Lời Chúa Lễ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, Lễ Trọng,  24-11-2021 Ga 12, 24-26 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là hạt lúa gieo vào lòng đất và chết đi”

LECTIO DIVINA

‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, Lễ Trọng,  24-11-2021

Ga 12, 24-26

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là hạt lúa gieo vào lòng đất và chết đi”

1.   LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”

           Đoạn Tin Mừng Ga 12, 24-26 chứa đựng những từ ngữ trang trọng và mấu chốt liên quan đến phương thức theo đó sứ mệnh của Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài “trổ sinh nhiều hoa trái”. Nhưng cần lưu ý là trong tuyên bố trang trọng và trung tâm này của Chúa Giêsu, lời “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (câu 24), được đưa vào bối cảnh tường thuật của đoạn Ga 12, 12-36, nơi thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu trong tư cách là Đấng Mêsia với dân Israel và sự khước từ của người Do Thái đối với đề nghị đón nhận Ngài là Đấng Thiên Sai. Người Do Thái mong đợi một Đấng Thiên Sai (Mêsia) sẽ là một vị vua quyền lực, người sẽ tiếp nối phong cách hoàng gia của Đavít và sẽ khôi phục lại quá khứ huy hoàng cho dân Israel. Nhưng, Chúa Giêsu đặt vào giữa sự kiện là Đấng Thiên Sai của mình, việc Ngài hiến dâng mạng sống của mình và thực tại con người được ban cho khả năng chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.

           Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn đơn sơ, phác họa sự hiến dâng mạng sống của mình, như một đặc điểm cốt yếu của sự kiện Ngài là Đấng Thiên Sai. Chúa mô tả sự kiện trọng tâm và mang tính quyết định trong cuộc đời Ngài, bằng những hình ảnh lấy từ môi trường nông nghiệp, để làm cho những câu chuyện dụ ngôn của mình trở nên thú vị và trực tiếp. Đó là câu chuyện về một hạt giống : một dụ ngôn đơn sơ để giao tiếp với mọi người một cách đơn giản và minh bạch : một hạt giống bắt đầu cuộc hành trình của nó trong khúc quanh tăm tối của lòng đất, nơi nó bị bóp nghẹt và khô héo, nhưng vào mùa xuân nó trở thành một cái cây xanh tươi, và vào mùa hè, thành một cụm hoa mang hạt. Dụ ngôn có hai điểm chính : trổ sinh nhiều trái ; và tìm được sự sống vĩnh cửu. Hạt giống chọc thủng tăm tối của lòng đất đã được các Giáo phụ đầu tiên của Giáo Hội giải thích là một biểu tượng liên quan đến sự Nhập thể của Con Thiên Chúa. Trong lòng đất, dường như sức mạnh quan trọng của hạt giống đã được định sẵn để biến mất vì hạt giống khô héo và chết đi. Nhưng rồi xảy ra sự bất ngờ của thiên nhiên : vào mùa hè khi những cụm hoa chuyển sang màu vàng, thì bí mật sâu xa về cái chết đã được hé lộ. Chúa Giêsu biết rằng cái chết đang đến gần, đang đe dọa con người của Ngài… Đúng là cái chết có những đặc điểm của tăm tối và sự bị xé nát, nhưng đối với Chúa Giêsu, cái chết chứa đựng sức mạnh bí mật điển hình của việc sinh con, một mầu nhiệm của sự sinh sản và của sự sống. Dưới ánh sáng của mạc khải này, người ta có thể hiểu một cách diễn tả khác được Chúa Giêsu sử dụng : “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. Bất cứ ai coi mạng sống của mình như một tài sản lạnh lùng phải được sống trong chủ nghĩa vị kỷ thì cũng giống như một hạt giống khép kín trong chính nó và không có bất kỳ viễn tượng nào về sự sống. Ngược lại, ai “ghét cuộc sống của mình”, một cách diễn đạt kiểu Xê-mít rất sắc nét để chỉ sự từ bỏ, thì hoàn thành bản thân hiểu theo nghĩa hiện hữu để trao ban cho người khác. Chỉ như vậy cuộc sống mới trở nên sáng tạo : đó là nguồn của bình an, của hạnh phúc và của sự sống. Đó là thực tế của hạt giống nảy mầm. Người đọc còn có thể nhận ra trong dụ ngôn đơn sơ của Chúa Giêsu một chiều kích khác, đó là chiều kích “Vượt Qua”. Chúa Giêsu biết rằng để dẫn dắt nhân loại đến ngưỡng cửa của tình yêu Thiên Chúa, Ngài phải trải qua con đường tăm tối của cái chết trên thập giá. Trên chặng đường của cuộc sống này, người môn đệ cũng phải đối mặt với “giờ” của chính mình, giờ của sự chết, với sự xác tín rằng nó sẽ dẫn đến sự sống vĩnh cửu, nghĩa là hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.

           Câu chuyện của hạt giống là câu chuyện của sự chết đi để sinh sôi nảy nở ; chức năng của hạt giống là phục vụ sự sống. Sự hủy mình của Chúa Giêsu có thể so sánh với hạt giống sự sống được chôn vùi trong lòng đất. Trong cuộc sống của Chúa Giêsu, yêu là phục vụ và phục vụ là đánh mất chính mình trong cuộc sống của người khác, chết cho chính mình để người khác được sống. Trong khi “giờ” của mình đang đến gần, kết thúc sứ mệnh, Chúa Giêsu đảm bảo với những người thuộc về Ngài bằng lời hứa về một sự an ủi và một niềm vui bất tận, kèm theo mọi loại lo âu, phiền muộn. Chúa đưa ra ví dụ về hạt giống phải khô héo và về người phụ nữ phải sinh con trong nỗi đau đớn của việc sinh nở. Đức Kitô đã chọn thập giá cho chính mình và cho những người thuộc về Ngài : bất cứ ai muốn trở thành môn đệ của Ngài, đều được mời gọi chia sẻ cùng một hành trình của Ngài. Ngài luôn nói với các môn đệ một cách triệt để : “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

2.   MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

           Trong một lần viếng thăm nước Pháp, Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã không ngại nói với nước Pháp thế này : “Hỡi nước Pháp, ngươi hãy nhớ lại lời hứa khi chịu phép rửa tội?” Ý của ĐGH muốn nói là : nước Pháp là đất nước luôn tự hào mình là trưởng nữ của Giáo Hội, vì sớm được biết Chúa, lại có nhiều vị thánh, nhiều sáng kiến phát triển đạo trong các trào lưu thần học, giáo lý, nhiều sáng kiến thành lập các phong trào, các đoàn hội, nhiều cơ sở tôn giáo như đền đài, nhà thờ, nhà nguyện, dòng tu, chủng viện…Thế nhưng, niềm tự hào là trưởng nữ của Giáo Hội xem chừng đang mất dần nội dung, đã trở nên rỗng tuếch và tự hào hão.

           Tương tự như đối với nước Pháp, hôm nay mừng lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam, liệu chúng ta có phải nghe cảnh cáo của Vị thánh giáo hoàng đã tuyên thánh, vào năm 1988, cho 117 vị tử đạo VN không ? Rất có thể, ngài cũng đang bảo chúng ta : “Hỡi Việt Nam, ngươi hãy nhớ lại lời hứa khi chịu phép rửa tội ?” Vì Giáo hội Việt Nam từng bị bách hại 300 năm ; trong 300 năm bị bách hại, Giáo hội Việt Nam đã có tới 300 ngàn vị tử đạo, nghĩa là mỗi 100 năm, có 100 ngàn vị tử đạo. Chia đều ra thì mỗi năm có 1000 vị tử đạo, cũng có nghĩa là mỗi ngày có khoảng 3 vị tử đạo. Thật đáng tự hào! Nhưng niềm tự hào có nội dung không ?

           Vậy, cần làm gì để khỏi tự hào hão về số lượng đông đảo các thánh TĐVN ? Cần làm gì để tiếp nối truyền thống tử đạo của cha ông ? Cần làm gì để tăng trưởng trong tình yêu ngày càng sâu đậm hơn đối với Thiên Chúa và anh chị em để biến đổi cuộc sống chúng ta và qua đó biến đổi thế giới chúng ta đang sống ?

3.   ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

           Lạy Chúa Giêsu là người đầy tớ đau khổ mà tiên tri Isaia đã nói tới (x. Is 52,13-15) ; Chúa đã hiến mình để cứu chuộc muôn người (x. Mt 20, 28). Chúa là “hạt lúa đến từ Thiên Chúa, hạt lúa thần linh, để mình rơi xuống đất, để mình bị bẻ ra, gẫy vỡ trong sự chết, để chính nhờ đó, hạt lúa ấy nở ra và có thể mang lại hoa trái dồi dào trong thế giới” (Bênêđictô XVI, cuộc viếng thăm Nhà thờ Luther ở Roma, 14-3-2010). Chúa chính là Vị tử đạo đầu tiên.

           Lạy Chúa Giêsu là Vị tử đạo đầu tiên, Chúa đã khơi gợi những vị tử đạo kế tiếp khi mời gọi : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-24). Lời mời này chứa đựng luận lý của hạt lúa phải chết đi để có thể nảy mầm và mang lại sự sống (x. Ga 12, 24). Luận lý của hạt lúa được thánh Phaolô diễn lại bằng khẳng định đầy xác tín : “Những ai muốn sống đạo đức trong Đức Kitô Giêsu, đều sẽ bị bắt bớ”. Khẳng định này của Phaolô thật là khả tín vì đó là kinh nghiệm của Phaolô : “Vì Tin Mừng là Đức Giêsu, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích ! Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời”.

           Tiếp nối Phaolô, lạy Chúa Giêsu, các thánh tử đạo VN chúng con là những người đã theo Chúa đến cùng, tự nguyện chấp nhận chết vì Chúa, trong thử thách tột cùng của đức tin và đức mến (x. LG 42). Như Phaolô, các thánh tử đạo VN đã dựa vào cái chết của Chúa, trên hy tế tình thương tột độ của Chúa, để nhân loại được sống (x. Ga 10, 10). “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người ”. Xin Chúa giúp chúng con bắt chước các các thánh tử đạo VN, Cha Ông chúng con là sống cho Chúa và chết vì Chúa. Amen.

4.   CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

           “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”

5.   ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

           Tôi sống cuộc sống mỗi ngày với ý thức luôn cho đi chính mình, làm cho tình yêu được phát sinh, và chọn Chúa bằng cách ôm lấy thập giá với Chúa.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.