Lời Chúa Lễ Thánh Gia : CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA, THÁNH GIUSE Mt 2, 13-15.19-23 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài làm cho ta nên thành viên gia đình của Thiên Chúa”

LECTIO DIVINA

30-12-2022

Thánh Gia : CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA, THÁNH GIUSE

Mt 2, 13-15.19-23

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài làm cho ta nên thành viên gia đình của Thiên Chúa

1.LECTIO

Hãy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập

Thánh Gia – Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse – đã trải qua những thăng trầm của thân phận con người giống như bất kỳ ai trong chúng ta. Bài đọc Tin Mừng (Mt 2, 13-15, 19-23) kể về chuyến đi tỵ nạn của Thánh Gia đến Ai Cập và cuộc các Ngài trở về đất nước Israel sau cái chết của Hêrôđê. Trong chuyến đi tỵ nạn Ai Cập, Thánh Gia được hướng dẫn bởi Thánh Giuse, người bảo vệ, đã sống lại lịch sử dân Do Thái đi tìm sự ẩn náu ở một nơi ít thù địch hơn. Trong Sách Sáng thế, chúng ta đã đọc câu chuyện về cách tổ phụ Giacop rời bỏ đất Canaan, rồi cùng với toàn thể bộ tộc của mình đến sống ở Ai Cập, nơi người con yêu dấu của tổ phụ Giacop, là tổ phụ Giuse đang làm tổng quản. Thiên Chúa hiện ra với Giacop trong một giấc mơ, bảo đảm với Gicaop rằng: “Đừng sợ xuống Ai-cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. Chính Ta sẽ xuống Ai-cập với ngươi và chính Ta cũng sẽ đưa ngươi lên” (St 46, 3-4). Quả thật, chuyến đi của Thánh Gia tỵ nạn Ai Cập tương tự như chuyến đi của Giacop và gia đình tổ phụ với tư cách là những ‘người tị nạn’. Vào thời Chúa Giêsu, Ai Cập là nơi ẩn náu thông thường cho người Do Thái. Chỉ sau cái chết của Hêrôđê vào năm 4 trước Công nguyên, Thánh Gia mới an toàn trở về Palestine.

Tường thuật của tác giả Tin Mừng Matthêu về chuyến đi của Thánh Gia tỵ nạn Ai Cập kết thúc bằng một câu trích dẫn trong Cựu Ước: “Ta gọi Con Ta ra khỏi Ai Cập” (Hs 11, 1). Theo học giả Kinh thánh Daniel Harrington, “Trích đoạn sê 11, 1 đặt phần này của hành trình của Đấng Mêsia vào trong khuôn khổ của thánh ý Thiên Chúa. Trích đoạn này không chỉ xác định Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, mà còn gợi ý cho thấy rằng Chúa Giêsu là hiện thân của dân Thiên Chúa. Như Thiên Chúa đã gọi Israel cũ ra khỏi Ai Cập để tạo nên một dân tộc đặc biệt cho chính Ngài thế nào, thì Thiên Chúa cũng gọi Chúa Giêsu ra khỏi Ai Cập vào lãnh thổ của Israel để tạo nên một dân tộc mới như vậy. Nguyên tắc của tính liên tục giữa dân cũ và dân mới chính là Chúa Giêsu người Do Thái”. Như thế, Chúa Giêsu là Môsê mới và là Israel mới, đi ra khỏi Ai Cập. Được sinh ra bởi Mẹ Maria và có Thánh Giuse là người giám hộ, trẻ Giêsu có nhiệm vụ giải thoát loài người khỏi sự lưu đày là tội lỗi và sự chết – bằng cách trở thành tội thay cho chúng ta và chết để chúng ta được sống. Bàn tay cứu độ của Thiên Chúa hoạt động để giải cứu Thánh Gia khỏi sự lưu đày liên miên ở một vùng đất dân ngoại và (hoạt động) trong sứ mệnh giải phóng của Đấng Thiên Sai. Trong mùa Giáng Sinh tuyệt đẹp này, trẻ Giêsu đang được trình bày như là Đấng Thiên Sai-Đấng giải phóng của Dân mới của Thiên Chúa.

Matthêu tiếp tục tường thuật rằng khi Hêrôđê chết, thiên thần của Chúa đã hiện ra với Thánh Giuse trong giấc mơ bên Ai Cập, truyền lệnh cho ngài đem Hài Nhi và Mẹ Maria về đất Israel. Thánh Giuse đã làm như đã được lệnh, nhưng e sợ định cư ở Giuđêa Archelau độc ác, Thánh Giuse đã đi đến vùng Galilê. Thánh Giuse, cùng với các trách nhiệm thánh của mình, Mẹ Maria và Hài nhi Giêsu, đã đến cư ngụ trong một thị trấn tên là Nagiaret, để ứng nghiệm những gì các tiên tri đã nói : “Ngài sẽ được gọi là người Nagiaret” (Mt 2, 23; xem Is 11, 1; Thp 13-16). Theo Is 11, 1, nói về chồi non (nezer) mọc lên từ gốc tổ Giêsê, Hài Nhi Giêsu được trình bày như là Đấng Mêsia xuất thân từ dòng dõi hoàng gia Đavit. Và với Thp 13-16 như chân trời Kinh thánh, Chúa Giêsu được trình bày như một Samson mới, một người được thánh hiến hoặc nazir, và một nhân vật cứu thế anh hùng.

Thật vậy, trong cuộc sống là những người lưu vong và bị bắt bớ, Thánh Gia đã trải qua hầu hết những khó khăn, lo lắng và thăng trầm của các gia đình nhân loại khác trên trái đất. Trong tất cả những điều này, các ngài đặt mình vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong một tinh thần đức tin và cam kết dứt khoát với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

2.MEDITATIO  
Yếu tố hy sinh đan dệt thành sợi dọc, sợi ngang trong cuộc sống Thánh Gia như thế nào ?
Tôi có cố gắng noi gương Thánh Gia và nỗ lực xây dựng một cộng đoàn yêu thương, sự sống và ân sủng không ?
Làm thế nào để tôi trải nghiệm và thể hiện lòng hiếu thảo ?
Tôi làm gì để thăng tiến đời sống gia đình và làm thế nào để làm thấm đẫm đời sống gia đình bằng các giá trị Kitô giáo ?
Tại sao cử hành một cách có ý nghĩa ngày lễ Thánh Gia của Kitô giáo lại quan trọng ?
3.ORATIO  

Lạy Cha là Thiên Chúa thương xót, tình yêu của Cha và ân huệ Giáng sinh là Chúa Giêsu Kitô, sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã tự hạ mình xuống và do đó nâng thế gian sa ngã lên, để tất cả con cái của Cha có thể chia sẻ sự sống của Cha. Xin ban cho tất cả những ai được ràng buộc bởi mối quan hệ gia đình ân sủng bám vào Cha, sức mạnh để vâng lời Cha, sự sẵn lòng phục vụ Cha, và lòng biết ơn để ngợi khen Cha. Xin cho chúng con biết đón nhận mầu nhiệm khôn tả là Ngôi Lời trở nên người phàm, là Đức Giêsu Kitô, Con Cha, Đấng hằng sống hằng trị với Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở, muôn đời. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập

5.ACTIO  

Tôi nỗ lực đóng góp vào sự phát triển và vun đắp cuộc sống gia đình bằng lời nói và gương sáng của tôi. Khi cần, tôi sẵn sàng hy sinh điều tôi yêu thích để giúp đỡ người tôi yêu thương.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác

Comments are closed.