Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay, 26-3-2022 Lc 18, 9-14 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài dạy ta sống khiêm nhường”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay, 26-3-2022

Lc 18, 9-14

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài dạy ta sống khiêm nhường

1.LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

Người thu thế, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người Pharisiêu thì không

Dụ ngôn Tin Mừng hôm nay (Lc 18, 9-14) trình bày một sự tương phản giữa hai nhân vật : người Pharisiêu tự cho mình là công chính và người thu thuế biết hối cải. Lời cầu nguyện của người Pharisiêu được hướng thẳng lên Thiên Chúa, nhưng là lời cầu nguyện lấy mình làm trung tâm. Người Pharisiêu cảm ơn Chúa mình không giống như người thu thuế, kẻ bị ông ta coi là tội nhân. Ngược lại, người thu thuế phủ phục trước Thiên Chúa, khiêm tốn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi !” Người thu thuế bám vào sự trống rỗng công đức của mình, nên chỉ cầu xin Chúa thương xót. Người thu thuế, chứ không phải người Pharisiêu, được nên công chính trước mặt Chúa, khi anh ta trở về nhà. Anh ta nhận được sự ưu ái của Thiên Chúa vì trong sự khiêm nhường của anh, anh tin rằng Thiên Chúa thương xót anh và tha thứ cho anh. Không có việc làm nào của con người có thể xứng đáng với sự tha thứ của Chúa. Chỉ có sự hy sinh của Người Con nhập thể mới có sức mạnh đó. Vì sự hy sinh trao ban sự sống của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần ban sự tha thứ cho người khiêm nhường.

Mùa Chay mời gọi chúng ta có lập trường khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa vì Chúa triệt hạ kẻ kiêu căng và nâng dạy kẻ khiêm nhường.

2.MEDITATIO (Suy niệm : Lời Chúa nói gì với tôi ? Duyệt xét Tâm hồn)
Trong liên hệ của tôi với Thiên Chúa, tôi thường đóng vai nào: vai người Pharisiêu tự cho mình là công chính, liệt kê những nhân đức của mình và coi thường kẻ tội lỗi, hay vai người thu thuế biết sám hối, đấm ngực mình, mà cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 13) ?
Tôi có kinh nghiệm gì về việc sám hối ? Tôi có phạm tội sám hối không thành thật hay sám hối giả vờ và thực hành các nghi lễ cách trống rỗng không ?
3.ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, hiền lành và khiêm nhường, nơi Chúa có sự tha thứ đích thực của Thiên Chúa. Xin dạy chúng con yêu thương và chung thủy bền vững. Xin ban cho chúng con một trái tim biết lắng nghe và một tinh thần vâng lời để chúng con có thể cảm nghiệm Chúa như bình minh đang lên và như sương sa từ trời. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4.CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

Ta muốn tình yêu chứ không phải hy lễ

5.ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
Trong tinh thần sám hối, tôi cầu nguyện ba lần, cách chậm rãi và đầy ý nghĩa, bằng việc lặp lại lời cầu xin ngày xưa của người thu thuế để dâng lên Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con, là kẻ tội lỗi”.
Tôi cầu nguyện cho một người đã bị tôi khinh miệt.
Tôi biết ơn về ân sủng sám hối.
Bằng chứng tá cuộc sống và sự quan tâm đến người khác, tôi làm cho bản thân trở thành công cụ sám hối của Chúa dành cho người khác.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.