LECTIO DIVINA
‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH_B, 09-5-2021
Ga 15, 9-17
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài hy sinh tính mạng cho chúng ta”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”
Tin Mừng hôm nay (Ga 15,9-17) thích hợp dùng làm bài giáo lý về biến cố Phục Sinh vĩ đại là việc Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc chúng ta. Tình yêu đích thực luôn có yếu tố hy sinh. Khuôn mẫu của tình yêu tự hiến tối thượng này là Chúa Giêsu, Mục tử nhân lành, người đã hy sinh mạng sống của mình cho các chiên của mình (x. Ga 10,11). Trong mùa Phục Sinh này, thật là tốt khi chúng ta tập trung chú ý vào hành động vĩ đại của tình yêu mà Vị Mục tử nhân lành đã thực hiện cho chúng ta qua sự hy sinh cứu độ của Ngài trên thập giá. Thánh Tôma More, một giáo dân tử đạo người Anh, khích lệ chúng ta: “Chúng ta hãy cứu xét sâu xa tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta, Đấng yêu thương những kẻ thuộc về mình cho đến cùng, đến nỗi, vì họ, Chúa sẵn sàng chịu đựng cái kết thúc đau đớn đó, và do đó tuyên bố mức độ cao nhất của tình yêu có thể có. Vì, như chính Ngài nói: ‘Không ai có tình yêu lớn hơn hơn tình yêu của người thí mạng mình vì bạn hữu’. Đây thực sự là tình yêu lớn nhất, chưa từng có ai có. Nhưng Đấng Cứu Độ chúng ta vẫn có một tình yêu lớn hơn, vì Người đã ban tình yêu của Ngài cho cả bạn và thù”. Thật vậy, Thiên Chúa là tình yêu xuất hiện trong con người của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã mang tình yêu hy sinh này đến sự hoàn hảo trong cái chết của Ngài trên thập giá và trong việc chỗi dậy vào cuộc sống mới.
Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho những “người thuộc về mình” được thể hiện qua cái chết trên thập giá, đã cung cấp nền tảng cho tình yêu giữa các môn đệ của Chúa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta những khía cạnh khác nhau của tình yêu này. Tình yêu Kitô giáo trước hết là sự tham dự vào tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Tình yêu Kitô giáo nảy sinh từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Tác giả Adrian Nocent nhận xét: “Khi nói về sự kết hợp của chúng ta với Chúa Giêsu, Chúa sử dụng các thuật ngữ tương tự như khi Chúa mô tả sự kết hợp của Ngài với Chúa Cha. Trong khi sự kết hợp của chúng ta với Chúa Giêsu chỉ là tương tự như sự kết hợp của Chúa Giêsu với Chúa Cha, thì tính đồng nhất của ngôn ngữ dùng, cho thấy mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa có thể trở nên rất gần gũi đến mức nào. Chính tình yêu kết hợp hai Ngôi Thiên Chúa – Cha và Con – được truyền đạt cho chúng ta”.
Tình yêu của người Kitô hữu ở trong tình yêu của Chúa Kitô, Đấng ra lệnh cho chúng ta: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Là môn đệ Đức Kitô, chúng ta phải nuôi dưỡng các phúc lành và sức mạnh sáng tạo mà tình yêu của Chúa Cha ban cho chúng ta. Chúng ta là những “người yêu dấu” của Đức Kitô. Chúng ta được mời gọi sống một đời sống yêu thương vâng theo ý muốn cứu độ của Chúa Cha, bằng cách noi gương Ngài, Vị Thầy thần linh và là Chủ Chăn của chúng ta. Các Kitô hữu ở lại trong tình yêu của Đức Kitô, sẽ “lắng nghe” Chúa Con ngay cả khi Chúa Con “lắng nghe” Chúa Cha. Ở mức độ phục vụ, các môn đệ Đức Kitô phục vụ trọn vẹn theo cách Đức Kitô đã làm, nghĩa là làm tôi tớ của Đức Giavê. Thật vậy, không có gì là hèn hạ trong việc phục vụ bằng tình yêu thương. Tuy nhiên, ở mức độ thân tình, các môn đệ Chúa Kitô không còn là nô lệ “vì nô lệ không biết việc chủ làm” (Ga 15, 15), nhưng các môn đệ Chúa Kitô là “bạn” vì Đức Kitô đã nói: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).
Tình yêu của Chúa Kitô, với niềm vui sung mãn chứa đựng trong đó, có một hàm ý quan trọng là mệnh lệnh luân lý của việc yêu thương nhau. Việc Thiên Chúa yêu thương đưa chúng ta vào một sự hiện hữu mới trong Chúa Giêsu và việc chúng ta không còn là nô lệ nữa, mà là bạn của Thiên Chúa, thúc đẩy chúng ta tuân theo mệnh lệnh tối thượng của Đức Kitô: “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu anh em” (Ga 15,12). Là những môn đệ yêu thương và phục vụ của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được kêu gọi vượt lên trên sự ích kỷ và những mối quan tâm đặt nhầm chỗ để đáp ứng nhu cầu của anh chị em mình. Chúng ta có thể được giúp đỡ trong việc này thông qua lời cầu nguyện. Madeleine Delbrel nhận xét: “Nếu không có lời cầu nguyện, chúng ta không bao giờ có thể yêu. Chính trong lời cầu nguyện, và chỉ cầu nguyện, Chúa Kitô sẽ bày tỏ chính mình cho chúng ta nơi mỗi người chúng ta gặp gỡ, bằng một đức tin ngày càng sắc bén và sáng suốt hơn. Chính trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể cầu xin ân huệ yêu thương mỗi người, một ân sủng mà không có nó, thì không thể có tình yêu. Chính việc mở rộng niềm tin và hy vọng bằng lời cầu nguyện sẽ dọn đường cho chúng ta khỏi chướng ngại vật nặng nề nhất đối với tình yêu, đó là sự lo lắng về bản thân”.
Cuối cùng, tình yêu Kitô giáo đòi hỏi một sứ mệnh tông đồ: “Thầy đã cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Ở trong cây nho ban sự sống, Chúa Giêsu Kitô thúc giục các môn đệ của Ngài đi đến tận cùng trái đất, loan báo Tin Mừng và sinh hoa kết trái thiêng liêng dồi dào của sự hoán cải và đức tin. Sứ mệnh “đi ra và sinh hoa kết trái” là kết quả của tư cách mới là “bạn hữu” của Chúa. Thật vậy, khi đi khai thác cho Thiên Chúa nguồn năng lượng của tình yêu và gặt hái mùa gặt thiêng liêng phong phú từ sự hy sinh của mình, các môn đệ Đức Kitô ghi nhớ mệnh lệnh của Thầy: “Hãy yêu thương nhau” (Ga 15, 17).
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Chúa Giêsu đã mạc khải chiều sâu tình yêu của Ngài khi thí mạng cho chúng ta. Chúng ta có sẵn sàng hy sinh như vậy không?
– Tôi làm thế nào để thực hiện mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em”?
– Yêu người lân cận như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Đây là lý tưởng của mọi Kitô hữu. Đâu là những việc làm cụ thể và thực tế của tôi cho thấy lý tưởng này?
– Tôi có phân biệt và chỉ yêu một số người, còn những người khác thì không?
– ‘Tất cả những gì Thầy đã nghe từ Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”. Đây là lý tưởng của cộng đoàn: đạt được sự minh bạch toàn diện. Làm thế nào để tôi sống điều này trong cộng đoàn của tôi, bao gồm cả gia đình?
– Bằng những ví dụ cụ thể, Chúa Giêsu ra lệnh cho tôi phải làm gì? Tôi thực sự làm được bao nhiêu?
– Điều răn của Chúa Giêsu chỉ dành cho một số người hoặc cho một số thời gian nhất định trong ngày hoặc trong tuần, hay là điều răn cho cả ngày, cho mỗi ngày?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Chúa Giêsu, Vị Thầy thần linh, con cảm ơn và chúc tụng Trái tim dịu hiền của Chúa, Trái tim đã thúc đẩy Chúa hiến mạng sống cho con. Những giọt máu của Chúa, những vết thương của Chúa, những roi đòn, những gai nhọn, cây thập giá, cái đầu gục xuống của Chúa đang nói với trái tim con: “Không ai yêu nhiều hơn người hiến dâng mạng sống của mình cho người mình yêu”. Người Mục tử đã chết để ban sự sống cho chiên. Con cũng muốn hiến dâng mạng sống của con cho Chúa. Xin Chúa hãy sử dụng con, mọi lúc, mọi nơi, và trong mọi sự, để Chúa được vinh danh hơn, và để con luôn có thể lặp lại: “Nguyện Ý Chúa được thể hiện”. Xin thiêu đốt trái tim con bằng tình yêu thánh thiện dâng lên Chúa và cho các linh hồn.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
Tôi dâng một hành động hy sinh phục vụ yêu thương cho “những người bạn” đặc biệt của Thiên Chúa: những người nghèo nhất trong những người nghèo.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.