Trong bài đọc thứ nhất, thánh Luca nói với chúng ta về sự chạm trán giữa hai cộng đoàn hoàn toàn khác biệt. Ông Phêrô vừa tiếp nhận vào Hội Thánh một viên sĩ quan La mã, nghĩa là một người không giữ đạo Do thái, và phía bên kia, những người Kitô hữu vốn là những người Do thái tòng giáo vốn rất gắn bó với lề luật Môsê. Những người nầy muốn áp đặt cho người người ngoại trở lại các phong tục của lề luật Môsê như chính họ đang giữ. Nhưng họ trả lời: “Chúng tôi không có một chút liên hệ gì đến lề luật Môsê cả. Chính trong Đức Kitô mà chúng tôi trở về”.
Lề luật Môsê đánh dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử dân Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu đến, lề luật ấy không những không bị bãi bỏ, mà lại được kiện toàn. Với Ngài chúng ta đi vào một giao ước mới. Sự hiện diện của Ngài trong đời sống và trong thế giới chúng ta sẽ mang lại một cuộc đảo lộn hoàn toàn. Theo đạo mà chỉ tuân giữ những điều luật buộc và không làm những điều cấm đóan thì không còn đủ nữa. Giờ đây, chúng ta được mời gọi chìm sâu vào trong đại dương tình yêu ở trong Thiên Chúa. Nếu thực hiện được điều đó thì trong cuộc sống không còn điều gì giống như trước nữa.
Trong bài trình thuật sách Công vụ, thánh Luca cho biết rằng Hội Thánh không được sai đi để loan báo một lề luật, một nền luân lí hay để áp đặt các phong tục. Chắc chắn, lề luật và nền luân lí luôn là cần thiết, nhưng tự chúng không đủ để cứu độ chúng ta. Chính bởi đức tin vào Đức Kitô và trong tương quan đức tin với Ngài mà chúng ta nhận được ơn Cứu độ. Chỉ có Ngài là Đường, là Chân lí và là Sự sống của chúng ta. Vì thế, chỉ có Ngài là Đấng mà chúng ta phải đi theo và nghe Lời.
Là người Kitô hữu có nghĩa là để mình được thúc đẩy bởi Thần Khí của Chúa Giêsu trong mọi trường hợp. Nếu chúng ta để Ngài ngự trị trong chúng ta, nếu chúng ta coi Ngài như là người hướng dẫn cuộc sống, thì lúc bấy giờ, tất cả mọi sự đều đảo lộn, đời sống của chúng ta sẽ hòan toàn được biến đổi. Điểm qui chiếu của chúng ta không còn là một lề luật hay một nền luân lí như vào thời ông Môsê, nhưng là chính con người của Chúa Giêsu. Duy bởi nhờ Ngài thôi mà chúng ta được cứu độ.
Trong Hội Thánh, chúng ta là một gia đình lớn đã chọn đặt niềm tin tưởng vào Đức Kitô. Cùng nhau chúng ta sống theo ánh sáng của Ngài và đáp trả lời mời gọi của Ngài. Cùng nhau chúng ta được sai đi vào thế giới hôm nay để làm chứng cho công trình cứu độ của Ngài. Chính Chúa Giêsu đã yêu cầu các môn đệ của Ngài và qua họ, yêu cầu toàn thể Hội thánh: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Lời mời gọi ấy cũng gởi đến cho từng người trong chúng ta. Với tư cách là người Kitô hữu được rửa tội và được thêm sức, tất cả chúng ta đều được sai đi vào sứ mạng, cả khi chúng ta không có nhiều tài năng.
Hội thánh mà Chúa Giêsu sai đi, đó là toàn thể dân Thiên Chúa. Nó được hình thành từ những người thuộc mọi dòng tộc, văn hóa khác nhau, mọi khuynh hướng và phong tục khác nhau. Dù không đạt tới hoàn toàn, tất cả đều nỗ lực sống theo tinh thần Chúa Giêsu đều làm chứng cho Tin mừng của Ngài. Mối bận tâm sâu xa của chúng ta không phải là ơn cứu độ của riêng bản thân mình hay cuộc sống đầy đủ của mình. Ưu tiên của chúng ta phải là ơn Cứu độ cho tất cả mọi người, là xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, một thế giới con cái Thiên Chúa.
Hội Thánh phải mở rộng cửa tiếp đón mọi người, không chỉ những người đau yếu, những người xa lạ với những người trung thành trong đức tin, mà còn cả những người mới bắt đầu, những người tái khám phá đức tin và nhất là những người ở ngòai. Hôm nay, Thánh Luca cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không được phép áp đặt người khác phải sống như chúng ta. Chúng ta phải tôn trọng họ trong cách sống và sự khác biệt của họ. Điều thiết yếu không phải là trở về một truyền thống một thời tốt đẹp. Người Kitô hữu là người đã đặt đức tin và lòng tin tưởng của mình nơi Chúa Giêsu và đã dấn thân tiếp tục làm việc trong thế giới. Chúng ta có thể là những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa qua suốt cuộc đời của chúng ta, qua lời nói, cử chỉ, và tất cả những gì mà chúng ta làm cho người khác, đặc biệt cho những người nghèo hơn. Chính khi cố gắng yêu thương như Chúa Giêsu và cùng với Ngài mà chúng ta sẽ biểu lộ một điều gì đó về khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa.
Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc