LECTIO DIVINA
Thứ Ba Tuần II Mùa Chay, 27–02-2024
Mt 23, 1-12
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài dạy chúng ta làm điều thiện và thực thi công bình”
“Họ nói mà không làm”
Tin Mừng hôm nay (Mt 23, 1-12) trình bày sự chỉ trích của Chúa Giêsu chống lại các Kinh sư và người Pharisiêu trong thời của Chúa. Khi Chúa Giêsu bắt đầu hoạt động truyền giáo, các thầy tiến sĩ ở Giêrusalem đã đến Galilê để quan sát Người (Mc 3, 22; 7, 1). Bối rối trước lời rao giảng của Chúa Giêsu, họ đã dựa vào lời lẽ ngu ngốc của mình mà nói rằng Chúa bị quỷ ám (Mc 3, 22). Trong suốt ba năm, danh tiếng của Chúa Giêsu ngày càng tăng. Cùng lúc đó, mâu thuẫn giữa Chúa và nhà chức trách tôn giáo cũng ngày càng lớn. Nguồn gốc của cuộc xung đột này là cách họ đặt mình trước Thiên Chúa. Người Pharisiêu tìm kiếm sự an toàn cho riêng họ, không phải (là tìm) trong tình yêu của Thiên Chúa đối với họ, mà là trong việc tuân thủ nghiêm ngặt Luật pháp. Trước tâm thức này, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hành tình yêu khiến cho việc tuân thủ luật pháp trở nên tương đối và mang lại cho nó ý nghĩa thực sự của nó.
Mt 23, 1-3 : Cội rễ hoặc nguồn gốc của lời chỉ trích: “Họ nói mà không làm”. Chúa Giêsu công nhận quyền bính của các Kinh sư và người Pharisiêu. Họ ngồi ghế của Môsê và giảng dạy luật pháp của Thiên Chúa, nhưng bản thân họ không tuân theo những gì họ dạy. Vì vậy, Chúa Giêsu bảo các môn đệ : “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm !” Đây là một sự chỉ trích thật khủng khiếp! Ngay lập tức, giống như trong một tấm gương, Chúa Giêsu cho thấy những khía cạnh của sự không thống nhất của nhà chức trách tôn giáo.
Mt 23, 4-7 : Soi gương để sửa đổi đời sống. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ chú ý đến hành vi thiếu mạch lạc của một số tiến sĩ Luật. Suy gẫm về sự không mạch lạc này, tốt hơn hết là không nhìn vào những người Pharisiêu và các Kinh sư thời đó đã qua, mà là nhìn vào chính chúng ta và sự không mạch lạc của chúng ta : họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy ; họ thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc và thích được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’. Còn các Kinh sư thích vào nhà các bà góa và đọc kinh thật dài để được nhận lại tiền ! (x. Mc 12, 40).
Mt 23, 8-10: Các người là anh em với nhau. Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng ta phải có thái độ ngược lại. Thay vì sử dụng tôn giáo và cộng đoàn như những phương tiện để tự quảng cáo hầu tỏ ra mình quan trọng hơn trước mặt những người khác, Chúa yêu cầu không sử dụng danh hiệu Giáo sĩ hoặc Thầy giáo, Sư phụ, Cha và Người chỉ đạo, vì chỉ có một Người Chỉ đạo, là Đức Kitô ; chỉ Thiên Chúa trên trời là Cha, và Chúa Giêsu là Tôn sư, là Thầy dạy. Các ngươi là anh em với nhau. Đây là nền tảng của tình huynh đệ đến từ sự chắc chắn rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta.
Mt 23, 11-12: Tóm tắt cuối cùng: người lớn nhất phải là người phục vụ. Cụm từ này là những gì mô tả sự dạy dỗ và hành vi của Chúa Giêsu: “Người lớn nhất trong anh em phải là đầy tớ của anh em; ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống” (x. Mc 10, 43 ; Lc 14, 11; 18, 14).
Lạy Cha mến yêu, đường lối của Cha là công bình và chân chính. Cha kêu gọi chúng con sám hối nội tâm và canh tân đời sống. Xin giúp chúng con thực thi công lý. Xin ở với chúng con trong cuộc chiến đấu để sửa chữa những điều sai trái và trong nỗ lực khiêm tốn của chúng con để chăm sóc những người nghèo túng và người yếu thế. Xin cho chúng con đi theo con đường của Chúa Giêsu, Vị Tôn Sư thần linh. Chúng con yêu mến và phục vụ Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen.
“Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình” (Is 1, 17)
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.