LECTIO DIVINA
‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’
Thánh PHÊRÔ và Thánh PHAOLÔ, Tông đồ, 29-6-2021
Mt 16, 13-19
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: hai Tông đồ Phêrô và Phaolô của Ngài là những cột trụ của Hội Thánh”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”.
Tin Mừng (Mt 16, 13-19) nói về việc Phêrô bày tỏ đức tin, tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và tiếp theo đó là việc Phêrô được trao quyền tại Xê-da-rê-a Phi-lip-phê với biểu tượng là “chìa khóa” Nước Trời. “Chìa khóa” tượng trưng cho quyền lực và sự cai quản được giao phó cho Tông đồ Phêrô để lãnh đạo Hội Thánh, sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Chúa Giêsu tuyên bố: Phêrô là ‘tảng đá’, trên đó Chúa sẽ xây dựng Hội Thánh của Chúa. Phêrô đảm nhận vai trò đứng đầu và phục vụ với uy quyền vì lợi ích của toàn bộ tòa nhà thiêng liêng, là Hội Thánh, có viên đá góc và nền tảng tối hậu là chính Chúa Giêsu Kitô. Theo ý muốn của Chúa Giêsu Kitô, thừa tác vụ của Phêrô với tư cách là viên ‘đá tảng’ của Hội Thánh và sự phục vụ với uy quyền của ông trong tư cách là người nhận “chìa khóa”, sẽ tồn tại qua thời gian và không gian.
Về Thánh Phaolô, lá thư gửi ông Timôthêu (2 Tm 4, 6-8, 17-18) cho ta biết: Tông đồ Phaolô là tù nhân vì Chúa Kitô và là người tham gia mật thiết vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô. Trải qua những điều kiện nhục nhã của một tù nhân ở Roma, Phaolô không ảo tưởng về kết quả của phiên tòa xử ngài. Biết rằng mình sẽ bị kết án tử hình, Phaolô không để cho bóng ma của cái chết làm mình nản chí. Đối mặt với sự chắc chắn phải tử đạo, Phaolô tuyên nhận sự che chở nhân từ của Thiên Chúa và nhận ra kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa hoạt động trong cuộc đời mình. Tin tưởng hoàn toàn vào Chúa Giêsu và biết rằng mình đã làm tất cả những gì có thể để loan báo Tin Mừng, Phaolô so sánh cuộc đời của mình với một hy lễ thiêng liêng và nói về cái chết sắp tới của mình như là một “cuộc đi đường” – một cuộc Vượt qua tiến về Nước Thiên Chúa. Biết rằng mình đã chiến đấu ngoan cường trong hoạt động cho Chúa Kitô và mình đã giữ vững niềm tin vào Chúa Kitô, Phaolô chắc chắn về “triều thiên công chính” đã được Chúa Giêsu chuẩn bị cho mình và cho tất cả những ai khao khát Chúa Kitô đến.
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Cộng đoàn của chúng ta có những ý kiến nào về Chúa Giêsu? Những khác biệt của chúng ta trong cách sống và cách bày tỏ đức tin, đã làm phong phú cộng đoàn hay làm cho cuộc hành trình và hiệp thông cộng đoàn trở nên khó khăn hơn? Tại sao?
– Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Tôi là ai đối với Chúa Giêsu?
– Cuộc sống của tôi có là một hy lễ thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa và là một cuộc Vượt qua tiến về Nước Thiên Chúa không?
– Mừng lễ trọng kính Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đem lại cho tôi sự hiểu biết nào về bản chất và sứ vụ của Hội Thánh?
– Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đã tham dự như thế nào vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Chúa Cha tốt lành, Cha làm cho tâm hồn chúng con tràn ngập niềm vui khi chúng con mừng kính các tông đồ vĩ đại của Cha: Thánh Phêrô, người lãnh đạo chúng con trong đức tin, và Thánh Phaolô, nhà truyền giáo bất khuất. Thánh Phêrô đã xây dựng Hội Thánh từ đoàn người trung thành của Israel. Thánh Phaolô đã mang lời kêu gọi của Cha đến các quốc gia, và trở thành thầy dạy của thế giới. Mỗi vị trong con đường mình đã chọn, đã quy tụ lại thành hợp nhất một gia đình của Chúa Kitô. Cả hai đều chia sẻ cái chết tử vì đạo và được ca ngợi khắp thế giới. Xin ban cho chúng con ơn bắt chước tác vụ mục tử của Thánh Phêrô đối với Hội Thánh và sự nhiệt tình của Thánh Phaolô để loan báo Tin Mừng cho các quốc gia. Chúng con tôn vinh và ngợi khen Cha, và chúng con cam kết yêu mến và phục vụ Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
– Tôi suy gẫm về những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã hoàn thành trong Hội Thánh qua chứng tá cuộc sống và tác vụ của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô.
– Tôi đọc và suy gẫm các thư của Thánh Phaolô và để cho mình được truyền cảm hứng từ những lời dạy của ngài.
– Bằng mọi cách có thể, tôi làm cho dân chúng ngày nay trải nghiệm tác vụ mục vụ và truyền giáo của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.