Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VIII-TN, 02-6-2023 Mc 11, 11-26 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài kêu gọi chúng ta ngoan đạo đích thật” 

LECTIO DIVINA

Thứ Sáu Tuần VIII-TN, 026-2023

Mc 11, 11-26

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài kêu gọi chúng ta ngoan đạo đích thật 

1.LECTIO

Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc. Hãy tin vào Thiên Chúa

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Mc 11, 11-26), câu chuyện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem được xen vào giữa câu chuyện kỳ lạ là việc Ngài nguyền rủa cây vả. Khi rời Bêtania để trở về đền thờ Giêrusalem, Chúa cảm thấy đói. Chúa đi đến một cây vả. Cây vả này xum xuê cành lá nhưng không có trái vì “không phải mùa”. Chúa nguyền rủa cây vả không có trái này. Sáng sớm hôm sau, cây vả bị héo. Trong bối cảnh Chúa Giêsu xua đuổi người mua và kẻ bán ra khỏi khu vực đền thờ vì họ đã biến nơi được coi là “nhà cầu nguyện của mọi dân tộc” thành “sào huyệt của bọn cướp”, cây vả khô héo tượng trưng cho sự cằn cỗi, cho điều không thích hợp và cho việc lên án sự sùng đạo gắn liền với đền thờ của người Do Thái. Sự băng hoại của việc thờ phượng trong đền thờ đã kích hoạt sứ vụ tiên tri của Chúa Giêsu và việc Ngài công bố sự kết án của Thiên Chúa. Cây vả tượng trưng cho Israel. Sự nguyền rủa cây vả và sự khô héo của nó đã kịch tính hóa sự phán xét của Thiên Chúa chống lại sự thờ phượng sai lạc của dân Israel : không sinh hoa kết trái và “không hòa hợp” với dấu chỉ thời gian – là sự mới mẻ triệt để của Triều đại Thiên Chúa được Chúa Giêsu mang đến. Sau đó, Vị Tôn Sư thần linh bổ sung bài học về cây vả khô héo bằng cách thách thức các môn đệ của mình tiến đến một sự thờ phượng cầu nguyện hiệu quả hơn, dựa trên “đức tin nơi Thiên Chúa” và hoàn toàn vâng phục ý muốn cứu độ và tình yêu tha thứ của Ngài.

2.MEDITATIO

Suy gẫm đoạn Tin Mừng hôm nay, ta bắt gặp hai hình ảnh mạnh mẽ: cây vả và đền thờ, cả hai đều không có trái, không có sự sống và tình yêu. Ta thấy Chúa Giêsu đã thay đổi hoàn cảnh này, khi mang đến một khía cạnh mới cho cuộc sống.

Vậy, tôi có nhận ra tôi cần để cho mình được Chúa đụng chạm tới không ? Ở một khía cạnh nào đó, tôi có thấy mình như một cây vả cằn cỗi, không sinh trái hay như ngôi đền thờ, một nơi buôn bán và tính toán lạnh lùng không ? Tôi có cảm thấy trong tôi có nỗi khao khát sản sinh trái ngọt của tình yêu, của tình bạn, của sự chia sẻ không ? Tôi có đói khát cầu nguyện, đói khát mối quan hệ thực sự với Chúa Cha không ?
Tôi có nhận ra những rạn nứt trong lòng mình không ? Nơi nào tôi cảm thấy bị chia cắt nhất, bất an nhất, hoang mang nhất ? Tại sao tôi không thể hoàn toàn phó thác mình cho Thiên Chúa là Cha của tôi ? Tại sao tôi vẫn đi khập khiễng, cà nhắc trên hai chân, như tiên tri Êlia đã nói (x. I Các Vua 18, 21).
Mối liên hệ đức tin của tôi với Thiên Chúa có được thể hiện qua lời cầu nguyện chân chính và những hành động bác ái hữu hiệu không ? Tôi có tìm cách sống tinh thần đạo đức và cố gắng vâng phục trọn vẹn ý muốn cứu độ của Thiên Chúa không?
3.ORATIO

Lạy Chúa Giêsu là Tôn Sư thần linh, trên thập giá cứu độ, Chúa đã dạy chúng con ý nghĩa của việc cầu nguyện và sự thờ phượng đích thật. Xin cho chúng con biết để cho cuộc sống của chúng con tập trung vào tính mới mẻ triệt để của triều đại Thiên Chúa. Xin giúp chúng con làm việc cho công lý và hòa bình, và thúc đẩy sự trị đến của nước Thiên Chúa trên trần gian. Xin làm cho lời cầu nguyện của chúng con diễn tả đức tin nơi Thiên Chúa và phục tùng ý muốn cứu độ của Ngài. Xin đừng để chúng con biến thành cây vả cằn cỗi và bị nguyền rủa, nhưng đúng hơn, xin biến đổi chúng con thành một cây đầy sức sống với hoa trái dồi dào của Chúa Thánh Thần. Xin cho chúng con được thấy sức mạnh của lời cầu nguyện trong thế giới ngày nay. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Anh em hãy tin vào Thiên Chúa

5.ACTIO
Tôi cố gắng sống đúng ý nghĩa của việc cầu nguyện và thờ phượng trong thế giới ngày nay.
Bằng những hành động bác ái nho nhỏ đối với những người xung quanh, đặc biệt là đối với những người nghèo và người dễ bị tổn thương, tôi để cuộc sống của tôi làm đẹp lòng Thiên Chúa và sinh hoa kết quả.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.