Lời Chúa Thứ Sáu, 02-02-2024 DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH Lễ Nến, Lễ kính Ngày Quốc Tế Đời Sống Thánh Hiến Lc 2, 22-40  “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Ánh Sáng Cứu Độ”

LECTIO DIVINA

Thứ Sáu, 02-02-2024

DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH

Lễ Nến, Lễ kính

Ngày Quốc Tế Đời Sống Thánh Hiến

Lc 2, 22-40

 Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Ánh Sáng Cứu Độ

1.LECTIO

Chính mắt con được thấy ơn cứu độ

Tin Mừng hôm nay (Lc 2, 22-40) mô tả một cuộc gặp gỡ cứu độ trong đền thờ Giêrusalem : cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với ông Simêon và bà Anna là hai con người hằng mong đợi Đấng Thiên Sai. Biến cố cứu độ này được Giáo Hội tưởng niệm trong một cử hành được gọi là “Lễ mừng Cuộc Gặp Gỡ”, ngày nay được gọi là “Lễ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh”, một sự kéo dài Mầu nhiệm Giáng Sinh. Được cử hành bốn mươi ngày sau khi Chúa Giêsu sinh ra, lễ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh trình bày “sự hiển linh” hoặc “sự tỏ mình” của Chúa trong đền thờ với tư cách là Đấng Mêsia và Đấng Cứu Độ. Được Chúa Thánh Thần soi sáng, ông Simêon nhận ra nơi Chúa Giêsu là Đấng Mêsia được hứa từ lâu. Nữ tiên tri Anna, đã cao tuổi và chuyên tâm thờ phượng Chúa trong đền thờ, làm chứng cho dân chúng về sự xuất hiện của ơn cứu độ trong con người của Chúa Giêsu. Hài nhi được đem đến đền thờ để dâng cho Thiên Chúa theo chỉ thị của Môsê (x. Xh 13, 15) là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại” và là “vinh quang cho dân Israel”. Thật vậy, trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, ánh sáng cứu độ phải chiếu rọi trên tất cả các dân tộc trên thế giới.

Nghi thức tuyệt đẹp về việc thắp sáng và làm phép nến ở đầu thánh lễ dâng Chúa trong đền thờ, nhấn mạnh niềm vui và cuộc gặp gỡ ban sự sống với Chúa Kitô là “ánh sáng của các dân tộc”. Nghi thức phụng vụ này hàm chứa ý nghĩa vượt qua. Các tác giả của bộ sách Những ngày của Chúa, Năm Phụng Vụ nhận xét: “Việc tung hô Chúa Kitô là Ánh Sáng chính là sự kiện mở đầu cho việc tung hô chảy tràn trong Phụng vụ Canh thức Phục Sinh. Cuộc gặp gỡ Thiên Chúa đến giữa chúng ta, trong Con của Ngài làm người, đã được kéo dài và hoàn tất trong cuộc gặp gỡ mà Chúa Kitô Phục Sinh đang chuẩn bị cho chúng ta vào cuối cuộc hành hương trần thế, trong một cuộc Vượt Qua giống như của Ngài”.

2.MEDITATIO
Tại sao Chúa Giêsu, Con Đấng Tối Cao, và Mẹ Ngài là Maria, được thụ thai vô nhiễm nguyên tội, cần tuân theo chỉ thị của Môsê ? Phải chăng vì Đức Maria chưa ý thức được sự vô nhiễm nguyên tội và sự thánh thiện của mình ?
Lời nói và thái độ của ông Simêôn và của nữ tiên tri Anna có ý nghĩa đặc biệt không ? Hành động và niềm vui của họ không gợi lại phong cách của các tiên tri thời xưa sao ?
Tôi có thể giải thích thế nào về “lưỡi gươm” đâm thấu tâm hồn Mẹ Maria : đó là sự giày vò lương tâm trước những thử thách và sự giầu có, phong phú của Chúa Giêsu ? Hay đó chỉ là nỗi đau nội tâm của Mẹ Maria ?
Việc dâng Chúa Giêsu trong đền thờ có ý nghĩa gì đối với các bậc cha mẹ ngày nay : về việc đào tạo đức tin cho con cái ? về kế hoạch Thiên Chúa dành cho mỗi đứa con ? về những nỗi sợ hãi và đau khổ mà các cha mẹ mang trong lòng khi nghĩ tới lúc con cái trưởng thành ?
Lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ hôm nay có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân tôi ?
3.ORATIO

Lạy Cha toàn năng, Đức Kitô, Con của Cha đã trở thành người vì chúng con và đã được dâng trong đền thờ. Xin Ngài giải thoát tâm hồn chúng con khỏi tội lỗi và đưa chúng con vào trong sự hiện diện của Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con của Cha, Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người

5.ACTIO
Tôi tham dự cách ý thức và tích cực vào Thánh lễ hôm nay và vào việc “Làm Phép Nến và Rước Kiệu”. Tôi thắp sáng nến đã được làm phép và sử dụng chúng trong lời cầu nguyện cá nhân của tôi.
Tôi cố gắng gặp gỡ Chúa Kitô là Ánh sáng các dân tộc, đặc biệt trong những người nghèo khó và thiếu thốn, những người đang kêu cầu tình yêu và lòng thương xót của tôi.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.