Lời Chúa Chúa Nhật XXXII-TN_C, 06-11-2022 Lc 20, 27-38 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài sẽ cho chúng ta sống lại”

LECTIO DIVINA

Chúa Nhật XXXII-TN_C, 06-11-2022

Lc 20, 27-38

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài sẽ cho chúng ta sống lại

1.LECTIO

“Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống”

Bài đọc Tin Mừng (Lc 20, 27-38) giới thiệu cho chúng ta về những người Sa-đu-sê-ô, là một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo chối bỏ chuyện có sự sống lại và muốn lôi kéo Chúa Giêsu vào một lập luận rút gọn đến vô lý chống lại học thuyết sau này về sự sống lại của thân xác. Để phản bác cái lập luận giảm trừ đến vô lý của những người Sa-đu-sê-ô mưu mô, Chúa Giêsu, trước hết, cũng sử dụng phương thức lập luận giảm trừ đến vô lý. Vị Tôn Sư Thần Linh biện luận rằng cuộc sống đời sau, vốn không có chỗ cho sự chết, làm cho việc kết hôn và tái hôn không thích hợp. Chúa giảm trừ thành từng mảnh tiền đề cơ bản của những người Sa-đu-sê-ô cho rằng cuộc sống đời sau là sự tiếp nối của cuộc sống này, và do đó cần sự thông truyền nòi giống con người, kẻo sự sống này mất đi. Những người được sống lại không còn có thể bị chết. Theo Chúa Giêsu: “Họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20, 36). Sự sống được thay đổi, không chỉ đơn thuần là phục hồi.

Sự phản bác thứ hai của Chúa Giêsu có nguồn gốc từ kinh Torah. Vì người Sa-đu-sê-ô chỉ tuân giữ Luật Mô-sê, nên Chúa Giêsu sử dụng điều đó để củng cố lập luận của mình về sự sống phục sinh: “Về vấn đề kẻ chết chỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20, 38-39). Chúa Giêsu cũng trích dẫn Kinh Torah (Xh 3, 6) để chứng minh rằng cái chết không kết thúc sự tồn tại của con người. Khi Thiên Chúa nói : “Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp”, điều này ngụ ý rằng mối liên hệ của Thiên Chúa với các tổ phụ này là vĩnh cửu và mang tính cá vị. Những người chết đang sống và một ngày nào đó sẽ được chia sẻ sự sống phục sinh mà Đấng Mê-si-a sẽ khai mở.

Chính nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, mà chúng ta được đưa đến sự sống đích thực và vĩnh cửu. Niềm tin của chúng ta vào sự phục sinh của chúng ta dựa trên niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô phục sinh. Harold Buetow nhận xét: “Niềm tin của người Kitô hữu vào sự bất tử là duy nhất và đặc biệt. Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô là Tin Mừng về sự sống sung mãn trong thời đại này, và về sự phục sinh trong thời đại mai sau. Đối với chúng ta, cái chết là một cánh cửa, chứ không phải là một bức tường – không phải là bức tường kết thúc sự phát triển và hành động như bức tường Berlin, mà là cánh cửa dẫn vào một căn phòng có cây thông Noel đầy bất ngờ. Ai đó đã so sánh cái chết với việc đứng trên bờ biển. Một con thuyền vươn cánh buồm trắng muốt đón gió ban mai và bắt đầu ra khơi. Con thuyền khuất dần ở phía chân trời, và ai đó nói, “Con thuyền đi rồi”. Ngay lúc ai đó nói, “Con thuyền đi rồi”, thì những giọng nói khác đang theo dõi con thuyền đến một bến bờ khác, đã vui sướng hét lên, “Con thuyền đến rồi”. Hoặc sử dụng một phép ẩn dụ khác, cái mà con sâu bướm gọi là ‘sự kết thúc’, thì con bướm gọi là ‘sự bắt đầu’ ”.

2.MEDITATIO  
Chúa Giêsu chứng thực như thế nào về thực tại sự sống lại ?
Tại sao Đức Giêsu Kitô, Chúa Phục sinh, là sự bảo đảm về sự phục sinh của tôi ?
Tôi làm cách nào để đào sâu đức tin của tôi vào Đức Giêsu Kitô là suối nguồn của sự sống vĩnh cửu ?
Tôi có mong chờ sự “phục sinh của thân xác” và sự sống đời đời không ?
Làm thế nào để những “thực tại cuối cùng” (chết, phán xét, thiên đàng, hoả ngục) hình thành và ảnh hưởng đến cách tôi sống ở đây và lúc này ?
3.ORATIO  

Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, hằng hữu, chúng con xin sống ngay chính trong mọi lúc và ở mọi nơi để tạ ơn Cha nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Nơi Ngài, là Đấng đã sống lại từ trong kẻ chết, niềm hy vọng phục sinh của chúng con bắt đầu lộ ra. Nỗi buồn phải chết nhường chỗ cho lời hứa tươi sáng về sự bất tử. Lạy Chúa, đối với những người trung thành với Chúa, sự sống thay đổi chứ không phải kết thúc. Khi thân xác là nơi cư ngụ trên trần gian của chúng con chìm vào trong sự chết, chúng con có được một nơi ở vĩnh cửu trên thiên đàng. Lạy Thiên Chúa của kẻ sống, trong Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, chúng con thực sự đang sống. Nơi Ngài, xin cho chúng con đạt được sự sống sung mãn trong Nước đời đời của Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống

5.ACTIO  
Tôi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời : xin cho họ sớm được nhận vào niềm vui vĩnh cửu.
Tôi mang sự an ủi của niềm tin vào sự phục sinh của chúng ta trong tương lai đến cho tang quyến và cho những người đang trải qua những “cái chết” đau đớn trong đời sống đạo đức và tâm linh của họ.
Tôi là một tác nhân về sự “phục sinh” cho người nghèo khó, người thiếu thốn và những người đau khổ trong thế giới ngày nay.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.