Trong chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Truyền Chức, dạy các môn đệ cung cách phục vụ khiêm hạ và truyền ban giới luật yêu thương. Người không chỉ thiết lập và truyền dạy mà thôi, nhưng đã sống, đã hiến tế trọn vẹn và yêu thương đến cùng.
Thánh Gioan thuật lại: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Sau đó, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Người báo trước Giuđa sẽ phản bội, loan báo các môn đệ bị bách hại, loan báo Thánh Thần sẽ đến, cầu nguyện với “lời nguyện hiến tế” và bước vào cuộc thương khó.
Yêu đến cùng nơi Chúa Giêsu không chỉ biểu thị qua việc rửa chân, nhưng còn kéo dài cho đến hiến tế thập giá. Yêu đến cùng nghĩa là yêu đến vô cùng và yêu tột cùng. Yêu đến cùng cho thấy cuộc thương khó-tử nạn của Chúa Giêsu là hành vi tuyệt đối của tình yêu[1]. Cái chết của Chúa trên thập giá là tột đỉnh của việc Thiên Chúa quay ra đối nghịch lại với chính Ngài; trong đó, Ngài trao ban chính mình để nâng con người dậy và cứu rỗi con người. Đây là tình yêu ở dạng thức cao nhất[2]. Chúa Giêsu đã yêu thương và phục vụ đến cùng. Người đã cho đi đến giọt máu cuối cùng và từ cạnh nương long, Người làm tuôn trào mạch nước hằng sống. Người trao ban cho Giáo Hội Đức Maria làm từ mẫu và gửi trao Thánh Thần trước khi thốt lên lời cuối cùng: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Cái chết của Chúa Giêsu không chấm dứt “mối tình” của Người dành cho Thiên Chúa Cha và cho nhân loại, cũng không làm nó “dang dở”. Chính nơi Nhiệm tích Thánh Thể do Người thiết lập, tình yêu của Thiên Chúa nhập thể liên kết tất cả chúng ta lại với Người, và Agapê cũng trở thành một thuật ngữ dành cho Bí tích Thánh Thể. Nơi đó, Agapê của chính Thiên Chúa đến với chúng ta bằng xương bằng thịt để tiếp tục kỳ công của Người trong và qua chúng ta[3]. Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục yêu chúng ta cho đến cùng, đến độ ban Mình và Máu Người cho chúng ta. Trong Hy Tế Thánh Thể, Giáo Hội khám phá sự biểu lộ trọn vẹn của tình yêu vô biên của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Chúa Giêsu, vì yêu chúng ta, đã chịu nạn, chịu chết và phục sinh vinh hiển, đem lại sự sống cho chúng ta và còn “ở lại cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Thánh Thể còn là bảo chứng cho vinh quang ngày mai. Ăn và uống tại bàn tiệc Thánh Thể là được hợp nhất với Đức Kitô và được nuôi dưỡng bằng tình yêu tự hiến và biến đổi của Chúa Ba Ngôi, vì thế, Thánh Thể là nếm trước sự viên mãn của ân sủng sắp đến[4]. Nơi Bí tích Thánh Thể, Đấng Emmanuel tiếp tục hiện diện và ở cùng gia đình nhân loại mọi ngày cho đến tận thế. Thánh Thể là dấu chỉ vĩnh cửu của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu nâng đỡ cuộc hành trình con người tiến đến sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Thánh Thể là một tình yêu trổi vượt hơn trái tim nhân loại. Khi mở lòng chiêm ngắm và kính thờ Thánh Thể, con người thấy mình được đắm chìm trong biển tình yêu mênh mông chảy tràn từ trái tim Thiên Chúa[5].
“Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Chúa Giêsu đã hiến thân trở nên lương thực để làm no lòng con người. Người còn tự nguyện trở thành kẻ nô lệ để phục vụ con người. Tất cả chỉ vì Người đã yêu và quá yêu con người. Chúa còn muốn kéo dài tình yêu của Người trong đời sống của mỗi người chúng ta. Chúa cũng muốn chúng ta trở nên tấm bánh nuôi dưỡng tha nhân; muốn chúng ta tiếp tục việc rửa chân mà Chúa đã làm để phục vụ con người và làm cho con người được sống và sống viên mãn (x. Ga 13,14).
Hãy tập yêu và hãy yêu như Giêsu!
TAM NHẬT THÁNH 2015
Martinô Ngô Hoàng Lâm, Khóa V.
[1] x. HOÀNG VĂN KHANH, Giáo trình Tin Mừng Gioan, tr.312.
[2] x. BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, số 12.
[3] x. BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, số 14.
[4] Thánh Thể, Bí tích của niềm hy vọng cánh chung, p.283.
[5] x. GIOAN PHAOLÔ II, Bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh 2001.