LECTIO DIVINA
‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’
Chúa Nhật XXX-TN_B, 24-10-2021
Mc 10, 46-52
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài cho người mù được thấy”
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”
Nhu cầu được nhìn thấy thực sự về đàng thiêng liêng là chủ đề của Tin Mừng hôm nay (Mc 10, 46-51). Tin Mừng bắt đầu với một tham chiếu địa lý thú vị và một chút màu sắc địa phương: “Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê” (câu 46). Con đường chính đi Giêrusalem chạy ngang qua Giêricô, cách Giêrusalem 15 dặm về phía đông bắc và 5 dặm về phía tây sông Giođan. Hành trình thiên sai của Chúa Giêsu bắt đầu tại Xê-sa-rê Phi-líp (x. Mc 8, 27-30) đang đến đích là Giêrusalem. Việc Chúa Giêsu và các môn đệ, cùng với một đám người khá đông, ra khỏi Giê-ri-cô gợi lên sự di chuyển của một nhóm lớn những người hành hương trên đường đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua. Tuy nhiên, đám đông đang tiến về Giê-ru-sa-lem, nơi dâng hy lễ, đã không hiểu được ý nghĩa định mệnh vượt qua của Chúa Giêsu. Theo phép ẩn dụ, các môn đệ và đám đông là những người “mù lòa” về định mệnh của một người đáng chú ý, là người đã tuyên bố: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10, 45). Thật vậy, dân chúng cho là thuận tiện hơn khi nhìn Chúa Giêsu như một người có khả năng làm phép lạ tuyệt vời, một nhà cai trị uy quyền về chính trị và một vị vua rộng rãi. So với người hành khất mù Ba-ti-mê, dân chúng có vẻ may mắn vì được nhìn bằng đôi mắt thể lý. Nhưng có một thực tế sâu xa hơn cái nhìn thể lý.
Marcô miêu tả Ba-ti-mê đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Với niềm hy vọng ngoan cường, người hành khất mù kiên quyết kêu lên lời khẩn cầu: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi” (Mc 10, 47). Phớt lờ sự quở trách của nhiều người thiếu thông cảm đang cố gắng bịt miệng anh, anh mù tiếp tục kêu to hơn nữa : “Lạy Con vua Đavít, xin thương xót tôi” (Mc 10, 48). Đây là lần đầu tiên kiểu nói “Con vua Đavít” được công khai áp dụng như tước hiệu Đấng Thiên Sai cho Chúa Giêsu, và đáng nói là, đã được anh mù Ba-ti-mê sử dụng. Tước hiệu “Con vua Đavít” chỉ rõ Chúa Giêsu là người thừa kế lời hứa của Thiên Chúa với Đavít qua Nathan (xem II Sm 7, 12-16). Học giả Kinh thánh Philip Van Linden nhận xét: “Danh hiệu mà Ba-ti-mê đặt cho Chúa Giêsu, ‘Con vua Đavít’, chỉ ra rằng anh ta, một người hành khất mù, thực sự nhìn thấy Chúa Giêsu là ai; anh ta nhìn rõ hơn các môn đệ và đám đông đã ở với Chúa ngay từ đầu !”
Chúa Giêsu lấy lòng trắc ẩn đáp lại Ba-ti-mê. Nghe lời van xin mãnh liệt của anh mù và chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của anh ta bên đường Giê-ri-cô, Chúa Giêsu dừng lại và ra lệnh: “Gọi anh ta lại đây !” (Mc 10, 49). Marcô thuật lại rằng đám đông tham gia vào hành động từ bi của Chúa Giêsu và trở thành một dụng cụ của tiếng gọi thiêng liêng. Họ bảo người mù hãy can đảm, đứng dậy và gặp Chúa Giêsu, Đấng đang kêu gọi anh ta. Ba-ti-mê đáp lại cách nhanh nhẹn. Theo lời kể của Marcô: “Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu” (Mc 10, 50). “Chiếc áo choàng” mà anh ta vất bỏ, có thể đã được anh sử dụng trước đây để nhận bố thí của người dân. Thật vậy, nhiều tham chiếu đến hàng may mặc trong Tin Mừng Marcô cho thấy rằng Ba-ti-mê đang rời bỏ “trật tự cũ” và đón nhận một cuộc sống mới.
Khi người hành khất mù xuất hiện, Chúa Giêsu hỏi anh ta, “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Chúa lặp lại câu hỏi đã có lần Chúa hỏi Giacôbê và Gioan. Hai người con của bà Giêbêđê nhất quyết chiếm cho mình một vị trí vinh quang trong vương quốc thiên sai (x. Mc 10, 35-40). Trong khi lời yêu cầu của Giacôbê và Gioan bị nhuốm một dấu vết đầy tham vọng, thì lời thỉnh cầu của người mù xuất phát từ một tâm hồn khiêm nhường đặt niềm tin nơi Chúa Giêsu. Câu hỏi của Chúa trở thành dịp để Ba-ti-mê tuyên xưng niềm tin của mình vào quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu. Người mù nói với Chúa Giêsu trong niềm hy vọng và tin tưởng chắc chắn: “Thưa Thầy, xin cho tôi được nhìn thấy” (Mc 10, 51). Ba-ti-mê là người duy nhất trong Phúc âm của Marcô gọi Chúa Giêsu là “Thầy”. Đức Giêsu đích thực là Thầy, Đấng đã thắp lên ánh sáng đức tin trong người mù. Những lời của Chúa Giêsu thật cao cả: “Anh hãy đi ; lòng tin của anh đã cứu anh ”(Mc 10, 52). Chúa Giêsu không cần phải đụng đến Ba-ti-mê, người có lời cầu nguyện và hành động bộc lộ đức tin sâu sắc. Philip Van Linden nhận xét: “Chúa Giêsu là Thầy của anh mù ! Chính sự tin tưởng sâu xa nơi Chúa Giêsu là điều mà Marcô muốn khơi gợi lên nơi những người tiếp nhận Tin Mừng của Ngài ”.
Bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kết thúc với một ghi nhận vui mừng về sự chữa lành và một chuyển động có tính quyết định của việc làm môn đệ Đức Kitô : “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10, 52). Người đã từng ngồi bên vệ đường hoặc trên “đường đi” đã được Chúa Giêsu chữa lành và quyết định triệt để theo Chúa trên con đường làm môn đệ. Theo Virgil Howard và David Peabody, “Ba-ti-mê là một ví dụ về một người có “cái nhìn đúng” (một người biết nhìn), và một người như vậy đi theo Chúa Giêsu vào cuộc khổ nạn của Ngài. Việc anh ta đáp trả mệnh lệnh của Chúa Giêsu, “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh” là anh ta chấp nhận con đường của Vị Tôn sư thần linh, con đường dẫn từ Giêricô đến Giêrusalem, và cuối cùng – con đường Thập giá. Sự đáp trả của Ba-ti-mê thách thức cộng đoàn các Kitô hữu ngày nay.
2. MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)
– Tôi có nhận ra và xác định được tình trạng mù lòa bên trong tôi cần được chữa lành không? Tôi có quay về phía Chúa Giêsu và thưa với Chúa, “Thưa Thầy, xin cho con được thấy” không?
– Trong kinh nghiệm của tôi về sự mù lòa và tuyệt vọng, tôi có can đảm và đức tin để kêu lên với Ba-ti-mê : “Lạy Chúa Giêsu, Con vua Đa-vít, xin thương xót con” không?
– Khi Chúa Giêsu nhìn thấy tôi bên vệ đường và kêu gọi tôi đến với Ngài, phản ứng của tôi là gì ? Tôi có vứt bỏ chiếc áo choàng là thói quen xưa cũ của mình sang một bên, đứng dậy và chạy đến gặp Chúa không? Tôi có đi theo Chúa trên đường Ngài đi không?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
Lạy Chúa Giêsu, chúng con bị mù. Chúng con nhắm mắt không nhìn thấy định mệnh vượt qua của chúng con và những đòi hỏi triệt để của việc làm môn đệ Chúa. Chúng con xin hướng về Chúa để xin chữa lành nội tâm và ánh sáng đức tin. Chúa tốt lành và từ bi, Đấng chữa lành những thương tật của chúng con. Chúa là Vị Tôn Sư Thần Linh, là Ánh sáng nhân hậu dẫn chúng con đến Giêrusalem, đến con đường Thập giá cứu độ. Chúng con đặt niềm tin vào Chúa vì Chúa là suối nguồn ánh sáng và sự chữa lành. Chúa hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
– Tôi cầu nguyện để tạ ơn vì có nhiều người tốt đã nỗ lực làm giảm bớt những hoàn cảnh đau đớn và khó khăn của những người khiếm thị.
– Tôi cung cấp một trợ giúp nào đó cho các tổ chức khác nhau dành cho người mù.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.