Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II-TN, 23-01-2021 Ngày VI trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất (Mc 3, 20-21)  “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài bị hiểu lầm”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Thứ Bảy Tuần II-TN, 23-01-2021

Ngày VI trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất

Mc 3, 20-21

 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài bị hiểu lầm”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Họ nói rằng Người đã mất trí”

Chúa Giêsu từ trên núi xuống với mười hai môn đệ. Như trước đây, mọi người tìm kiếm Chúa để được chữa bệnh và đám đông vây quanh Chúa. Lấy lòng từ bi đáp ứng nhu cầu của họ, Chúa thực hiện việc chữa bệnh, đặc biệt là trừ tà. Đám đông đông đến nỗi Chúa Giêsu và những người bạn đồng hành của Ngài thậm chí không có giờ ăn. Tình hình báo động cho những người thân của Chúa vốn quá lo lắng bảo vệ cho Chúa. Họ cho rằng mối bận tâm mãnh liệt của Chúa Giêsu đối với người bệnh là sự điên rồ. Họ cố gắng kiểm soát tình hình và bảo vệ Chúa khỏi sự điên rồ hơn nữa. Những người thân của Chúa đã kinh hoàng trước cách làm quá cường điệu của Chúa và cho rằng hành vi của Chúa gần như là sự mất trí. Như thế, Chúa Giêsu bị chính những người thân của mình hiểu sai và nhận định sai. Tương tự như vậy, các môn đệ của Đức Kitô sẽ bị từ chối và hiểu lầm khi họ rao giảng Phúc Âm và thi hành sứ vụ họ đã nhận từ Đức Kitô.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Gia đình giúp đỡ việc tham gia vào cộng đoàn Kitô hữu hay làm cho việc tham gia đó ra khó khăn? Bạn thực hiện cam kết của mình trong cộng đoàn Kitô hữu như thế nào?

–      Tất cả những điều này cho tôi biết điều gì về các mối quan hệ của tôi trong gia đình và trong cộng đoàn?

–      Tôi phải làm gì khi bị hiểu lầm và bị từ chối như Chúa Giêsu?

–      Tôi có cố gắng duy trì đức tin và tình yêu của tôi với tư cách là Kitô hữu được kết hợp với Chúa Giêsu Kitô không?

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là người quan tâm và nhân hậu nhất. Chúa đã tự hiến hoàn toàn cho chúng con. Chúa đã bị hiểu lầm, bị từ chối và bị coi thường. Xin giúp chúng con nhận ra rằng đau khổ là một phần của việc chúng con làm môn đệ của Chúa. Khi chúng con bị từ chối, chúng con bám lấy Chúa. Khi bị hiểu lầm, chúng con tin rằng trong chương trình của Thiên Chúa, những người tố cáo chúng con sẽ nhìn thấy ánh sáng. Xin chúc phúc cho chúng con, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Họ nói rằng Người đã mất trí”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–      Khi bị hiểu lầm và bị chỉ trích sai trái, tôi quyết đứng vững và hợp nhất những đau khổ của tôi với Đức Kitô.

–      Tôi biến “đức ái hy sinh” mà tôi thực hiện cho những anh chị em khó khăn của tôi, trở thành của lễ đẹp lòng Chúa.

–      Sống Ngày VI trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất, tôi thực hành lời dạy này của ĐTC Phanxicô: “Chúng ta hãy để ý đến một khía cạnh khác trong đoạn sách Cv 12, 1-11: trong thời khắc khó khăn đó, không ai than phiền về tội ác và sự bách hại của Hêrôđê. Không ai buông ra những lời xúc phạm đến Hêrôđê – còn chúng ta thì đã quen lăng mạ những người có trách nhiệm. Than phiền là vô ích, và nhàm chán vì đối với các tín hữu, thật không chính đáng khi dành thời gian để than phiền thế giới, xã hội, và mọi thứ. Than phiền không thay đổi được gì. Chúng ta hãy nhớ rằng than van là cánh cửa thứ hai đóng lại trước Chúa Thánh Thần, như tôi đã nói điều này trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Thứ nhất là thần tượng hoá bản thân mình, thứ hai là làm nản chí và thứ ba là thái độ bi quan. Ba thái độ này đóng cửa lòng mình trước Chúa Thánh Thần. Các Kitô hữu tiên khởi đã không đổ lỗi, nhưng họ cầu nguyện. Trong cộng đoàn đó không ai nói: ‘Nếu Phêrô cẩn thận hơn thì chúng ta đã không phải rơi vào hoàn cảnh như thế này’. Không, họ không than phiền Phêrô; họ cầu nguyện cho ông. Họ không nói xấu sau lưng Phêrô; họ thân thưa cùng Chúa. Ngày nay chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: Chúng ta có đang bảo vệ sự hiệp nhất giữa chúng ta và sự hiệp nhất trong Giáo Hội bằng lời cầu nguyện không? Chúng ta có đang cầu nguyện cho nhau không? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cầu nguyện nhiều hơn và than phiền ít hơn? Sự việc sẽ xảy ra giống như Phêrô trong tù: nhiều cánh cửa đang đóng kín sẽ được mở ra, nhiều xiềng xích sẽ bị vỡ tung. Chúng ta sẽ ngạc nhiên, giống như người tớ gái nhìn thấy Thánh Phêrô ở cổng nhưng không dám mở cổng, nhưng chạy ngược vào bên trong, ngạc nhiên bởi niềm vui khi thấy Thánh Phêrô (x. Cv 12, 10-17). Chúng ta hãy cùng cầu xin ơn biết cầu nguyện cho nhau. Thánh Phaolô đã khuyến khích các Kitô hữu cầu nguyện cho tất cả mọi người, nhất là cho các nhà lãnh đạo (1 Tm 2, 1-3). ‘Nhưng cái nhà cầm quyền này…’ và sau đó là nhiều tính từ. Tôi sẽ không đề cập đến những tính từ này bởi vì đây không phải là lúc, và cũng không phải là nơi để đề cập đến những tính từ mà chúng ta thường nghe chống lại những người cai trị. Cứ để Thiên Chúa phán xét họ; còn chúng ta thì hãy cầu nguyện cho họ! Chúng ta hãy cầu nguyện: vì họ cần những lời cầu nguyện của chúng ta. Đó là nhiệm vụ Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Chúng ta có thực hiện điều đó không? Hay chúng ta chỉ nói, chửi bới và chẳng làm gì cả? Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta khi cầu nguyện thì cũng biết nhớ đến những người không cùng suy nghĩ như chúng ta, những người đóng sầm cánh cửa vào mặt chúng ta, những người mà chúng ta cảm thấy rất khó tha thứ. Cầu nguyện là phương cách duy nhất để mở toang xiềng xích như đã từng xảy ra với Thánh Phêrô; chỉ có lời cầu nguyện mới có thể lót đường cho sự hiệp nhất” (ĐTC Phanxicô, Bài giảng Lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, 29.6.2020).

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.