Lời Chúa Chúa Nhật XXX-TN_C, 23-10-2022 CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO Lc 18, 9-14 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài nâng cao kẻ khiêm nhường”

LECTIO DIVINA

Chúa Nhật XXX-TN_C, 23-10-2022

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Lc 18, 9-14

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài nâng cao kẻ khiêm nhường

1.LECTIO

Người thu thuế, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người Pharisiêu thì không

Dụ ngôn Tin Mừng hôm nay (Lc 18, 9-14) cũng trình bày một sự tương phản giữa hai nhân vật: người Pharisiêu tự cho mình là công chính và người thu thuế thống hối, ăn năn. Thảm kịch của người Pharisiêu tự cho mình công chính, hệ tại chỗ người này không coi mình là tôi tớ của Thiên Chúa, mà là người đáng được Thiên Chúa ban cho điều thiện hảo vì đã hoàn thành tốt một việc nào đó. Thái độ tự cao tự đại của người Pharisiêu rất trái ngược với lời khuyên răn của Chúa Giêsu về sự phục vụ trong khiêm tốn : “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi’ ” (Lc 17, 10). Bên cạnh sự kiêu hãnh, người Pharisiêu còn mắc tội khinh thường người thu thuế.

Nét sắc bén của dụ ngôn về người Pharisiêu và người thu thuế là kết luận đáng kinh ngạc của Chúa Giêsu: “Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18, 14). Theo học giả phụng vụ, Adrian Nocent : “Chỉ riêng phần kết luận đã khiến chúng ta quan tâm: người thu thuế về nhà đã được nên công chính. Từ ngữ này thật quan trọng. Người công chính là người được Thiên Chúa làm cho nên công chính ; người ấy nhận được ân huệ của Thiên Chúa, không phải vì người ấy đã công chính rồi, nhưng vì trong sự khiêm tốn của mình, người ấy tin rằng Thiên Chúa thương xót anh ta và tha thứ tội lỗi cho anh ta. Những việc làm của con người, ngay cả khi những việc làm này không hề xấu xa, thì vẫn không bao giờ đáng được tha thứ ; chỉ sự hy sinh của Con Chúa nhập thể mới có uy lực tha thứ. Vì sự hy sinh đó, Chúa Thánh Thần ban sự tha thứ cho những ai tin, và họ trở về nhà, và được nên công chính”.

2.MEDITATIO  
Trong mối quan hệ với Thiên Chúa, tôi thường đóng vai người nào: là người Pharisiêu tự cho mình là công chính, liệt kê các nhân đức của mình, và coi thường kẻ có tội, hay là người thu thuế ăn năn, đấm ngực và cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” ?
Tôi có nhận ra rằng tài sản đích thực của tôi là sự cởi mở với Chúa Thánh Thần, đau buồn vì tội lỗi của mình và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa không ?
Tôi có nhận ra rằng sự khiêm tốn là một thái độ cơ bản trong lời cầu nguyện và mối quan hệ của tôi với Thiên Chúa không? Làm thế nào tôi để cho nhận thức này hình thành và uốn nắn đời sống cầu nguyện và phục vụ của tôi dành cho Thiên Chúa cũng như tha nhân ?
Tôi có cố gắng hng ngày dâng lên Thiên Chúa “lời cầu nguyện của kẻ hèn mọn” không ?
3.ORATIO  

Lạy Cha yêu thương, ơn công chính hóa chỉ nơi một mình Cha, và được Cha ban cho tấm lòng thống hối ăn năn. Xin Cha biến đổi sự ngạo mạn, xấc xược của chúng con thành sự cởi mở với ân sủng của Cha, để giống như người thu thuế thống hối ăn năn, chúng con có thể trở về nhà trong vòng tay chào đón của Cha, trong tình trạng được công chính hóa hoàn toàn nhờ sức mạnh tình yêu của Cha và sự hy sinh cứu độ của Con yêu dấu của Cha, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Công Chính vô tội chịu đau khổ trên cây thánh giá. Chúng con tôn vinh và ngợi khen Cha bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên

5.ACTIO  
Với tinh thần thống hối, ăn năn, tôi đọc ba lần cách chậm rãi và có ý nghĩa, lời cầu nguyện xưa kia với Chúa Giêsu : “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
Tôi cầu nguyện cho một người đã bị tôi khinh thường. Xin Chúa tha thứ cho tôi, vì đã khinh thường người khác và coi mình là người khá hơn.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

Comments are closed.