LECTIO DIVINA
Thứ Sáu, 26-01-2024
Thánh TIMÔTHÊ và Thánh TITÔ, giám mục, Lễ nhớ
Lc 10, 1-9
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài kêu gọi chúng ta công bố Nước Chúa đang đến”
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”
Bài Tin Mừng (Lc 10, 1-9) mô tả sứ mệnh của các môn đệ Đức Kitô là mang bình an và niềm vui Tin Mừng khi họ đi từ làng này sang làng khác, loan báo Nước Thiên Chúa đã đến. Hình ảnh “mùa màng bội thu” biểu thị các dân tộc trên toàn thế giới cần được quy tụ vào Nước Thiên Chúa. Để hiệu quả hơn trong việc quy tụ dân Thiên Chúa như vào trong một “vụ mùa bội thu”, Chúa Giêsu ban cho các môn đệ những chỉ thị đáng chú ý. Họ phải di chuyển gọn nhẹ, không được mang theo túi tiền, bao bị hay giầy dép. Việc thanh thoát với của cải vật chất sẽ làm cho họ có khả năng đề cao sự ưu tiên tuyệt đối của việc rao giảng Tin Mừng. Tinh thần thanh thoát cũng sẽ giúp họ tin tưởng sâu sắc hơn vào Sự Quan Phòng của Thiên Chúa và buộc họ phải khiêm tốn trông cậy vào lòng hiếu khách của những người đón nhận Tin Mừng. Sứ mệnh của các môn đệ Đức Kitô thật là cấp bách. Do đó, họ không được chào hỏi bất cứ ai trên đường đi. Hơn hết, họ cần phải kiên trì. Cho dù không luôn luôn được tiếp đón, họ vẫn phải tiếp tục mang lại sự bình an của Đức Kitô và Tin Mừng của Nước Trời. Quyền năng của họ chữa lành người bệnh sẽ củng cố sứ điệp của họ rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Lạy Cha, Cha đã chọn thánh Timôthê và thánh Titô để sai đi rao giảng mầu nhiệm tình yêu của Cha dành cho người nghèo. Xin Cha liên kết trong một tâm hồn và một tinh thần, tất cả những ai lấy làm hãnh diện về danh của Cha. Chúng con nguyện xin điều này nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con của Cha, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
“Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”
Sống Tin Mừng hôm nay theo gợi ý từ lời dạy này : “Tin Mừng cho chúng ta cơ hội để sống ở một bình diện cao hơn nhưng không kém phần mãnh liệt: ‘Cuộc sống phát triển bằng cách cho đi, nó suy yếu khi sống cô lập và dễ dãi. Thực vậy, những người vui hưởng đời sống nhiều nhất là những người bỏ lại sự an toàn trên bờ và được kích thích bởi sứ mạng thông truyền cuộc sống cho người khác’. Khi kêu gọi người Kitô hữu đảm nhận nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh chỉ đơn giản vạch ra cho họ thấy nguồn mạch đích thực của sự hoàn thành bản thân. Bởi vì ‘ở đây chúng ta khám phá ra một qui luật sâu xa của thực tại: đó là chúng ta đạt được sự sống và làm nó phát triển tuỳ theo mức độ chúng ta từ bỏ nó để trao ban sự sống cho người khác. Đây chắc chắn là ý nghĩa của truyền giáo’. Do đó người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu ‘niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt… Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (Evangelii Gaudium, 10).
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.