LECTIO DIVINA
‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’
Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay, 26-3-2021
Ga 10, 31-42
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài tìm ẩn náu nơi Thiên Chúa”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Họ tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ”
Người Do Thái vừa nghe Chúa Giêsu nói cho họ biết rằng Ngài và Chúa Cha là một, thì họ đã trở nên căm ghét Ngài hơn. Ngay lập tức họ rút ra một kết luận vội vàng rằng Chúa Giêsu phạm thượng khi tuyên bố Mình là Con Thiên Chúa. Hình phạt được quy định trong luật của người Do Thái cho tội phạm thượng là bị ném đá. Họ sẵn sàng lấy đá ném Chúa Giêsu. Chúa bình tĩnh đương đầu với sự căm ghét của họ và nhắc nhở họ về những việc tốt mà Ngài đã làm cho họ. Chúa đi khắp nơi giảng đạo, cho người đói ăn, an ủi những người tuyệt vọng và đau khổ, chữa lành người đau bệnh, xua trừ ma quỷ và thực hiện các dấu lạ và những điều kỳ diệu cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa. Những công việc Chúa Giêsu làm do tình yêu vĩ đại của Ngài dành cho loài người là (những việc) cao cả và đẹp đẽ đến mức những việc đó chỉ có thể phát xuất từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu được Thiên Chúa thánh hiến cho một sứ mệnh. Thiên Chúa thánh hiến Chúa Giêsu, và tách Ngài ra khỏi phần còn lại trong loài người để sung Ngài vào một sứ mệnh đặc biệt. Chúa Giêsu được Thiên Chúa sai vào thế gian. Chúa đến để thực hiện sứ mệnh mà Thiên Chúa giao phó cho Chúa chăm sóc.
Thấy người Do Thái không cởi mở để tin lời Ngài, Chúa Giêsu kêu gọi họ chấp nhận việc làm của Ngài. Là Đấng được Thiên Chúa sai đến, Chúa Giêsu không đặt những tuyên bố của Ngài trên những gì Ngài nói, nhưng dựa trên những gì Ngài là và làm. Người Do Thái, nếu muốn, thì đoán xét Ngài theo công việc của Ngài, chứ không phải là theo những gì Ngài nói, vì những gì Ngài đang làm đều là công việc của Chúa Cha. Bất cứ điều gì Chúa Giêsu làm cũng đều cho thấy rằng Ngài và Chúa Cha là một. Đối mặt với sự thù địch ngày càng tăng của những người Do Thái đang cố gắng bắt giữ Ngài, Chúa Giêsu thấy rằng cần phải đi trốn. Trước mắt con người, chạy trốn là một hành động hèn nhát nhưng, những gì Chúa Giêsu làm không phải là hèn nhát. Chúa không sợ người Do Thái, nhưng Chúa biết rằng ‘giờ’ của Chúa chưa đến. Chúa muốn rút vào thinh lặng và sống một mình với Thiên Chúa. Chúa chuẩn bị cho việc hoàn tất sứ mệnh của mình đến mức hiến dâng mạng sống của mình cho mọi người. Chúa muốn đi vào hiệp thông với Chúa Cha. Đó là lý do tại sao Chúa quyết định đi sang phía bên kia sông Giođan, một nơi rất có ý nghĩa đối với Chúa. Đó là nơi Chúa được Gioan làm phép rửa cho, và [cũng là nơi] danh tính cùng sứ mệnh của Chúa là Con yêu dấu của Chúa Cha được xác nhận. Ở đó, nơi phía xa xa kia của sông Giođan, người Do Thái theo Chúa Giêsu và nhớ đến Gioan Tẩy giả. Gioan đã nói với họ trong tư cách một tiên tri nhưng không làm các phép lạ và những việc kỳ diệu như Chúa Giêsu làm. Họ coi Gioan như một tiên tri, và bằng chính đôi mắt của mình, họ thấy rằng tất cả những gì Gioan nói về Chúa Giêsu đều đúng cả.
Tin vào Thiên Chúa không phải chỉ là việc môi mép. Bất cứ điều gì chúng ta nói, phải được đi kèm với các việc tốt lành. Lời nói của chúng ta phải phù hợp với những công việc chúng ta làm, nếu chúng ta muốn trở nên đáng tin cậy trong việc theo Chúa Giêsu và truyền đạt Ngài cho con người thời nay. Chúng ta hãy bám chắc vào sự thực cao cả này là Vị Chúa và Tôn Sư của chúng ta đang ở cùng chúng ta. Sự vâng phục của Ngài đối với kế hoạch của Chúa Cha đã đạt đến đỉnh điểm nơi cái chết của Ngài trên thập giá. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là lời tuyên bố tối thượng và là hành động vĩ đại nhất của tình yêu của Ngài đối với nhân loại được Chúa Cha chấp nhận.
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Người Do Thái lên án Chúa Giêsu, nhân danh Thiên Chúa, nhân danh hình ảnh mà họ có về Thiên Chúa. Vậy, có khi nào tôi lên án ai đó, nhân danh Thiên Chúa, và rồi tôi thấy rằng mình đã nhầm lẫn?
– Chúa Giêsu xưng mình là “Con Thiên Chúa”. Còn, trong Kinh Tin Kính, khi tôi đọc rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, thì nội dung nào được tôi lồng vào việc tuyên xưng đức tin của mình? Tôi có tin vào các việc làm của Chúa Giêsu không?
– Tôi có thừa nhận rằng những hành động trắc ẩn của tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giêsu đã làm chứng rằng Ngài là Con Thiên Chúa không?
– Trong cuộc sống của tôi, tôi có kinh nghiệm về sự đan kết giữa sứ mệnh và đau khổ không?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Cha yêu thương, chúng con cảm ơn Cha về Giêrêmia, vị tiên tri trung thành bị bắt bớ của Cha. Cha là “nhà vô địch hùng mạnh” và là người bảo vệ của vị tiên tri. Trong kinh nghiệm đau đớn của mình với tư cách là tiên tri của sự thật, Giêrêmia đã cầu cứu Cha. Hơn hết, lạy Cha mến yêu, chúng con cảm tạ Cha vì Con của Cha là Chúa Giêsu Kitô, vị tiên tri đau khổ tột cùng và là lời chân lý nhập thể. Chúa Giêsu dạy chúng con tin cậy nơi Cha. Trong sứ mệnh công bố giá trị Nước Trời trong xã hội ngày nay, xin giúp chúng con không bị sự sợ hãi khuất phục. Xin để Con yêu dấu của Cha ban cho chúng con can đảm nói lời tiên tri của Cha và đối đầu với bất công xã hội bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng con xin dâng lên Cha vinh quang và lời khen ngợi, bây giờ và mãi mãi. Amen.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Người đã thoát khỏi tay họ”
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
Bằng mọi cách có thể, tôi ủng hộ những nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội, đặc biệt ở những nơi có xung đột bạo lực và bắt bớ.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.