Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh, 31-3-2021 Mt 26, 14-25 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài lãnh chịu phản bội và những sỉ nhục”

LECTIO DIVINA

‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’

Thứ Tư Tuần Thánh, 31-3-2021

Mt 26, 14-25

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài lãnh chịu phản bội và những sỉ nhục”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người”

          Tin Mừng hôm nay nói về sự phản bội Chúa Giêsu bởi Giuđa, một môn đệ của Chúa. Phản bội là tội ác tồi tệ nhất mà ta phạm phải hoặc trải qua. Nó xé nát chúng ta ở cốt lõi sự hiện hữu của chúng ta, và gây ra đau đớn, buồn sầu, nhục nhã và chết chóc. Giuđa phản bội Chúa Giêsu với giá 30 đồng bạc, chỉ bằng tiền bồi thường cho một đầy tớ bị giết. Mức độ nghiêm trọng của sự phản bội được nhấn mạnh bởi việc Giuđa chia sẻ cùng một đĩa với Chúa Giêsu, Đấng vẫn kiên định trong tình yêu của mình dành cho người môn đệ lầm lỗi này. Chúa vô cùng đau khổ và muốn cứu Giuđa khỏi hành động đê hèn của anh ta. Giuđa có cơ hội nhận ra tội lỗi của mình và quay về phía Chúa Giêsu trong hối tiếc. Nhưng Giuđa đã chọn hành động theo ý đồ xấu xa của mình, nên phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành động của mình.

          Phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng sự phản bội vẫn có thể xảy ra ngay tại bàn tiệc Thánh Thể. Hội Thánh mời gọi chúng ta trình bày với Chúa những khuynh hướng tội lỗi và những yếu đuối của chúng ta để chúng ta có thể có đủ sức mạnh hầu trung thành với Người Con-Tôi Tớ trong đau khổ vượt qua của Ngài. Sự suy niệm trong cầu nguyện sẽ giúp chúng ta ghê tởm tội phản bội.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Tôi có từng bị phản bội hay đã từng phản bội ai đó chưa? Động cơ của sự phản bội là gì? Tôi đã làm gì để chấn chỉnh mối quan hệ bị phản bội?

–      Những tình cảm nào được gợi lên trong tôi qua hình ảnh Người Tôi Tớ Đau Khổ, người đã tuyên bố: “Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng”?

–      Tôi rút ra được bài học nào từ sự bất bạo động của Chúa và sự Ngài tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa của mình?

–      Tôi có nhìn Chúa Giêsu Kitô như Người Tôi Tớ Đau Khổ đích thực và noi gương sự trung thành của Ngài với ý muốn cứu độ của Chúa Cha không?

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

          Lạy Chúa Giêsu, Người Tôi tớ Đau khổ của Thiên Chúa, Chúa vô cùng đau khổ vì sự phản bội của Giuđa. Chúng con cũng đã từng phản bội và chối bỏ tình yêu của Chúa. Chúa đã chia sẻ Mình và Máu của Chúa cho chúng con làm thức ăn và thức uống trong bữa ăn Thánh Thể. Nhưng những suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng con đã phản bội Chúa, vì chúng không phản ánh tình yêu tự hiến của Chúa dành cho chúng con. Chúng con cũng đã từng làm Chúa thất vọng khi chúng con từ chối yêu thương và chăm sóc những anh chị em thiếu thốn của chúng con, cũng như khi chúng con từ chối tha thứ cho những người có lỗi với chúng con. Lạy Chúa Giêsu mến yêu, chúng con hướng về Chúa với trái tim thống hối. Chúng con thuận theo ý muốn cứu độ của Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

          Nếu tôi đã phản bội lòng tin của người khác, tôi cố gắng khắc phục và chữa lành tình huống bị tổn thương này.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.