Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXII-TN, 11-11-2020 Thánh Martinô, giám mục (Lc 17, 11-19)  “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài là đối tượng của lời tạ ơn”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Thứ Tư Tuần XXXII-TN, 11-11-2020

Thánh Martinô, giám mục

Lc 17, 11-19

 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài là đối tượng của lời tạ ơn”

1.   LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”

          Câu chuyện Tin Mừng hôm nay về việc chữa lành mười người phong cùi (Lc 17, 11-19) có ý nghĩa sâu xa hơn, khi được nhìn nhận như để chống lại thực tế tội lỗi là sự vô ơn, phụ bạc của con người, làm méo mó mối quan hệ con thảo của chúng ta với Thiên Chúa. Trong cuốn sách của mình, Ode to Joy (New York: Alba House, 1997, trang 237), Harold Buetow nhận xét rằng chúng ta thường giống như một người bà lẩm cẩm đang đi dạo với đứa cháu nhỏ của mình dọc theo bờ biển ở Bãi biển Miami, thì một con sóng lớn từ đâu đó xuất hiện, cuốn trôi đứa trẻ ra biển. Người phụ nữ già kinh hoàng khuỵu xuống, ngước mắt lên trời cầu xin Chúa cho đứa cháu trai yêu quý của bà trở về. Và, nhìn kìa, một con sóng khác nổi lên, rồi đem đặt trên bãi cát ngay trước mặt bà, một đứa trẻ đã bất tỉnh. Người đàn bà cẩn thận nhìn cậu bé. Cậu vẫn ổn. Nhưng rồi bà lại giận dữ nhìn chòng chọc lên bầu trời. Bà phẫn nộ quát, “Khi thằng bé đi, thằng bé có một cái mũ cơ mà!” Giống như người đàn bà vô ơn bạc nghĩa này, chúng ta cho rằng Thiên Chúa là Đấng ban phát sự phục vụ và Ngài mắc nợ chúng ta. Do đó, chúng ta không nhìn nhận món nợ là lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa.

          Thầy Giêsu thương xót đáp lại mười người phong cùi kêu cầu Ngài bằng một lời khẩn cầu mãnh liệt. Tiếng kêu tuyệt vọng trong Cựu Ước, “Ô uế, ô uế” được chuyển thành một “lời cầu nguyện” mới trước sự hiện diện của Chúa Giêsu, người đang trên hành trình vượt qua đến Giê-ru-sa-lem. Thay vì cảnh báo “Ô uế, ô uế” để cách ly bản thân khốn khổ của mình ra khỏi xã hội, mười người phong cùi đã mạnh dạn kêu cầu Chúa vì lòng thương xót và từ bi. Họ hét lên một “lời cầu nguyện” mới: “Lạy Thầy Giêsu! Xin thương xót chúng con!” Thầy Giêsu ra lệnh cho họ đi trình diện với các tư tế. Trên đường họ đi, họ nhận ra rằng họ đã được chữa lành.

          Người Samaritanô biết ơn, được chữa khỏi bệnh tật của mình, trở lại với Thầy Giêsu, suối nguồn thương xót và chữa lành. Sự trở lại của người Samaritanô biết ơn đánh dấu một đời sống mới của đức tin và sự thờ phượng tập trung vào con người của Chúa Giêsu, đối tượng đích thực của sự ngợi khen và lời tạ ơn. Người Samaritanô được chữa lành tôn vinh Thiên Chúa, không phải trong đền thờ Do Thái, nhưng trong con người của Chúa Giêsu. Trình thuật Phúc âm về sự chữa lành mười người phong cùi không chỉ cho chúng ta thấy một sứ vụ nhân từ khác của Chúa Giêsu, mà còn là một ví dụ về một đức tin được biến đổi thành sự vinh hiển và lời ngợi khen. Sự trở lại của người Samaritanô minh họa mối liên hệ mật thiết giữa đức tin và “sự tạ ơn”. Đức tin trở thành “Thánh Thể” – một hành động tạ ơn và thờ phượng nơi Thầy Giêsu.

2.   MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Đâu là những dịp trong đời, tôi cầu nguyện mãnh liệt nhất, “Lạy Thầy Giêsu! Xin thương xót chúng con!”?

–      Như thế nào, thì tôi là người phong cùi Samaritanô biết ơn, được chữa lành?

–      Như thế nào thì tôi là người phong cùi được chữa lành không trở lại với Chúa Giêsu?

–      Tôi có để cho mình được khuyến khích bởi những lời này của Chúa Giêsu: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”?

3.   ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

          Lạy Chúa Giêsu, chúng con kêu lên Chúa, là suối nguồn lòng thương xót. Xin thương xót chúng con và lấy đi những bệnh tật của chúng con. Xin khôi phục sức khỏe cho chúng con và cất đi bệnh phong cùi là tội lỗi của chúng con. Chúng con cảm ơn Chúa vì lời chữa lành của Chúa. Trong Chúa là sự toàn vẹn thực sự. Xin làm cho chúng con vui mừng trong Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.   CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn”

5.   ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–      Tôi cầu nguyện cho những người bị gạt ra bên lề và người đau khổ trong thế giới ngày nay.

–      Bằng những hành động bác ái, tôi làm giảm bớt sự đau khổ của họ và giúp họ biết ơn Chúa “bất kể điều gì”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.