Lời Chúa Thứ Tư Tuần III-TN, 24-01-2024 Ngày VII trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất Mc 4, 1-20 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài gieo hạt giống Lời Chúa”

LECTIO DIVINA

Thứ Tuần III-TN, 24-01-2024

Ngày VII trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất

Mc 4, 1-20

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài gieo hạt giống Lời Chúa

1.LECTIO

Người gieo giống đi ra gieo giống

Tin Mừng hôm nay (Mc 4, 1-20) miêu tả Chúa Giêsu đang ngồi trong thuyền trên biển, với một đám đông dân chúng tụ tập trên bờ. Đám dân quê háo hức có khả năng mở lòng đón nhận lời của Chúa Giêsu. Chúa nói cho họ nghe dụ ngôn về người gieo giống và hạt giống. Hạt giống do người gieo xuống rơi trên đường đi, trên đá sỏi, giữa bụi gai và trên đất tốt. Trong ba trường hợp đầu tiên, không có gì xảy ra, nhưng trường hợp cuối cùng, đã có một vụ thu hoạch dồi dào. Thật vậy, nước Thiên Chúa đến, có nghĩa là sự dồi dào mọi điều tốt lành. Chúa Giêsu là người gieo giống, đã gieo dồi dào lời về Nước Trời. Hạt giống Lời Chúa được gieo một cách thừa bởi vì Chúa muốn nói với tất cả mọi người mà không phân biệt đối xử.

Thánh Gioan Kim Khẩu khẳng định: “Người gieo giống không phân biệt giữa các loại đất khác nhau; anh ta chỉ đơn giản là ném hạt giống xuống. Cũng vậy, Chúa Giêsu không phân biệt giàu nghèo, có học và thất học, bất cẩn và nhiệt thành, can đảm và nhút nhát. Lời nói của Chúa liên quan đến tất cả mọi người”. Mặc dù nhấn mạnh sự dồi dào vốn có của hạt giống Nước Thiên Chúa, dụ ngôn cũng nhấn mạnh trách nhiệm và sự đáp trả tích cực của những người lãnh nhận “hạt giống” lời Chúa. Chúng ta cần tin tưởng và cởi mở hơn với lời Chúa.

2.MEDITATIO
Tôi có biết ơn về sự tốt lành và quảng đại của Chúa Giêsu, Người Gieo Giống không ? Tôi có thực sự tin vào quyền năng của lời Chúa không ?
Tôi có kinh nghiệm gì với hạt giống ? Kinh nghiệm này giúp tôi hiểu Tin Mừng tốt hơn như thế nào ?
Tôi là loại đất gì ?
3.ORATIO

Lạy Chúa, con chai cứng như một tảng đá ; con trở nên như một đường đi ; gai góc của thế gian đã làm con chán nản, và khiến tâm hồn con không sinh hoa kết quả. Nhưng, lạy Chúa, Chúa là Đấng gieo vãi hạt giống thiện hảo, xin làm cho hạt giống Lời Chúa lớn lên trong con để con có thể sinh hoa kết trái ở một trong ba điều này: gấp trăm, gấp sáu mươi, hay thậm chí gấp ba mươi lần. Con cảm ơn Chúa, lạy Chúa Giêsu yêu thương. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Có những hạt rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả

5.ACTIO
Tôi cầu nguyện cho hạt giống Nước Trời có thể tìm thấy đất tốt là các tâm hồn thiện chí để phát triển và sinh hoa kết trái. Tôi chăm chú lắng nghe lời Chúa trong buổi nhóm phụng vụ và trong những biến cố hàng ngày của cuộc sống.
Tôi cầu nguyện cho các môn đệ Đức Kitô ngày nay trở nên những khí cụ của tình yêu thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Tôi thực hành các hành vi tha thứ trong cuộc sống hàng ngày của tôi.
Sống Ngày VII trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất, tôi thực hành lời dạy này của ĐTC Phanxicô :

Anh chị em thân mến,

“Trong Kinh Tin Kính chúng ta đọc ‘Tôi tin Một Giáo Hội…’, nghĩa là, chúng ta tuyên xưng rằng Giáo Hội là một và Giáo Hội nầy, trong chính nó, là hiệp nhất. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào Giáo Hội Công giáo trên thế giới chúng ta khám phá ra rằng nó có đến 3.000 giáo phận rải khắp trên tất cả các đại lục: rất nhiều ngôn ngữ, rất nhiều nền văn hóa! Tuy vậy hàng ngàn cộng đoàn Công giáo làm nên một sự hiệp nhất. Làm sao điều nầy có thể được ?

“Chúng ta tìm ra một câu trả lời tổng hợp trong giáo lý của Giáo Hội Công giáo, nó nói rõ rằng: Giáo Hội Công giáo lan rộng khắp thế giới “có duy nhất một đức tin, duy nhất một đời sống bí tích, duy nhất một sự kế vị tông đồ, một niềm hy vọng chung, một đức ái chung” (số 161). Hiệp nhất trong đức tin, trong đức cậy, trong đức ái, hiệp nhất trong các Bí tích, trong Sứ vụ: chúng tựa như những cột trụ nâng đỡ và giữ lại với nhau tòa nhà lớn của Giáo Hội. Bất cứ nơi đâu chúng ta đi đến, cho dù trong một giáo xứ nhỏ nhất, ở nơi một góc xó hẻo lánh nhất của trái đất nầy, có một Giáo Hội ấy; chúng ta đang ở nhà, chúng ta đang ở trong gia đình, chúng ta đang ở giữa những người anh chị em. Và đây là món quà tuyệt vời của Thiên Chúa ! Giáo Hội là một cho tất cả. Không có một Giáo Hội cho người châu Âu, một Giáo Hội cho người châu Phi, một Giáo Hội cho người châu Mỹ, một Giáo Hội cho người châu Á, một Giáo Hội cho những người sống ở châu Đại dương, nhưng là cùng một Giáo Hội ở khắp nơi. Nó tựa như xảy ra ở trong gia đình: một người có thể ở xa, rải rắc khắp thế giới, nhưng những mối ràng buộc sâu xa hiệp nhất tất cả mọi thành viên vẫn luôn vững chắc bất kể khoảng cách xa hay gần. Tôi nghĩ về kinh nghiệm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Rio de Janerio: trong đám đông bao la của các người trẻ trên bãi biển Copacabana, được nghe rất nhiều ngôn ngữ, được thấy những nét mặt rất khác biệt giữa họ, được gặp gỡ nhiều nền văn hóa khác nhau, tuy nhiên vẫn có một sự hiệp nhất sâu xa, một Giáo Hội duy nhất được hình thành, đã có sự hiệp nhất và nó đã được cảm nhận. Tất cả chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi có cảm nhận được sự hiệp nhất nầy không ? Tôi có sống sự hiệp nhất nầy không ? Hay là tôi không quan tâm bởi vì tôi đã đóng kín trong cái nhóm nhỏ của tôi hay trong chính mình tôi ? Có phải tôi là một trong những người muốn ‘riêng tư hóa’ Giáo Hội cho chính phe nhóm của riêng tôi, cho quốc gia của tôi, cho bạn bè của tôi? Khi tôi nghe rằng rất nhiều Kitô hữu trên thế giới đang đau khổ, tôi dửng dưng hay nó tựa như ai đó trong gia đình tôi đang đau khổ ? Tôi có cầu nguyện cho nhau không ? Điều quan trọng là cần nhìn ra khỏi khuôn rào của mỗi người, để cảm nhận chính một Giáo Hội, một gia đình của Thiên Chúa !” (Tiếp kiến chung, 25-9-2013).

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.