Những Tôn Giáo Không Thiên Chúa

           Đa số các tôn giáo đông phương đều không coi việc hiện hữu của Thiên Chúa là cần thiết trong việc giải thích thế giới và giúp con người đối diện với thế giới…

           Họ đứng thẳng, mình trần, trải qua hàng giờ bất động trong tư thế kayotsarga: đôi tay nhẹ nhàng buông lỏng, mắt chăm chú vào một điểm ở đỉnh mũi. Họ không phản ứng trước cái nóng hay những côn trùng đang hành hạ tấm thân gầy gò do khổ hạnh hết sức. Rồi từ giã buổi trầm tư để hành trình qua những con đường ở Ấn Độ, họ cẩn thận quét trước mỗi bước đi, để khỏi giết hại, cho dù gián tiếp, một sinh vật nào đó. Đó là phong tục của những tu sĩ Kỳ-na giáo, thuộc phái digambara. Cũng như tất cả các tín đồ Kỳ-na giáo, cuộc sống của họ tuân theo rất nhiều cấm kỵ trong việc ăn uống, nghề nghiệp, tính dục, tất cả đều chú tâm vào việc tuyệt đối tôn trọng sinh vật.

           Rất đạo đức, nhưng họ không nghĩ phải tuân theo một thánh luật nào. Tôn giáo này cũng không đặt vấn đề về một Thiên Chúa hay một Thực thể siêu việt tạo dựng thế giới, hay đang can thiệp vào việc Cứu độ sinh linh. Trong các đền thờ, họ cầu nguyện với 24 vị thần Jina, tức là những con người đã được “thần hoá”, vì đã đưa ra chân lý vốn hiện hữu từ trước: sự cứu độ, tức là giải thoát khỏi kiếp luân hồi, nhờ nỗ lực cá nhân mà mỗi người đều có trách nhiệm. Nhờ thực hành những hành động và tư tưởng, tích cực hay tiêu cực, các tín đồ Kỳ-na giáo được Sallekhana, tức là hoàn toàn xóa bỏ chính mình. Vô vi là cái giá để được cứu độ.

           Vô thần tôn giáo không phải riêng gì của Kỳ-na giáo. Đây là một dòng tư tưởng lớn trong các tôn giáo Đông phương: thực vậy, phần đông các tôn giáo tại đây không thấy cần phải nhận hiện hữu một Thiên Chúa để giải thích thế giới, và giúp con người đối diện với thế giới. Một câu chuyện được gán cho đức Phật về việc không quan tâm tới vấn đề Thiên Chúa. Ngài kể rằng có một người bị thương bởi ngọn gươm tẩm thuốc độc. Anh chẳng còn sống được bao lâu nữa. Bạn bè lo lắng chạy chữa cho anh. Thế nhưng khi tỉnh lại, mối quan tâm đầu tiên của anh lại là lo hỏi han coi ai đã chém anh, gốc gác, gia cảnh của người đó thế nào, niềm tin của họ, thậm chí người đó mặc áo màu gì. Anh ta đã chết trước khi biết được điều đó. Tại sao anh không biết rằng trước hết phải lo chạy chữa vết thương thay vì cứ suy tư như thế. Ý câu chuyện này dạy rằng thay vì suy tư về nguồn gốc, tốt hơn hãy cố gắng chữa trị chính mình. Đức Phật đã có tới 84000 lời giảng dạy nhưng tuyệt nhiên không có lúc nào nói về thượng đế. Ngài xác định: “Bởi vì điều đó không cần thiết để đạt được Niết Bàn”.

           Theo giáo lý đức Phật, chỉ có một vấn đề đáng cho chúng ta quan tâm, đó là giải thoát khỏi những đau khổ do ước muốn và dục vọng gây ra. Sự giải phóng này là một công việc của cá nhân: mỗi người phải tự mình chiến đấu chống lãi những tình cảm của mình, “dập tắt” nó để thoát khỏi vòng luân hồi. Vòng luân hồi cũng bị qui luật tự nhiên của nghiệp quả chi phối, theo quy luật này, mọi việc làm đều mang theo nghiệp quả, khiến kiếp sau chúng sinh phải đầu thai vào hoàn cảnh hạnh phúc hay đau khổ hơn, tùy theo việc làm ở kiếp trước. Trong bối cảnh đó, Thiên Chúa là không cần thiết. Dennis Gira giải thích: “Qui luật nghiệp quả không liên quan gì tới sự phán xét của một thiên chúa nào đó là vị kiểm soát các cách sống đạo đức của con người. Không có phán xét, không có tha thứ. Chỉ có nghiệp quả và không ai thoát ra khỏi qui luật khắt khe của nó”. Cũng chẳng có thần thánh, họ cũng chỉ là những con người như bãn và tôi nhưng tạm được tái sinh thành thần thánh, để thưởng công cho những công việc trong kiếp trước của họ. Ông giải thích “khả năng họ đầu thai vào một kiếp ít may mắn hơn vẫn có thể, tùy theo những hành vi xấu trong một quá khứ xa gần trước đây”.

           Thần đạo nhận có 800 vị thần Myriades mà họ gọi là Kami. Mỗi vị thần được gọi tên tùy theo vị trí nơi thần ngự trị. Do đó có thần táo, thần thực phẩm, thần phòng trang điểm, thần trường thi, thần cây cối, thần đá. Các Kami sống trong một thế giới song song với thế giới này, do đó các vị có thể liên hệ với con người khi các vị được kêu cầu. Nhưng công việc của các vị rất nghiêm túc. Đúng hơn các vị giống với các thần hoặc các năng lực hợp với các vị. Không ai nhận các vị có vai trò nào trong việc sáng tạo thế giới, các vị cũng không can thiệp vào sự cứu độ, một khái niệm vắng bóng trong thần đạo. Các tín đồ thần đạo không nhận một Thiên Chúa viết hoa. Họ là những người vô thần theo lược đồ đông phương.

           Phần đông người Trung Hoa cũng vô thần trước cả chế độ của Mao Trạch Đông. Tôn giáo bình dân của người Trung Hoa được xây dựng trên việc thờ ông bà, tổ tiên xa gần, và bên cạnh còn có vài “sức mạnh” khác, chẳng hạn như thần Núi, thần Sông, thần Bốn Phương. Khái niệm Trời rất phổ biến trong văn chương Trung Hoa, không gợi lên Thiên Chúa như nơi các tôn giáo độc thần: Trời là đấng sắp xếp từ thời tiết, và đời sống kinh tế của một xã hội nghề nông. Chính trong niềm tin thiếu vắng một vị thần trổi vượt đó mà phát sinh hai tôn giáo khác đồng thời tại Trung Hoa, tức khoảng thế kỷ V trước công nguyên, Khổng giáo hay còn gọi là đạo làm người, và Lão giáo với niềm tin vào sự sống bất tử.

           Đạo Khổng không tìm đến một thế giới thần thánh. Theo họ, cái thánh thiện là tất cả những gì trần thế nhất trong cuộc sống hằng ngày. Việc tôn kính ông bà cha mẹ là thánh thiện. sống công bằng đời này và tận tâm là thánh thiện. hai cột trụ trong đạo Khổng là lòng nhân-yêu người-và đức. Lễ nghi thờ kính chỉ dành cho Đức Khổng Tử, người đã đặt nền móng cho triết lý về cuộc sống…tuyệt nhiên không bàn về đời sau.

           Cùng thời, Lão Tử giảng dạy “tôn giáo về năng lượng”, cũng không nói tới Thiên Chúa. Tư tưởng chính trong Lão giáo là Đạo, một hư vô không thể định nghĩa hay gọi tên, là nguyên lý điều hành thế giới, vĩnh cửu và hiện hữu trong mọi vật như Thiên Chúa của tôn giáo độc thần. Nhưng Đạo trước tiên là một nguyên lý trong thiên nhiên, một yếu tố điều hành thời tiết nhờ đó phát sinh việc sáng tạo, khởi từ một hệ thống phức tạp những luồng gió năng lương. Lão giáo hướng đến sự bất tử của thân xác và hồn, tức là hòa nhập vào Đạo. Điều này được thực hiện bằng một tác động dường như máy móc trên các năng lực cơ thể…dĩ nhiên với điều kiện là nghiêm túc tuân theo những qui luật rất khắt khe trong cuộc sống. bởi vì Lão Tử đã nói rằng việc cứu độ được thực hiện qua thân xác.

Djénane Kareh Tager

Giáo Sĩ chuyển dịch

trong Báo Dân Chúa 05/2010

Comments are closed.