LECTIO DIVINA
Thứ Sáu Tuần V-TN, 10-02-2023
Mc 7, 31-37
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài chữa lành cho người câm điếc”
“Ngài làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”
Trong những câu chuyện Tin Mừng tuần này, Chúa Giêsu, người vượt qua biên giới, đang trên đường đi. Hôm qua Chúa ở Vùng dân ngoại Tyrô bên bờ Địa Trung Hải. Hôm nay, Chúa ở trên bờ biển dân ngoại phía đông của Biển hồ Galilê ở Vùng Thập Tỉnh, trái tim của lãnh thổ dân ngoại. Chúa gặp một người dân ngoại vừa câm vừa điếc, người này xin Chúa đặt lên anh, cùng một bàn tay đã được Chúa đặt lên rất nhiều người bệnh ở Gennesaret thuộc Do Thái. ĐTC Bênêđictô XVI, trong bài giảng về hiệp nhất Kitô hữu, đã tận dụng ý nghĩa đầy đủ hơn của đoạn văn này. ĐTC nói: Điếc và câm, nghĩa là không thể nghe hay nói, không phải là một dấu hiệu của sự thiếu hiệp thông và là một triệu chứng của sự chia rẽ sao ?
Đúng như Chúa Giêsu đã gỡ bỏ những trở ngại cho sự hiệp nhất bên bờ hồ thuộc Do Thái, Tin Mừng hôm nay (Mc 7, 31-37) đã xin Chúa gỡ bỏ nhiều trở ngại hơn nữa về phía dân ngoại. “Chúa đặt ngón tay của mình vào tai của người đàn ông, và, nhổ nước miếng, chạm vào lưỡi của anh ta”. Như Thiên Chúa đã tạo ra con người đầu tiên một cách tài tình, như được kể trong chương thứ hai của sách Sáng Thế, thì cũng vậy, Chúa Giêsu tái tạo người dân ngoại này, khi một lần nữa ban cho người ấy những cơ năng để nói và nghe, là những cơ năng của sự hiệp thông vượt qua sự chia rẽ và tình trạng bất hòa. Hành động lên đến đỉnh điểm trong kiểu nói tiêu biểu của Marcô : “Ngài làm việc gì cũng tốt đẹp cả : Ngài làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”. Và không chỉ ở vùng Galilê dân ngoại.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót nhìn đến chúng con trong những gian nan thử thách của chúng con. Xin chữa lành những đau đớn, phiền não của chúng con. Xin giúp chúng con vượt qua những vết thương của sự chia rẽ do sự yếu đuối và tội lỗi của con người gây ra. Chúa là Đấng Cứu Độ của chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”
Tôi cầu cho mọi người hiểu được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc cầu nguyện bằng Lời Chúa – Lectio Divina: “Có một cách đặc biệt để nghe những điều Chúa muốn nói với chúng ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí. Chúng ta gọi đó là lectio divina. Nghĩa là đọc lời Chúa trong một lúc cầu nguyện và để cho lời soi sáng và đổi mới chúng ta. Việc đọc Kinh Thánh trong cầu nguyện này không phải là một cái gì tách biệt với việc học hỏi mà người giảng thuyết thực hiện để nắm bắt được sứ điệp trọng tâm của bản văn ; trái lại, nó phải bắt đầu với việc học hỏi ấy rồi tiếp tục phân định xem sứ điệp ấy nói thế nào với đời sống của người ấy. Việc đọc sách thiêng liêng phải bắt đầu với nghĩa chữ của bản văn. Nếu không, chúng ta có thể dễ dàng bắt bản văn nói điều mà chúng ta nghĩ là thuận tiện, ích lợi để xác nhận các quyết định trước đó của chúng ta, hợp với lối suy nghĩ của chúng ta. Rốt cuộc sẽ chẳng khác gì sử dụng một điều thánh thiêng vì lợi ích riêng của chúng ta rồi truyền lại sự lẫn lộn này sang cho dân Chúa. Chúng ta không bao giờ được quên rằng đôi khi ‘ngay cả Satan cũng tự hoá trang thành một thiên thần ánh sáng’ (2 Cr 11, 14)” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 152).
Tôi giới thiệu cho bạn bè và những người thân yêu của tôi về sự thực hành đẹp đẽ mang lại sự sống này của Giáo Hội : Lectio Divina.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.