LECTIO DIVINA
‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’
Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay, 05-3-2021
Mt 21, 33-43.45-46
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài là nạn nhân của bạo lực”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi”
Dụ ngôn hôm nay, về những tá điền độc ác (Mt 21, 33-43, 45-46) hàm chứa một quy chiếu được che đậy sơ sài về bạo lực mà Chúa Giêsu sẽ phải chịu dưới bàn tay của các trưởng tế và người Pharisiêu. Con Thiên Chúa sẽ bị giết thông qua sự xúi giục của các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người sợ hiện trạng và sự an toàn của mình bị đe dọa. Sự ngược đãi các tiên tri trong quá khứ hoàn toàn có liên quan tới Chúa Giêsu khi Chúa trải qua cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá. Các nhà lãnh đạo tôn giáo của Israel, trong trách nhiệm của họ, đã thất bại trong việc nuôi dưỡng sự phát triển tâm linh và việc sinh hoa trái của dân Chúa chọn. Hơn nữa, họ đã trở thành những tác nhân đổ máu và bất công, gây ra cái chết cho một người vô tội được Thiên Chúa sai đến làm Đấng Thiên Sai. Mặc dù đọc Kinh thánh, họ vẫn không nắm bắt được ý nghĩa của Kinh thánh. Bởi vì trái tim của họ bị mù, họ không thể nhận ra rằng Chúa Giêsu thành Nazareth là Tôi tớ và là Đấng Thiên Sai. Nhưng Con Thiên Chúa, khi chịu chết cách bạo lực, đã trở thành phương tiện cứu độ cho tất cả mọi người. Sự phục sinh của Chúa Kitô là sự minh chứng vinh quang của Chúa.
Mùa Chay là thời cơ thích hợp để sám hối về mọi bạo lực chúng ta đã phạm phải. Đây là thời điểm thích hợp để dâng lên Chúa sự sinh hoa kết trái thiêng liêng của một tâm hồn khiêm nhường và tìm kiếm sự bình an. Mùa Chay kêu gọi chúng ta vượt qua bạo lực trong lòng và giữa chúng ta, và nhìn vào thực tế ngày nay với con mắt đức tin. Chúng ta cũng được kêu gọi kết hợp những bất công trên thế giới và những đau khổ ngoài ý của chúng ta với Chúa Giêsu để chúng cũng trở thành phương tiện cứu độ ở đây và bây giờ.
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Tôi có thực hiện những hành vi bạo lực và gây hấn chống lại những người vô tội không? Nếu có, thì điều gì thúc đẩy tôi thực hiện những hành vi đó? Tôi phải làm gì để khắc phục sai lầm mà tôi đã gây ra cho người khác?
– Tôi phản ứng thế nào trước bạo lực mà cá nhân tôi đã trải nghiệm?
– Có bao giờ tôi thờ ơ và dửng dưng nên đã góp phần vào việc gây ra bạo lực trong xã hội ngày nay không?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin tha cho chúng con những bạo lực mà chúng con đã gây ra cho Chúa và những bất công mà chúng con đã tạo ra cho những anh chị em vô tội của chúng con. Xin biến chúng con thành những khí cụ bình an của Chúa. Xin cho chúng con gặt hái thành quả thiêng liêng trong nước của Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Ông sai chính con trai mình đến gặp chúng”
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
Sống lời dạy của ĐTC Phanxicô: Không nóng giận, không nuôi hận thù. “Tin Mừng mời gọi chúng ta tốt hơn hết hãy nhìn cái xà trong mắt mình (x. Mt 7, 5), và với tư cách là Kitô hữu chúng ta không thể không biết đến Lời Chúa hằng mời gọi đừng nuôi cơn giận: ‘Đừng để cho sự ác thắng được mình’ (Rm 12, 21). ‘Đừng nản chí vì làm điều thiện’ (Gl 6, 9). Việc chúng ta đột nhiên cảm thấy một nỗi oán hận hung hăng chực trào lên, đó là một chuyện; còn việc chúng ta có ưng thuận và dung dưỡng nó thường xuyên trong tâm hồn mình hay không, thì đó là một chuyện khác: ‘Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội; chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn’ (Ep 4, 26). Vì thế, đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà không làm hòa trong gia đình. ‘Nhưng tôi sẽ làm hòa bằng cách nào? Tôi sẽ quì xuống chăng? Không! Chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một cái gì đó rất đơn sơ thôi, và sự hòa điệu trong gia đình sẽ được vãn hồi. Chỉ cần một chút âu yếm, chẳng cần lời lẽ gì. Nhưng đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà không làm hòa trong gia đình. Phản ứng trong lòng của chúng ta trước phiền nhiễu mà người khác gây ra trước hết phải là một lời chúc phúc tự trong lòng, muốn điều tốt cho người khác, xin Thiên Chúa giải phóng và chữa trị người đó. ‘Hãy chúc phúc, vì anh chị em được kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc’ (1 Pr 3, 9). Nếu chúng ta phải chiến đấu chống lại sự dữ, thì hãy chiến đấu ; nhưng chúng ta phải luôn luôn nói ‘không’ với bạo lực trong gia đình” (Amoris Laetitia, 104).
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.