LECTIO DIVINA
Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí
Chúa Nhật XXXIII-TN_A, 15-11-2020
Mt 25, 14-30
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài dạy ta hãy đáng tin cậy vì Nước Trời”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Được giao ít mà anh đã trung thành… Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh”
Các bài đọc Kinh Thánh trong Chúa Nhật hôm nay, áp Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, chuẩn bị chúng ta cho sự trở lại được mong đợi của Chúa Giêsu vào ngày cuối cùng. Bài đọc Tin Mừng (Mt 25, 14-30) không chỉ hướng mắt chúng ta về biến cố cuối cùng là việc Chúa đến, về sự kết thúc và hoàn tất toàn bộ lịch sử cứu độ, mà còn giúp chúng ta sống hiện tại dưới ánh sáng sự hoàn tất đó. Dụ ngôn về các yến bạc, được công bố trong bài đọc Tin Mừng, kích thích niềm hy vọng của chúng ta và làm sống lại lòng nhiệt thành của ta trong việc phụng sự Thiên Chúa một cách hiệu quả trong thời gian chuyển tiếp này trước ngày Chúa quang lâm.
Trong dụ ngôn những yến bạc (Mt 25, 14-30), Chúa Giêsu kể câu chuyện về người chủ đã phân phát các khoản tiền khác nhau cho ba người đầy tớ trước khi ông lên đường đi xa. Từ tiếng Hy Lạp mô tả những số tiền này là “yến bạc”. Có hai người đầy tớ đầu tư những yến bạc của chủ và làm tăng gấp đôi số tiền; người còn lại đào một cái hố dưới đất và chôn cất yến bạc được chủ giao cho hắn. Ông chủ trở về và yêu cầu tính sổ. Mấu chốt của câu chuyện không phải là sự không chắc chắn về thời gian quang lâm, mà là sự tính sổ sẽ đến và trách nhiệm được kỳ vọng của chúng ta.
Harold Buetow suy gẫm về ý nghĩa của dụ ngôn này: “Đôi khi, chúng ta, những Kitô hữu, ủng hộ sự an toàn suôn sẻ, tự mãn không muốn chấp nhận những rủi ro táo bạo mà người khác thực hiện cho công việc kinh doanh và mạo hiểm cá nhân của họ. Phụng vụ hôm nay vào Chúa Nhật áp chót này của năm phụng vụ cố gắng giúp chúng ta thẳng thắn. Câu chuyện về những yến bạc của Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy mạnh dạn thích chủ động mạo hiểm trong cuộc sống của mình hơn là sự tự mãn thụ động… Tiêu chuẩn phán xét của Thiên Chúa về mỗi người đều liên quan đến những yến bạc đã giao: quà tặng càng lớn thì trách nhiệm càng lớn! Chúng ta là những đầy tớ trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, và người chủ vắng mặt là biểu tượng của Đức Kitô; sự trở lại của Ngài là một cảnh phán xét… Hình phạt dành cho người vô tích sự – người thực sự không làm gì cả – cũng khắc nghiệt như thế đối với những tội lỗi rõ ràng hơn. Không phải tất cả chúng ta đều bình đẳng về những tài năng, nhưng tất cả chúng ta đều được mời cộng tác vào công việc của Tin Mừng tùy theo cơ hội, khả năng và ân huệ của cá nhân mình. Có lẽ nghịch lý là cái lý do khiến ông chủ lấy đi những gì ít ỏi mà người đầy tớ vô dụng có, và đưa những cái đó cho người đầy tớ sinh lợi nhất, đó là việc sử dụng ân huệ của Thiên Chúa giống như việc học ngoại ngữ hoặc chơi vàng: nếu chúng ta không sử dụng nó, chúng ta đánh mất nó… Nhiều người, theo tiêu chuẩn bên ngoài, là rất “thành công”. Họ sở hữu những ngôi nhà đẹp, ăn uống trong những nhà hàng sang trọng, chưng diện đẹp mắt và trong một số trường hợp là làm những công việc có ích cho xã hội. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn chúng ta biết rằng sự cứu rỗi sẽ đến với những ai chuẩn bị liều mạng vì Ngài”.
Dụ ngôn về các yến bạc củng cố trách nhiệm của chúng ta là phải trở thành những người phục vụ đáng tin cậy, tích cực và hiệu quả trong thời gian chờ đợi sự trở lại của Ông Chủ.
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Tôi rút ra những bài học nào từ các hành động của những người đầy tớ trung thành trong dụ ngôn Tin Mừng? Tôi lượm lặt được những bài học nào từ lập trường của “người đầy tớ được giao một yến bạc”?
– Tôi chuẩn bị thế nào cho Ngày của Chúa để ngày ấy không xảy đến bất thình lình cho tôi như kẻ trộm trong đêm?
– Trong cộng đoàn của chúng ta, chúng ta có cố gắng tìm biết và quý trọng những ân huệ của mỗi người không? Cộng đoàn của chúng ta có phải là nơi mà mọi người có thể biết đến tài năng của mình và làm cho người khác có thể dùng đến những tài năng đó không? Đôi khi, những ân huệ của người nào đó sinh ra sự ghen tị và cạnh tranh ở những người khác. Chúng ta phản ứng thế nào?
– Câu sau đây phải được hiểu thế nào: “Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.”
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Thiên Chúa quyền năng, chúng con cảm ơn Chúa vì sự sáng tạo tràn đầy năng lượng và sự cống hiến hết lòng của “những người đầy tớ được giao cho nhiều yến bạc”. Họ dạy chúng con tham gia một cách hiệu quả vào các công việc của nước Chúa. Xin giải thoát chúng con khỏi cái luận lý biến thái của người đầy tớ “chơi an toàn, tránh rủi ro”, thích đào một cái lỗ dưới đất và làm cho kho báu của Chúa trở nên vô ích. Để chúng con có thể tạo ra một tác động thực sự trong lịch sử ngày nay, xin cho chúng con đích thân tham gia vào việc làm cho nước Chúa trị đến. Xin giúp chúng con sử dụng tài năng của mình một cách đầy đủ và sáng tạo để phục vụ Tin Mừng. Chúng con cảm ơn Chúa về lời chứng sống động của Thánh Phaolô, người khuyến khích chúng con sẵn sàng cho Ngày của Chúa. Là con cái của ánh sáng, ước gì chúng con biết noi gương Chúa trong việc sống cuộc đời của Đức Kitô và làm rạng rỡ Tin Mừng của Ngài cho thế giới. Xin đừng để Ngày của Chúa xảy đến bất thình lình cho chúng con như một tên trộm, nhưng đúng hơn, xin để cho ngày đó trở thành một ân huệ cứu rỗi cho chúng con. Vì vương quốc, quyền lực và vinh quang là của Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Được giao ít mà anh đã trung thành… Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh”
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
– Cầu xin ơn chết lành và ơn sẵn sàng hơn cho Ngày Chúa đến. Bằng những hành động công bằng, nhân hậu và từ bi của bạn, hãy chứng tỏ bạn là con cái của ánh sáng, háo hức chào đón Ngày của Chúa.
– Để giúp cảm nghiệm Ngày của Chúa như một biến cố ân sủng, tôi dành những giây phút tĩnh lặng để cầu nguyện trước Thánh Thể.
– “Sống khiêm hạ để loan báo Tin Mừng” là một định hướng đúng. Muốn biết mình khiêm hạ đến đâu, ta có thể tự kiểm tra dựa theo Ba mức độ khiêm tốn theo Thánh Ignatio (sách Linh Thao). Tuần này, NTCGLM xem xét 02 mức độ đầu tiên:
o Mức độ thứ nhất là khi người ta không làm gì sai trái về mặt luân lý. Nghĩa là, họ đang có một cuộc sống lành mạnh.
o Mức độ thứ hai là khi một người, đứng trước những lựa chọn – ví dụ giữa giàu có và nghèo đói, hay giữa danh dự và nhục nhã – người ấy cảm thấy hoàn toàn tự do để chấp nhận bất cứ điều gì Chúa muốn, không vướng víu vào bất kỳ bên nào hay cái nào. Hễ Chúa muốn cái gì thì mình chọn cái ấy, bất kể là giàu có hay nghèo đói, danh dự hay nhục nhã.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.