LECTIO DIVINA
‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’
Thứ Ba Tuần V Phục Sinh, 04-5-2021
Ga 14, 27-31
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài ban cho chúng ta bình an”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”
Nghe những lời từ biệt của Chúa Giêsu, các môn đệ đã băn khoăn, rối loạn. Thầy của họ sắp ra đi, và họ sẽ bị bỏ lại một mình. Họ có lẽ đã tự hỏi: “Ai sẽ hướng dẫn chúng ta bây giờ? Chúng ta sẽ đi theo ai? Ai sẽ hướng dẫn chúng ta?” Họ cảm thấy lạc đường. Chúa Giêsu bảo họ: “Bình an, lòng anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi”. Nhưng làm thế nào họ có thể bình an, khi Chúa Giêsu sắp rời bỏ họ? “Bình an” này có nghĩa là gì?
Chắc chắn không ai cảm thấy bình an khi biết rằng người mà mình yêu sắp ra đi, và không chắc chắn sẽ gặp lại người ấy. Những gì sau đó có thể đem lại “bình an”. Bình an này chắc chắn không phải là sự thiếu vắng đau đớn và buồn sầu, đấu tranh và xung đột. Chính kinh nghiệm về sự ‘hiện diện’ của một người nào đó cho phép ta được ôm ấp bởi một tình yêu không bao giờ phai nhạt, một tình yêu đảm bảo sự ‘hiện diện’ liên tục, bất chấp sự ‘vắng mặt’. Bình an này không thể được ban cho chúng ta bởi thế gian. Chỉ Thiên Chúa, trong nhân thân của Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh, mới có thể ban cho chúng ta sự bình an này. Người ta có thể yêu chúng ta và đảm bảo cho chúng ta về sự hiện diện của họ. Tuy nhiên, sự hiện diện này bị hạn chế bởi sự chết. Còn sự hiện diện của Chúa Giêsu vượt xa cái chết. Nếu sự hiện diện phục sinh của Chúa Giêsu được cảm nghiệm, chúng ta sẽ không bao giờ còn băn khoăn, rối loạn hay sợ hãi. Vì ngay cả giữa đau đớn và buồn phiền, đấu tranh và xung đột, vẫn có sự bình an trong nội tâm của chúng ta. Và với Chúa Giêsu phục sinh của chúng ta, chúng ta có thể ‘trỗi dậy và bước đi’, tiếp tục cuộc hành trình về phía trước.
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Chúa Giêsu nói: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Làm thế nào để tôi đóng góp vào việc xây dựng hòa bình trong gia đình tôi và trong cộng đoàn của tôi?
– Nhìn vào gương vâng phục của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, tôi làm thế nào để có thể cải thiện sự vâng phục của tôi đối với Chúa Cha?
– Chúa Giêsu đã nói trước với các môn đồ của Ngài để họ tin. Tôi có cần phải “nhìn thấy” trước để tin tưởng hay tôi nhìn mọi thứ với niềm tin và sự tin cậy?
– Tôi cũng có những lựa chọn để hiến dâng “mạng sống” của mình cho người khác mỗi ngày – trong bác ái và từ bỏ bản thân để phục vụ người khác trong “cuộc sống” hàng ngày của tôi. Tôi có tình nguyện dâng “mạng sống” của mình hàng ngày, cả ngày, hay chỉ thỉnh thoảng hoặc chỉ khi được yêu cầu?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Chúa yêu thương, bình an là món quà chia tay của Chúa cho chúng con, cũng như món quà Phục Sinh của Chúa. Xin giúp chúng con trân trọng sự bình an phát sinh từ sự hiện diện của Chúa. Chúa là Chúa phục sinh của chúng con, và với phúc lành bình an Phục Sinh của Chúa, chúng con có thể ‘ngẩng đầu và bước đi’ để tiếp tục hành trình vượt qua của chúng con tới đích. Lạy Chúa phục sinh, xin làm cho chúng con trở thành các kênh mương bình an của Chúa, và xin giúp chúng con làm việc tận tình cho Tin Mừng. Chúng con yêu mến Chúa và khen ngợi Chúa. Chúa hằng sống và ngự trị mãi mãi. Amen. Alleluia.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Thầy để lại bình an cho anh em”
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
– Khi gặp rắc rối, băn khoăn và xao động, tôi nỗ lực tập trung vào quà tặng là sự bình an của Thiên Chúa có trong tôi.
– Tôi là kênh mương bình an cho những người xung quanh tôi.
– Tôi liên kết mọi khó khăn, thử thách hay đau khổ mà tôi gặp hôm nay, với ý định tông đồ là vào Nước Thiên Chúa.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.