Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX-TN, 31-10-2020 (Lc 14, 1. 7-11) “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài chúc phúc cho người khiêm hạ”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Thứ Bảy Tuần XXX-TN, 31-10-2020

Lc 14, 1. 7-11

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài chúc phúc cho người khiêm hạ”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”

          Tin Mừng hôm nay (Lc 14, 1, 7-11) cho chúng ta biết rằng vào một ngày Sa-bát, Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisiêu. Chúa chú ý đến cách các vị khách chọn vị trí danh dự ở bàn tiệc. Trong khung cảnh bữa ăn có “những kẻ bon chen” này, vị Thầy thần linh thuật cho khách nghe một dụ ngôn, kết thúc bằng một lời nhận xét mạnh mẽ: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 11). Học giả Kinh thánh, Eugene Maly giải thích bối cảnh đức tin của dụ ngôn này: “Chúa Giêsu không quan tâm đến các nghi thức xã hội hay phép xã giao thông thường. Chúa nghĩ nhiều hơn thế… Đây là một buổi nói chuyện về Nước Trời. Đây là cách ở trong nước Thiên Chúa. Điều giả định trước (điều phỏng đoán) của câu nói này là Thiên Chúa ban lời mời dự tiệc Nước Trời. Chúa mời những người thấp hèn, những người khiêm tốn, những người nhìn nhận sự phụ thuộc hoàn toàn của mình vào sự cứu độ của Thiên Chúa. Đó là những người sẽ được tôn lên. Còn những người nói, ‘Lạy Chúa, xin nhìn con! Xin nhìn xem sức mạnh của con, sự giàu có của con, ảnh hưởng của con’, là những người sẽ bị hạ xuống. Sự khiêm nhường này, sự cởi mở hoàn toàn cho sức mạnh của Thiên Chúa, dẫn đến sự vĩ đại”.

          Thật vậy, câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu về nước trời nhấn mạnh ý nghĩa của sự khiêm nhường, về cơ bản là sự phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta được cứu độ. Vị Thầy thần linh đã chọn con đường khiêm nhường trong cuộc hành trình của Ngài lên Giêrusalem để hoàn tất định mệnh vượt qua trao ban sự sống của Ngài trên thập giá. Chúa Giêsu kết tụ ý nghĩa của sự khiêm nhường trong chính con người của Ngài. Ngài là Người Tôi Tớ-Con Một hoàn toàn được thánh hiến cho ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Với sự khiêm nhường sâu xa như một đầy tớ trung thành và trong sự vâng lời hiếu thảo, Chúa Giêsu đã khiêm nhường theo đuổi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha và phó thác trọn vẹn con người mình cho Thiên Chúa. Người hèn mọn của Giavê Thiên Chúa tin cậy nơi hành động kỳ diệu của Thiên Chúa – Đấng hạ mình và tôn lên. Thánh Phaolô và một thánh thi cổ xưa của Kitô giáo đã ca ngợi: “Chúa Giêsu đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người (Pl 2, 8-9)”.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Lời dạy của Chúa Giêsu về sự khiêm nhường có ý nghĩa gì đối với tôi, một cách cá nhân và cụ thể?

–      Tôi có sẵn sàng lặp lại trong đời sống của mình, lập trường khiêm tốn của Chúa Giêsu, người Tôi tớ của Giavê và Con Thiên Chúa không?

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

          Lạy Cha yêu thương, Con một của Cha, Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ khiêm nhường mà Cha hài lòng nhất. Chúng con ca ngợi và cảm ơn Cha vì mầu nhiệm tự hủy và khả năng tự làm trống rỗng mình của Ngài. Xin giúp chúng con ngày càng nhận ra rằng tiệc nước trời của Cha là dành cho tất cả mọi người. Xin đổ đầy chúng con lòng nhiệt thành và sức mạnh tông đồ để chúng con truyền bá lời mời gọi cứu độ đầy ân cần của Cha đến mọi dân tộc, đặc biệt là những người nghèo khổ và thấp hèn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–      Với tinh thần khiêm nhường, tôi làm mới sự lệ thuộc hoàn toàn của tôi vào Thiên Chúa và ý muốn cứu độ của Ngài.

–      Khi phải chịu đựng một “sự sỉ nhục” nào đó, tôi lịch thiệp và biến nó thành dịp để thực hiện nhân đức “khiêm nhường”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.