LECTIO DIVINA
‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’
Chúa Nhật IV Mùa Chay_C, 27-3-2022
Lc 15, 1–3.11-32
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài chuẩn bị Tiệc mừng việc trở về Nhà”
“Em con đây đã chết mà nay lại sống”
Dụ ngôn hôm nay (Lc 15, 1-3, 11-32) thường được gọi là “Dụ ngôn về đứa con đi hoang”. Gọi như vậy là dùng chữ không đúng. Kiểu gọi phổ biến “Dụ ngôn về đứa con đi hoang” không cho thấy rằng người cha có hai đứa con đi hoang, chứ không phải chỉ một đứa. Thật vậy, người con cả phẫn uất không biết rằng mình đã “đi hoang”. Mặc dù gần gũi về thể lý với người cha, đứa con cả cũng đi hoang như một kẻ đã lên đường đến một đất nước xa xôi, phung phí tài sản thừa kế của mình trong một cuộc sống phóng túng.
Những người khác thì thích gọi câu chuyện này là “Dụ ngôn về người cha xài hoang”. Người cha rộng lượng, quá mức và quá thừa về tình yêu của mình dành cho đứa con thứ ngỗ ngược cũng như cho đứa con cả, kẻ không thể yêu thương hào phóng như người cha. Để cảm nghiệm được niềm vui và sự bình an nội tâm, chúng ta phải tham dự vào lòng thương xót trắc ẩn và tình yêu cứu độ của Chúa Cha, với tấm lòng quảng đại và khiêm nhường. Việc tự cho mình là công chính ngăn cản sự đồng cảm với lòng thương xót trắc ẩn của Thiên Chúa và do đó, cắt đứt chúng ta khỏi niềm vui phát xuất từ tình yêu thương tha thứ của Ngài. Đó là trường hợp của người con cả “đi hoang”.
Dụ ngôn về tình yêu hào phóng của Chúa Cha được hoàn tất trong Chúa Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Thiên Chúa. Khi mang lấy bản tính con người, Chúa Giêsu đã hoàn toàn chia sẻ trải nghiệm thảm hại của đứa con thứ ngỗ ngược và của mọi tội nhân. Trong sự dâng hiến vượt qua của mình trên thập giá, Chúa Giêsu trải nghiệm nỗi đau đớn của sự xa lánh do tội lỗi của chúng ta gây ra. Khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, với tiếng thốt ra : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46), Chúa Giêsu đã hoàn toàn trải nghiệm sự “trở về nhà” của nhân loại. Trong sự kiện cứu độ độc nhất vô nhị đó, Chúa Giêsu đã làm cho trở thành khả thi và hiện thực, việc “trở về nhà” của những đứa con đi hoang của Thiên Chúa và sự hòa giải của họ với Chúa Cha, Đấng vô cùng hào phóng với kế hoạch cứu độ của Ngài.
Lạy Cha, Cha đầy lòng thương xót và trắc ẩn. Xin tha thứ cho chúng con tội đã chọn con đường riêng của mình, không phụ thuộc vào Cha. Xin tha thứ cho chúng con tội đã lãng phí những tài sản thiêng liêng và những ân huệ mà Cha đã thương ban cho chúng con. Chúng con đã muốn xây dựng cuộc sống của mình ngoài kế hoạch yêu thương của Cha. Chúng con đã háo hức trải nghiệm những cuộc phiêu lưu dính dáng đến cái chết và tận hưởng sự liều lĩnh của một tự do sai lầm. Chúng con cũng đã uống những cặn bã của thú vui tội lỗi và đắm chìm trong những thỏa mãn ích kỷ. Lúc này chúng con đã thấm thía, chúng con cảm thấy suy đồi, bị cô lập và trống rỗng. Xin giúp chúng con vì chúng con bị tan vỡ và sự sống của chúng con đang cạn kiệt. Lạy Cha, chúng con đã phạm tội chống trời và chống lại Cha. Chúng con không còn đáng được gọi là con của Cha nữa. Nhờ cuộc tử nạn yêu thương của người Anh của chúng con là Chúa Giêsu và nhờ cái chết hy sinh của Ngài trên thập giá, chúng con xin trở về với Cha, trong tràn đầy nước mắt ăn năn. Xin Cha thương xót chúng con. Amen.
Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”
Tôi thực hiện việc hòa giải với Thiên Chúa, với chính tôi, với tha nhân, với Hội Thánh, và với mọi thụ tạo, bằng việc đi lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, vì “hoa quả cao quý nhất của ơn tha thứ được lãnh nhận trong Bí tích Hòa Giải hệ tại việc hòa giải với Thiên Chúa: việc hòa giải này diễn ra trong thâm sâu cõi lòng của con người đã mất mà tìm lại được, và người con ấy là chính mỗi hối nhân. Tuy vậy cần phải thêm rằng, việc hòa giải với Thiên Chúa còn đưa đến các việc hòa giải khác, sửa chữa lại những rạn nứt mà tội đã gây ra. Hối nhân được hòa giải với chính mình trong nơi thẳm sâu của chính mình, để nhận ra chân ngã của mình. Hối nhân được hòa giải với anh em, người mà mình đã tấn công và đả thương cách nào đó, hòa giải với Hội Thánh, hòa giải với mọi thụ tạo” (Tông huấn Hòa Giải và Sám Hối, 31, V).
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.