Lời Chúa Lễ Ban Ngày, 25-12-2020 (Ga 1, 1-18) “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài là Ngôi Lời làm người”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

CHÚA GIÁNG SINH

Lễ Ban Ngày, 25-12-2020

Ga 1, 1-18

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài là Ngôi Lời làm người”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”

          Các bài đọc được công bố trong Thánh lễ Ban Ngày Giáng Sinh cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về mầu nhiệm Giáng Sinh. Trong Lời Mở Đầu Tin Mừng (Ga 1, 1-18), Thánh Gioan khẳng định: “Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Khái niệm sâu sắc nhất về “LỜI” không chỉ là sự phát biểu bằng lời nói hoặc sự diễn đạt ý nghĩ. Trong truyền thống Kinh Thánh của người Do Thái, lời của Thiên Chúa hay “dabar” là chính Thiên Chúa truyền đạt và trao ban chính mình trong sự tự mạc khải. “Dabar” đối với dân Israel là một điều gì đó cực kỳ thuộc về con người. Sự thông truyền “lời” thực sự là thông truyền chính người nói. Trong trường hợp của “Lời Thiên Chúa”, điều được truyền đạt là chính thực tại thiêng liêng – chính ngôi vị của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa mạc khải mình là Đấng Tạo Hóa, Đấng Giải Phóng và Đấng Cứu Độ. Nhà thần học người Đức, Karl Rahner, nhận xét: “Khi chúng ta nói đó là lễ Giáng Sinh, chúng ta muốn nói rằng trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã nói lời dứt khoát, cuối cùng và đẹp đẽ của Ngài… một lời không thể rút lại được. Và lời đó có nghĩa là: Cha yêu con”.

          Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã nói ra lời đẹp nhất của Ngài trong Chúa Giêsu Kitô. Trong bài đọc hai hôm nay (Dt 1, 1-6), chúng ta đọc: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”. Ý nghĩa ngôi vị Thiên Chúa là “TÌNH YÊU” đã được mạc khải dứt khoát khi Thiên Chúa phán với chúng ta qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Nơi Lời-hóa-thành-nhục-thể là Lời quyết định của Thiên Chúa, tức Tin Mừng, Lời cứu độ. Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, tóm tắt lại tất cả những lời trước đó về sự cứu độ, đưa chúng đến sự ứng nghiệm hoàn hảo. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đem tin mừng cứu độ đến cho mọi người và nơi Ngài “mọi người ở tận cùng trái đất sẽ nhìn thấy quyền năng cứu độ của Thiên Chúa” (x. Is 52, 10). Thật vậy, nhờ mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu làm cho chúng ta có thể đến với trái tim Thiên Chúa. Được sinh ra “trong xác thịt” của Đức Maria, Con Thiên Chúa được định để chết trên thập giá, được phục sinh vinh quang và để thông truyền cho chúng ta sự viên mãn của sự sống, ánh sáng và tình yêu của Người.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Đâu là đáp trả cá nhân của tôi đối với “Lời đã trở nên người phàm”?

–      Sự kiện “Thiên Chúa phán với chúng ta” qua Con của Ngài định hình cuộc sống của tôi như thế nào?

–      Tôi có nỗ lực để cho “tận cùng trái đất nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” không?

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

          Lạy Thiên Chúa tình yêu, Cha của tất cả, bóng tối bao phủ trái đất đã nhường chỗ cho bình minh tươi sáng của Ngôi Lời làm người. Xin làm cho chúng con trở thành một dân tộc của ánh sáng này. Xin làm cho chúng con trung thành với Lời của Cha, để chúng con có thể mang sự sống của Cha đến cho thế giới đang chờ đợi. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–      Tôi thưởng thức các cảnh trình bày, âm thanh, hương vị, nội dung và hình thức của việc cử hành lễ Giáng Sinh.

–      Trên hết, bằng những công việc bác ái, tôi giúp những người nghèo khổ trong xã hội ngày nay cảm nghiệm được lòng thương xót và sự trắc ẩn của Ngôi Lời làm người.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.