự. Sự kết hợp rất thân thiết ấy chính là Chúa Kitô thực sự sống trong ta. Cả hai như là chứng từ đức tin và, như một người Má, Mẹ Maria tăng cường đức tin trong chúng ta, những người được Cha hằng hữu thừa nhận làm nghĩa tử.

Vì lý do đó, Mẹ Maria là một vị tử đạo. Mẹ là vị tử đạo trổi vượt, là Nữ Vương các thánh tử đạo! Chiều xưa ấy, đứng gần Thập Giá không ai đã thấy Mẹ Maria mà dám mơ tưởng tặng cho Mẹ danh hiệu Nữ Vương này. Những người phán đoán theo cái bên ngoài đã chỉ thấy Mẹ chịu đau khổ chứ không thấy được cái phẩm giá của Mẹ. Tuy là người phàm nhưng Mẹ sầu bi vẫn kiên vững bên con mình ngay cả khi Ngài kêu lên: “Lạy Chúa, Lạy Chúa, sao lại bỏ tôi?” Mẹ Maria có thể được gọi là “Nữ Vương” chỉ theo cái logic của Tin Mừng. Việc Mẹ tan hòa với lễ hy sinh của Người tôi trung đau khổ làm cho Mẹ đáng được danh hiệu “Nữ Vương”. Mẹ là Nữ Vương các thánh tử đạo vì mẹ làm chứng cho người tôi trung đau khổ, người đã bỏ mạng sống vì tình yêu. Mẹ là Nữ Vương bởi cuộc đời Mẹ đã báo trước những lời thánh Phaolô sẽ viết cho Timôthê: “ Đây là lời chắc chắn: ‘Nếu chúng ta cùng chết với Ngài, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài’”. Đó là cách hiểu đúng đắn về phẩm chức vương quyền của Mẹ. Phục vụ là cai trị.

Kết luận

Ngày nay Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: “Các con sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, khắp Giuđea và cho đến tận cùng trái đất”. Ơn gọi của chúng ta là lấy cuộc sống để rao giảng Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta làm cho hiện diện bằng Lời và bằng Nhiệm tích. Cho dù chúng ta có giữ trách nhiệm gì trong Giáo Hội đi nữa thì cũng chỉ có một điều thiết yếu duy nhất: là làm chứng cho Chúa Kitô! Chúng ta không thể chu toàn được việc đó nếu không có Mẹ Maria đứng bên và hiện diện trong chúng ta như một người Má và như chứng nhân tuyệt vời. Nhờ lời Mẹ cầu bầu chúng ta sẽ liên lỉ được nấp bóng Thánh Linh, Đấng thông ban và đổi mới trong chúng ta sự hiểu biết các Mầu nhiệm. Chúng ta cần phải có thứ tri thức tặng sinh và tiềm mật như thế, đó là một hỗn hợp giữa hiểu biết yêu thương và đau khổ phát xuất từ đức tin. Trái tim chúng ta phải được đốt cháy bằng lửa của Thánh Linh để không bao giờ ngần ngại phát biểu chân lý trong tình yêu. Tâm hồn chúng ta phải được liên kết – thật vậy được tan hòa – với các mầu nhiệm tặng sinh mà chúng ta cử hành khi dâng hy lễ Canvê và bước vào cuộc phục sinh thánh phúc của Ngài. “Các con sẽ là chứng nhân của Thầy”. Toàn bộ cuộc sống ta là để phục vụ các mầu nhiệm, và Đức Maria Nữ Vương các thánh tử đạo cùng đứng với chúng ta cũng như với Con của Mẹ!

Đức Hồng Y James Hickey
(Trích trong Đức Maria dưới chân thập giá. Bài giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Giáo triều)

Comments are closed.