LECTIO DIVINA
‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’
Chúa Nhật XXXII-TN_B, 07-11-2021
Mc 12, 38-44
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài kêu gọi chúng ta tự hiến mình trọn vẹn”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”
Các bài đọc kinh thánh Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta một bài học về sự hiến dâng trọn vẹn và một lòng, một dạ. Riêng bài Tin Mừng (Mc 12, 38-44) mô tả dung mạo hấp dẫn của một bà góa nghèo túng nhưng cực kỳ quảng đại. Quan sát hành động chân thành của bà góa nghèo bỏ hai đồng xu nhỏ vào thùng tiền của đền thờ, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đến với mình để chỉ cho họ thấy sự tương phản sâu sắc giữa việc cho đi hoàn toàn và cho đi không hoàn toàn. Đấng dạy cho biết ý nghĩa của việc cho đi trọn vẹn, chính Đấng ấy là “Quà tặng” và là “Người trao tặng”. Chúa Giêsu, Người Tôi tớ-Con Thiên Chúa là Vị Chúa tự hiến tối thượng – Đấng Nghèo đích thật duy nhất, đã dâng lại mọi thứ cho Thiên Chúa, gồm cả chính mạng sống của mình trên thập giá. Đức Kitô đã hiến dâng mạng sống của mình “một lần thay cho tất cả” để cứu chuộc chúng ta. Kết hợp với Ngài, cuộc sống của chúng ta trở nên có thể tự hiến trọn vẹn. Theo bước chân của Vị Tôn Sư thần linh, Người Nghèo Hèn (Anawim) đích thật của Giavê, cuộc sống của chúng ta được biến đổi thành một Totus Tuus (tất cả là của Ngài) – một quà tặng toàn tâm toàn ý dâng lên Thiên Chúa.
Sắp kết thúc năm phụng vụ, và khi đang hoàn thành năm ân sủng của Giáo Hội, thật phù hợp cho chúng ta suy gẫm về phẩm chất ‘tất cả là của Chúa’ (Totus Tuus) của mối quan hệ của Thiên Chúa với chúng ta, cũng như về đặc tính ‘tất cả là của Chúa’ (Totus Tuus) của sự đáp trả mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta. Học giả kinh thánh Eugene Maly nhận xét: “Totus Tuus” (Tất cả là của Chúa)… Sự tự hiến hoàn toàn như vậy là đặc điểm của sự thờ phượng theo Kinh thánh. Sự tự hiến đó không được hiểu là một sáng kiến hoàn toàn của con người. Đúng hơn, đó là sự đáp trả cần có trước tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã yêu trước. Sau đó, được tình yêu ấy tiếp thêm sức mạnh, chúng ta có thể lần lượt yêu mến Thiên Chúa và người lân cận… Tình yêu khởi đầu của Thiên Chúa luôn đi bước trước. Cuộc sống của chúng ta phải là, hoặc cần là, một lời cảm ơn sâu sắc đến Thiên Chúa yêu thương. Và lời cảm ơn phải được bày tỏ cách chân thành”.
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Tôi phản ứng thế nào trước các tình huống cực kỳ dễ bị tổn thương, bất an và nghèo đói?
– Tôi có quan điểm rộng rãi của những bà góa đầy đức tin ở Sarepta và trong Tin Mừng không?
– Tôi có để cho mình được định hình theo Chúa Giêsu, Đấng tự hiến, Đấng là Anawim, Người Nghèo đích thực – Đấng Nghèo tột bực của Giavê không?
– Tôi có tin rằng bằng hành động tự hiến hoàn toàn và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, tôi sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc đích thực và sự sống sung mãn không?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Chúa Cha yêu mến, lòng quảng đại của người nghèo được Cha nhìn đến. Con của Cha là Chúa Giêsu nhìn thấy tâm lòng của bà góa nghèo dâng hai đồng tiền nhỏ – là “tất cả mọi thứ” của bà. Cha đón nhận những người “không có gì” theo tiêu chuẩn của thế gian, nhưng giàu đức tin. Cha nhân từ nhìn đến những người thấp hèn, giống như Chúa Giêsu, có khả năng tự hiến trọn vẹn. Xin giúp chúng con sống nghèo khó về tinh thần nhưng dồi dào ơn thánh. Cha hằng sống và hiển trị mãi mãi. Amen.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có”
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
– Cầu nguyện cho tinh thần ‘tất cả là của Chúa’ (Totus Tuus) hay sự dâng hiến trọn vẹn làm sống động đời sống làm môn đệ Đức Kitô và phục vụ của chúng ta.
– Cũng cầu nguyện cho sự sửa chữa những cơ cấu bất công dẫn đến tình trạng bần cùng hóa và gia tăng lạm dụng những người nghèo khó và thiếu thốn trong xã hội ngày nay.
– Cố gắng dâng tặng những món quà bạn đã nhận được từ Chúa nhằm thiện ích, và phục vụ cộng đồng.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.