Lời Chúa Chúa Nhật III-TN_B, 24-01-2021 – CHÚA NHẬT TÔN VINH LỜI CHÚA (Mc 1, 14-20) “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Chúa Nhật III-TN_B, 24-01-2021

CHÚA NHẬT TÔN VINH LỜI CHÚA

Ngày VII trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất

Mc 1, 14-20

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”

           Bài đọc Tin Mừng hôm nay (Mc 1, 14-20) gồm hai đoạn: sự khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu (c. 14-15) và việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên (c. 16-20). Những điều này tiếp theo ngay sau câu chuyện về việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc (câu 12-13), nơi, Ngài, với tư cách là Con Thiên Chúa, đã phải vượt qua thử thách của Satan trước khi bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Những lời khai mạc sứ vụ công khai của Chúa Giêsu chứa đựng bản tóm tắt sứ điệp ban sự sống của Ngài. “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Thực ra, Chúa Giêsu muốn nói rằng Ngài là sự hoàn thành các lời hứa của Thiên Chúa và (rằng) triều đại của Thiên Chúa đã bắt đầu nơi Ngài. Thật vậy, đối với Marcô, Chúa Giêsu là Tin Mừng hiện thân. Việc Chúa Giêsu công bố thời gian hoàn tất đã khiến những người Israel trung thành trong thời của Ngài phấn khích, nhưng Ngài lập tức liên kết việc loan báo Tin Mừng với một lời kêu gọi thúc ép phải có một đáp ứng triệt để. Chúa Giêsu đòi hỏi sự hoán cải và đức tin toàn vẹn, với ý nghĩa kinh thánh đầy đủ của nó là hướng đến một hiện hữu mới và một sự gắn bó với chính con người của Ngài.

           Kế đến, thánh sử Marcô hoàn thành phần trình bày về sứ vụ khởi đầu của Chúa Giêsu bằng cách thuật lại việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Câu chuyện về việc kêu gọi những người đánh cá, Simon và anh của ông là Anrê, cùng với Giacôbê và Gioan, cung cấp một hình mẫu cho đáp trả của chúng ta trước Chúa Giêsu và mô tả những hy sinh của việc làm môn đệ Đức Kitô. Đi theo sau Chúa Giêsu và chia sẻ sứ mệnh cứu độ của Ngài là bước đi trên hành trình tự hiến và đáp trả trao ban sự sống. Đó là lời kêu gọi bước vào định mệnh vượt qua của Đức Kitô.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Khi đối diện với Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta, “Hãy theo tôi”, câu trả lời cá nhân của chúng ta là gì? Liệu chúng ta có dám trả lời: “Vâng, con sẽ bỏ tất cả và đi theo Chúa”?

–      TÔN VINH LỜI CHÚA. Đọc Kinh Thánh: tại sao và thế nào?

         Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa, là Sách Thánh.

         Kinh Thánh gồm 73 quyển, trong đó 46 quyển thuộc Cựu Ước và 27 quyển thuộc Tân Ước. Tân Ước ẩn giấu trong Cựu Ước và Cựu Ước trở nên rõ ràng trong Tân Ước.

           Kinh Thánh là một cuốn sách lịch sử và qua lịch sử này, Abraham, Môisê, Đavít, các tiên tri…, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho chúng ta. Chúng ta kính trọng Kinh Thánh, cuốn sách phổ biến nhất; sứ điệp của Kinh Thánh thật tuyệt diệu cho mỗi chúng ta. Kinh Thánh làm chứng về Thiên Chúa (x. Ga 5, 39). Theo Thánh Irênê, Kinh Thánh là “nền tảng và trụ cột đức tin của chúng ta”. Và, theo Thánh Giêrônimô, “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”.

Trong Sách Thánh, Thiên Chúa nói với chúng ta. Lời Chúa mang lại sức sống cho Giáo Hội và nuôi dưỡng tâm hồn (Cđ. Vatican II, Hiến chế về Mạc Khải, 21).

           Khi Đức Kitô, là Ngôi Lời và là Con Thiên Chúa đến, sự mặc khải của Thiên Chúa đạt tới sự hoàn hảo; do đó không cần phải đợi một Lời mới nào khác được mạc khải. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy dành cho Lời Chúa sự vâng phục của đức tin (x. Rm 16, 26). Chúa Giêsu nói: “Nếu các con ở lại trong Lời của Thầy, thì các con thực sự là môn đệ của Thầy” (Ga 8, 31).

           Thánh Phaolô viết cho Timôthê (2 Tm 3, 16): “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng”. Thiên Chúa là Tác giả chính của Kinh Thánh, nhưng mỗi tác giả thánh vẫn có quyền đặt sự đào tạo, tính khí và phong cách của mình vào Kinh Thánh. Nên Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa trong ngôn ngữ loài người! Không có nguy cơ mắc sai lầm nào đối với chân lý (đức tin và luân lý) mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để cứu độ chúng ta.

           Cầu nguyện phải đi kèm với việc đọc Sách Thánh để có thể thiết lập một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Phải biến việc đọc Sách Thánh thành một Lectio Divina, nghĩa là đọc với chủ ý ‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’.

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

           Lạy Chúa Giêsu, Nước Chúa đã đến gần! Chúa kêu gọi chúng con quay lưng lại với tội lỗi và tin vào Tin Mừng. Chúng con bỏ lại phía sau những tấm lưới an toàn của chúng con. Chúng con bỏ mọi thứ lại phía sau và đi theo Chúa. Có cái gì đó mầu nhiệm và xinh đẹp đang ở phía trước chúng con. Xin ban cho chúng con ơn trung thành với ơn gọi của chúng con và yêu thương, phục vụ anh chị em, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Họ đi theo Người”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

           Sống Ngày VII trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất, tôi thực hành lời dạy này của ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hôm Thứ Tư 25-9-2013 tại quảng trường Thánh Phêrô:

                      “Anh chị em thân mến,

           “Trong Kinh Tin Kính chúng ta đọc ‘Tôi tin Một Giáo Hội…’, nghĩa là, chúng ta tuyên xưng rằng Giáo Hội là một và Giáo Hội nầy, trong chính nó, là hiệp nhất. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào Giáo Hội Công giáo trên thế giới chúng ta khám phá ra rằng nó có đến 3.000 giáo phận rải khắp trên tất cả các đại lục: rất nhiều ngôn ngữ, rất nhiều nền văn hóa! Tuy vậy hàng ngàn cộng đoàn Công giáo làm nên một sự hiệp nhất. Làm sao điều nầy có thể được?

“Chúng ta tìm ra một câu trả lời tổng hợp trong giáo lý của Giáo Hội Công giáo, nó nói rõ rằng: Giáo Hội Công giáo lan rộng khắp thế giới “có duy nhất một đức tin, duy nhất một đời sống bí tích, duy nhất một sự kế vị tông đồ, một niềm hy vọng chung, một đức ái chung” (số 161). Hiệp nhất trong đức tin, trong đức cậy, trong đức ái, hiệp nhất trong các Bí tích, trong Sứ vụ: chúng tựa như những cột trụ nâng đỡ và giữ lại với nhau tòa nhà lớn của Giáo Hội. Bất cứ nơi đâu chúng ta đi đến, cho dù trong một giáo xứ nhỏ nhất, ở nơi một góc xó hẻo lánh nhất của trái đất nầy, có một Giáo Hội ấy; chúng ta đang ở nhà, chúng ta đang ở trong gia đình, chúng ta đang ở giữa những người anh chị em. Và đây là món quà tuyệt vời của Thiên Chúa! Giáo Hội là một cho tất cả. Không có một Giáo Hội cho người châu Âu, một Giáo Hội cho người châu Phi, một Giáo Hội cho người châu Mỹ, một Giáo Hội cho người châu Á, một Giáo Hội cho những người sống ở châu Đại dương, nhưng là cùng một Giáo Hội ở khắp nơi. Nó tựa như xảy ra ở trong gia đình: một người có thể ở xa, rải rắc khắp thế giới, nhưng những mối ràng buộc sâu xa hiệp nhất tất cả mọi thành viên vẫn luôn vững chắc bất kể khoảng cách xa hay gần. Tôi nghĩ về kinh nghiệm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Rio de Janerio: trong đám đông bao la của các người trẻ trên bãi biển Copacabana, được nghe rất nhiều ngôn ngữ, được thấy những nét mặt rất khác biệt giữa họ, được gặp gỡ nhiều nền văn hóa khác nhau, tuy nhiên vẫn có một sự hiệp nhất sâu xa, một Giáo Hội duy nhất được hình thành, đã có sự hiệp nhất và nó đã được cảm nhận. Tất cả chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi có cảm nhận được sự hiệp nhất nầy không? Tôi có sống sự hiệp nhất nầy không? Hay là tôi không quan tâm bởi vì tôi đã đóng kín trong cái nhóm nhỏ của tôi hay trong chính mình tôi? Có phải tôi là một trong những người muốn ‘riêng tư hóa’ Giáo Hội cho chính phe nhóm của riêng tôi, cho quốc gia của tôi, cho bạn bè của tôi? Khi tôi nghe rằng rất nhiều Kitô hữu trên thế giới đang đau khổ, tôi dửng dưng hay nó tựa như ai đó trong gia đình tôi đang đau khổ? Tôi có cầu nguyện cho nhau không? Điều quan trọng là cần nhìn ra khỏi khuôn rào của mỗi người, để cảm nhận chính một Giáo Hội, một gia đình của Thiên Chúa!”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.